Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam -Trung Quốc
Sáng nay, tại Bắc Kinh đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc với sự tham gia của đại diện hơn 450 doanh nghiệp lớn của bạn. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Diễn đàn.
Ký kết các hợp đồng tại Diễn đàn. |
Ngay tại diễn đàn này, nhiều thoả thuận hợp tác và hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết, trong đó Tổng Công ty than Việt nam ký với 2 đối tác Trung Quốc để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện chạy than Sơn Động với công suất 200 MW ở tỉnh Bắc Giang trị giá 173 triệu đô la Mỹ cùng với một hợp đồng khác trị giá 280 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả. Lớn nhất là thoả thuận hợp tác sản xuất thép đóng tàu trị giá 400 triệu đô la do Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam ký với Tổng Công ty khoảng sản Trung Quốc.
Vào lúc 9h 45', chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Việt Dũng, Tổng Giám đốc MitsuStar Việt Nam, người vừa ký với ông Thường Tịnh Bình, Tổng Giám đốc Hải ngoại của tập đoàn Haier một thoả thuận hợp tác trong 5 năm. Sau đây là nội dung phỏng vấn.
Thưa ông, được biết trong ngày hôm nay 19/7,cùng với Diễn đàn doanh nghiệp do Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì được tổ chức tại Bắc Kinh, thì đã có lễ ký kết một số văn bản hơp tác quan trọng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có Lễ ký các văn bản hợp tác giữa Haier - Tập đoàn Công nghiệp điện tử -gia dụng nổi tiếng hàng đầu ở Trung Quốc và MitsuStar ViêtNam do ông làm Tổng Giám đốc. Vậy xin ông cho biết nội dung chính của văn bản hợp tác mà ông đã ký?
Ông Hoàng Việt Dũng: Haier là Tập đoàn công nghiệp điện tử - gia dụng lớn nhất Trung Quốc, và cũng là một trong các tập đoàn điện tử- gia dụng hàng đầu thế giới (năm 2001 , 2002 đứng thứ 2 thế giới về các sản phẩm gia dụng), với doanh thu năm 2004 là 12,2 tỷ USD. Haier là thương hiệu duy nhất của Trung Quốc nằm trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới (theo bảng xếp hạng tháng 1 năm 2004). Quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn Haier và MitsuStar Việt Nam đã có từ 3 năm nay, đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Tại diễn đàn hợp tác Trung - Việt được tổ chức tại Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tập đoàn Haier và MitsuStar Việt Nam đã chính thức kí kết văn bản hợp tác với nội dung cơ bản là cùng nhau hợp tác và phát triển tại thị trường Việt nam và ASEAN, cụ thể là:
- Tập đoàn Haier chính thức trao cho MitsuStar Việt Nam độc quyền nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gia dụng mang thương hiệu Haier .
-Tập đoàn Haier giúp cho MitsuStar tiếp cận với kinh nghiệm phát triển của Haier trong quá trình phát triển chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, phát triển công nghệ, sản xuất các sản phẩm gia dụng với chất lượng cao có giá cả cạnh tranh.
Như vậy , MitsuStar bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các công nghệ cao của Nhật Bản và Hàn Quốc để sản xuất các các sản phẩm điện tử - gia dụng cao cấp với thương hiệu MitsuStar , thì nay với sự hỗ trợ của Haier, công ty chúng tôi có thể sản xuất các sản phẩm điện tử - gia dụng có thương hiệu MitsuStar với chất lượng cao nhưng giá cả rất cạnh tranh, có thể xâm nhập mạnh mẽ thị trường nội địa và thị trường ASEAN.
( Xin lưu ý rằng, tại Nhật Bản, tập đoàn SANYO là nhà phân phối độc quyền cho sản phẩm thương hiệu Haier . Tại Mĩ , tập đoàn gia dụng hàng đầu của Mĩ là MAYTAG là nhà phân phối độc quyền của Haier ...)
VietNamNet: Vì sao trong nhiều tập đoàn của Trung Quốc, ông lại chọn Haier ?
Ông Hoàng Việt Dũng: Tại Trung Quốc, MitsuStar có nhiều đối tác quan trọng. Chọn Haier để thực hiện kí kết trở thành đối tác chiến lược trong chuyến đi này, ngoài việc Haier là tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh, có trình độ công nghệ cao, trình độ quản lí giỏi, đáp ứng được chiến lược phát triển trong những năm tới của MitsuStar , chúng tôi còn mong muốn nâng cao quan hệ giữa 2 bên lên một tầm cao mới, có lợi cho mục tiêu phát triển của mỗi bên, phù hợp với mong muốn của lãnh đạo 2 nước.
VietNamNet: Theo chúng tôi biết, một số doanh nghiệp do ông lãnh đạo trong hơn 20 năm qua đã từng liên doanh với các doanh nghiệp tên tuổi của Nhật Bản, Hàn Quốc như LG ...vì sao bây giờ lại “bắt t tay" với một công ty Trung Quốc?
Ông Hoàng Việt Dũng: Thế giới ngày nay phát triển rất nhanh, nhiều thế lực kinh tế mới xuất hiện. Một số tập đoàn kinh tế củaTrung Quốc là những thế lực mới đó. Chúng tôi cho rằng, việc hợp tác với họ là một cơ hội tốt để học hỏi, cùng phát triển. Nhất là các công ty Trung Quốc có vị trí địa lí thuận lợi , gần Việt Nam, có nền văn hoá tương đồng, và điều quan trọng là sự khác biệt về trình độ quản lí và công nghệ không xa lắm. Những bài học thành công và thất bại của họ sẽ rất hữu ích cho các công ty Việt Nam.
VietNamNet: Như ông nói, đón đợi thời gian hội nhập AFTA, WTO... doanh nghiệp của ông sẽ là “đối tác" để cùng Trung Quốc mở rộng thị trường sang ASEAN, Nam Á, châu Phi...Vậy, hai bên đã có chuẩn bị gì, và cả hai bên có thấy hết những thách thức?
Ông Hoàng Việt Dũng: Thị trường ASEAN với hàng trăm triệu dân là rất hấp dẫn không chỉ đối với các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc ...mà còn rất hấp dẫn với các công ty Trung Quốc - được mệnh danh là "nhà máy sản xuất cho cả thế giới". Hiện nay, hàng năm, Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường ASEAN hàng tỷ USD hàng hoá điện tử, điện gia dụng. Mức thuế xuất nhập khẩu của ASEAN đối với hàng hóa Trung Quốc đang còn cao, nếu các tập đoàn Trung Quốc, cùng các công ty Việt Nam đầu tư sản xuất tại Việt Nam, thì sẽ cho xuất xưởng các sản phẩm có chất lượng cao, nhưng giá thì tương tự như sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm này không chỉ bán cho nội đia mà còn xuất khẩu đi các nước ASEAN với giá rất cạnh tranh do thuế suất thấp.
VietNamNet: Có người lo "đến khi vào WTO” thì Việt Nam khó cạnh tranh nổi với người khổng lồ Trung Quốc, phải chăng khi chọn Trung Quốc làm đối tác cho thời kỳ “đất nước ta phải vượt qua giai đoạn kém phát triển” ông đã tính đến chuyện “ bắt tay họ" để đi tìm những thị trường kém phát triển hơn?
Ông Hoàng Việt Dũng: Trung Quốc đúng là một người khổng lồ về kinh tế, khi họ gia nhập WTO, đã làm thay đổi bức tranh kinh tế trên toàn thế giới . Các nước phát triển cũng phải kính nể các tập đoàn Trung Quốc, e dè các sản phẩm của họ. Nhưng Người Khổng Lồ Trung Quốc cũng có những cái khó của họ, nhất là khi đã có luật chơi chung của WTO, cơ hội của chúng ta là chỗ đó. Cả 2 bên đều cần nhau để phát triển. Thị trường tương lai của chúng ta không chỉ ở các nước kém phát triển, mà còn cả các nước phát triển. Nhất là trong giai đoạn này, các tập đoàn của các nước phất triển sẽ thôi sản xuất các sản phẩm điện tử - gia dụng có trình độ công nghệ thấp và trung bình để chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, thì thị trường của các sản phẩm này ngày càng mở rộng cho các công ty có tiềm lực của Trung Quốc và Việt Nam. Chúng ta nên tận dụng tốt nhất cho cơ hội này.
-
Nguyễn Lương Phán thực hiện