Từ Nhân Dân nhật báo đến Bắc Kinh tập đoàn báo nghiệp
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN), Trung Quốc đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, về sự phát triển của thị trường báo chí; đứng thứ 3 thế giới về số lượng tờ báo phát hành trên 1 triệu bản/kỳ; đứng đầu thế giới về thị trường phát hành; trong 5 năm gần đây, số lượng phát hành báo chí ở Trung Quốc đã tăng 35%, trong khi 3 thị trường báo chí lớn nhất thế giới là Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU đều giảm…
Cuối tháng 3-2005, Đoàn cán bộ báo SGGP do ông Trần Văn Tuấn, Phó Tổng biên tập Thường trực làm trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc với một số tờ báo ở Trung Quốc nhằm tìm hiểu sự phát triển của bạn trong điều kiện “tương đồng”…
Trước khi đến Nhân Dân nhật báo, tôi cứ nghĩ đây sẽ là một cơ ngơi to rộng (anh cả mà) nhưng sẽ rất… quan liêu. Bao nhiêu năm sống trong cơ chế bao cấp, chúng ta hiểu rất rõ bao cấp sinh… quan liêu. Thế nhưng, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là thái độ hết sức lễ độ và chu đáo của nhân viên, bắt đầu từ người gác cổng.
Quả thực, cơ ngơi của Nhân Dân nhật báo rộng như một trang viện, từ Văn phòng của Ban biên tập (BBT) đến báo Điện tử cũng phải đi xe hơi. Mặc dù đã có người đón và trực tiếp hướng dẫn đoàn từ ngoài cổng nhưng qua mỗi cửa, chủ nhà cũng bố trí nhân viên đứng chờ sẵn, vừa chào đón vừa chỉ dẫn. Tiếng tăm thì trong đoàn có người lõm bõm, nhưng cứ nhìn cử chỉ, thái độ của họ, ai cũng thấy mình quan trọng hẳn ra.
Ngay cả người bảo vệ văn phòng BBT đứng nghiêm bất động y như những chiến sĩ cảnh vệ canh Lăng Bác (hình ảnh này thường thấy ở các công sở Trung Quốc), và vẻ tận tụy, thành kính với công việc hiện rõ trên nét mặt. Ông Xu Rujun (đọc theo âm Hán Việt là Từ Như Tuấn), Phó Tổng Biên tập Nhân Dân nhật báo tiếp chúng tôi tại phòng khách ở tầng 7 của tòa soạn.
Có lẽ đã sang VN nhiều nên ông Tuấn tỏ ra biết khá rõ về báo chí VN, về TPHCM và cả báo SGGP, do vậy, trong câu chuyện, ông trao đổi khá thẳng thắn, chân tình.
Ông cho biết: Nhân Dân nhật báo liên tục đổi mới, cải tiến cả cơ cấu tổ chức lẫn nội dung để khắc phục những nhược điểm về nghiệp vụ và để tờ báo gần hơn với bạn đọc. Đợt gần đây nhất là đầu năm 2004, đã thành lập Phòng Phóng viên thời sự để lấy thông tin và làm tin theo chỉ đạo trực tiếp của BBT, (nhằm khắc phục kiểu lấy tin và làm tin tùy tiện); mở mục Điểm nóng, ưu tiên đưa ngay, kịp thời những thông tin thời sự đang được xã hội quan tâm như các vụ nổ sập mỏ than, dịch bệnh SARS, cúm H5N1… (trước đây, chờ chỉ đạo hoặc chỉ đưa tin sau khi đã khắc phục hậu quả…).
Nhân Dân nhật báo xuất bản 21 ấn phẩm, trong đó có 11 nhật báo, tuần báo, thời báo và 10 tạp chí. Biên chế, chỉ riêng phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) đã hơn 1.000 người; có hơn 70 trạm thường trú ở trong và ngoài nước… Đó là một khối lượng công việc và biên chế quá lớn đối với quy mô một cơ quan báo chí.
Cũng như báo Nhân Dân của Việt Nam, Nhân Dân nhật báo là tờ báo số 1 của Trung Quốc xét về quy mô, tầm ảnh hưởng cũng như ngạch bậc. Đất nước Trung Quốc bao la, dân số đến hơn 1,3 tỷ, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã lên đến con số ngàn tỷ USD…
Ở trong một đất nước rộng lớn như thế, Nhân Dân nhật báo phát triển như thế cũng không lấy gì làm lạ. Chỉ cần Nhà nước “rót” cho cái số lẻ trong khoản dự trữ ngoại tệ thì kinh phí ấn bản của Nhân Dân nhật báo có mà… xài không hết! Thế nhưng chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi được biết Nhân Dân nhật báo hoàn toàn tự chủ về tài chính. Ông Từ Như Tuấn khẳng định: “Chúng tôi đã hoàn toàn độc lập tự chủ về ngân sách từ nhiều năm nay”. Từ nguồn nào? – Chủ yếu là từ quảng cáo.
Ngoài ra còn có nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh khác như kinh doanh xây dựng nhà bán và cho thuê… Tất cả các hoạt động kinh doanh khác ngoài báo chí do một bộ phận có tên gọi là Cục Phát triển kinh tế, phụ trách. Ông Tuấn chỉ mấy cao ốc phía sau tòa nhà văn phòng BBT, có lẽ cũng trong khuôn viên của Báo và cho biết đó là nhà do Báo đầu tư xây dựng, một phần bán cho CB, PV của báo có nhu cầu và một phần bán ra ngoài hoặc cho thuê. Báo Đảng của Trung Quốc hoàn toàn tự chủ về tài chính. Nói cách khác, cũng làm kinh tế để nuôi sống mình và để phát triển, mà lại phát triển mạnh, so với hầu hết báo Đảng của ta, cũng là “chuyện lạ”…
Khi xe vừa đỗ xuống một tòa cao ốc có thể coi là hiện đại nhất nhì Bắc Kinh về kiến trúc cũng như sử dụng vật liệu xây dựng, chúng tôi nghĩ mình đã đến nhầm địa chỉ. Vào bên trong, điều đó càng được khẳng định bởi giữa một đại sảnh của một khách sạn loại 5 sao, chỉ có quầy tiếp tân lớn với những cô nhân viên xinh đẹp và những bộ xa-lon sang trọng cho khách ngồi, mà thôi.
Không thấy Tòa soạn hay phòng tiếp bạn đọc đâu cả. Chỉ mấy phút sau, khi ông Chánh văn phòng Bắc Kinh nhật báo xuống đón khách, chúng tôi mới tin đó là…Bắc Kinh nhật báo. Theo lời giới thiệu của bà Phó Tổng Biên tập Zheng Jingxiang (Trịnh Kinh Sương), cao ốc này chỉ là một phần trong những cơ sở kinh doanh của Tập đoàn báo nghiệp Bắc Kinh nhật báo.
Với tài sản 2 tỉ 600 triệu ND tệ (hơn 300 triệu USD), chỉ tính riêng bất động sản, Bắc Kinh nhật báo đã sở hữu hai cao ốc, một trung tâm đào tạo phóng viên 200 phòng, mà cơ sở vật chất ở đó, theo mô tả, có suối, có vườn cây…, tiện nghi như một khu nghỉ dưỡng cao cấp, một nhà xuất bản và một nhà in hiện đại. Tòa soạn Bắc Kinh nhật báo nằm trong tòa cao ốc này, sử dụng trọn 3 tầng - từ 15 đến 17, còn lại là kinh doanh khách sạn. Toàn bộ tòa nhà được điều hành bởi những nhà quản lý khách sạn chuyên nghiệp nên Tòa soạn cũng được hưởng tiện ích của khách sạn 5 sao.
Bắc Kinh nhật báo thành lập tập đoàn báo chí từ tháng 3–2000, đến nay, đang xuất bản cùng lúc 12 ấn phẩm gồm 9 tờ báo, 3 tạp chí. Kể ra, với quy mô bề thế như thế, với doanh số khổng lồ như thế người ta xuất bản 12 ấn phẩm cũng không có gì lạ. Lạ ở chỗ, trong một ngày, một tòa soạn phát hành đến 3 tờ nhật báo thời sự chính trị. Ngoài tờ Bắc Kinh nhật báo phát hành buổi sáng, lại còn có Thần báo cũng phát hành buổi sáng và Vãn báo phát hành buổi chiều.
Trong ngày phát hành hai tờ báo sáng, chiều đã là giỏi, là hợp lý, đàng này, lại có những ba tờ, làm sao tránh khỏi thông tin trùng lặp, bạn đọc bị chia sẻ? Bà Phó Tổng Biên tập Trịnh Kinh Sương lý giải: Tờ Bắc Kinh nhật báo phát hành 400.000 số/kỳ, bạn đọc chủ yếu là các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công chức… Đó là những bạn đọc đăng ký dài hạn, ổn định, đọc trong giờ làm việc.
Còn tờ Thần báo, cũng như Vãn báo (ra buổi chiều) chủ yếu là thông tin thời sự, phục vụ phần lớn cho đối tượng bạn đọc không ổn định, khách vãng lai, qua kênh… bán báo dạo. Do vậy, cũng là phát hành buổi sáng nhưng từ 4 – 5 giờ sáng, Thần báo đã có mặt ở các bến tàu, bến xe, những nơi có đông người qua lại.
Vãn báo cũng vậy. Ngay chiều hôm đó, đi xe buýt từ khách sạn ra quảng trường Thiên An Môn, chúng tôi đã bắt gặp không ít người bán báo dạo dùng loa điện rao Beijing wan bao (Bắc Kinh vãn báo) ra rả như ve, dọc các trạm dừng. Bà Phó TBT cho biết, các ấn phẩm của Bắc Kinh Nhật báo chiếm đến hơn 60% thị phần báo chí Bắc Kinh… Chúng tôi cảm nhận điều đó qua những tờ báo mà người Bắc Kinh cầm đọc ngoài đường: hầu hết đều có manchette Bắc Kinh nhật báo.
-
Nguyễn Đức (SGGP)