Bạc Hy Lai, người cầm lái ngành thương mại Trung Quốc
Thương mại là ngành quan trọng bậc nhất góp phần giúp Trung Quốc nổi lên như một thế lực hùng mạnh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Có được như vậy, không thể không nói tới người cầm lái trẻ trung và năng động, Bộ trưởng Bạc Hy Lai.
Bạc Hy Lai sinh vào tháng 7/1949 trong một gia đình cách mạng (có bố là ông Bạc Nghi Bá, từng là uỷ viên Bộ Chính trị TQ), tại tỉnh Sơn Tây. Bạc Hy Lai tốt nghiệp khoa Lịch sử quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh năm 1977, có bằng Cao học tại Viện Khoa học xã hội TQ năm 1982. Ông gia nhập Đảng Cộng sản TQ năm 1980.
Bạc Hy Lai từng là tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh từ năm 2001 tới 2004 sau khi nỗ lực biến Đại Liên thành một thành phố giàu sức sống bậc nhất TQ trong giai đoạn ông làm Bí thư tỉnh uỷ tại đây từ 1993 - 2001. (Đại Liên chính là nơi được chọn để tổ chức cuộc họp Bộ trưởng Thương mại WTO trong hai ngày 12-13/7 vừa qua).
Ở những cương vị trên, ông đã rất thành công trong việc kêu gọi các dòng đầu tư khổng lồ từ Nhật Bản và Hàn Quốc về cho địa phương mình. Đặc biệt, ông có công lớn trong việc mang lại sức sống kinh tế nói chung cho tỉnh Liêu Ninh, nơi những chiến dịch và phương án trước đó đều không mấy hiệu quả.
Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 7 của Thường vụ Quốc hội TQ tháng 2/2004, ông được Chính phủ bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, cầm lái ngành quan trọng bậc nhất góp phần giúp Trung Quốc nổi lên như một thế lực hùng mạnh trong nền kinh tế toàn cầu.
"Hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ trong khi vẫn phải bảo đảm thương mại dịch vụ trong nước phát triển tốt, đó là trọng trách khó khăn cho vị bộ trưởng trẻ tuổi", một chuyên gia kinh tế TQ đã dự báo.
Ông Bạc thương lượng thành công với EU về hạn ngạch dệt may. |
Cụ thể, nhiệm vụ khó khăn này được hiểu là phải bảo đảm các cam kết của TQ trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được thực hiện tốt trước sức ép của đối tác nước ngoài, đồng thời vẫn không để phương hại tới sản xuất và kinh doanh trong nước.
Quan chức Chính phủ TQ cũng như nhiều chuyên gia kinh tế trong ngoài nước lúc đó đều tin tưởng rằng đây là một quyết định thích hợp, bởi người đàn ông "thuộc thế hệ trẻ" này rất giỏi về thương mại cũng như các vấn đề kinh tế vĩ mô.
Vốn tiếng Anh của ông cũng rất khá, đủ để giao tiếp thân mật với các đối tác phương Tây - thị trường chính của hàng TQ. Cộng với tính cách quyết đoán, mạnh mẽ và tư duy cải cách cởi mở, tất cả đều khiến người ta tin rằng ông sẽ mang lại nguồn sinh khí mới cho Bộ Thương mại TQ.
Có vẻ như niềm tin đó đã được đền đáp, và các trọng trách khó khăn đã dần được giải quyết. Bằng chứng là những con số về tăng trưởng thương mại TQ thời gian qua.
Theo dự báo của Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra hôm 7/7, trong buôn bán trên phạm vi toàn cầu, thặng dư của nước này sẽ đạt hơn 70 tỷ USD trong năm 2005. Mức này cao hơn hai lần so với mức 32 tỷ USD của năm ngoái. 70 tỷ USD là con số đáng kể, khi biết rằng Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) năm 2004 của một nước đang phát triển như Việt Nam là hơn 40 tỷ USD, của Phillipines là hơn 80 tỷ USD.
Điều đáng quan tâm là Trung Quốc đạt tỷ lệ tăng trưởng cao về xuất khẩu như vậy bất chấp Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát vĩ mô để giảm nhiệt nền kinh tế suốt nhiều tháng qua. Xuất khẩu thực sự đã trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc trong nhiều năm qua. Năm ngoái, họ đã trở thành nước xuất nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới, với tỷ trọng ngoại thương trong tổng GDP lên tới 30%.
Ngoài ra, chỉ trong một thời gian ngắn giữ cương vị quan trọng này, ông Bạc đã bắt tay với các đối tác lớn phương Tây trong quan hệ làm ăn, đồng thời trực tiếp giải quyết các vụ tranh chấp thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Nhiều vụ việc tưởng chừng không cách giải quyết đã được làm dịu đi một cách ngoạn mục, điển hình là vụ thương lượng thành công với EU về hạn ngạch dệt may.
Theo đánh giá của các nhà kinh tế, sau khi Trung Quốc là thành viên chính thức của WTO và đặc biệt trong thời gian gần đây, trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Thương mại Bạc Hy Lai, ngành thương mại nước này còn có nhiều chuyển biến cụ thể khác.
Nhờ chính sách và định hướng phù hợp, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc nhanh chóng thích nghi với cơ chế kinh tế mới. Tốc độ tăng trưởng của nước này nhờ đó ngày càng cao hơn mức thông thường và ngoại thương tăng mạnh. Các đối tác thương mại của Trung Quốc như OECD, ASEAN, APEC đều thấy có lợi từ một thị trường mở và cơ chế thương mại có nhiều thay đổi ở Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, những năm qua, quan hệ thương mại với Trung Quốc đã có những bước phát triển rõ nét trong bối cảnh nói trên. Tháng 11/2002, Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã ký hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết các hiệp định Thương mại, hiệp định về mua bán vùng biên giới, hiệp định về thành lập Ủy ban hợp tác kinh tế và thương mại… tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế thương mại Việt - Trung phát triển thuận lợi.
Năm 2003, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 4 tỷ USD và dự kiến đến năm 2005 đạt mức 5 tỷ USD.
-
Nhật Vy (Theo ChinaDaily, THX, CNE)