,
221
4665
Tư liệu
tulieu
/viet_trung/tulieu/
683400
Quan hệ Trung-Mỹ và sự thành công của Trung Quốc
1
Article
4661
Việt Trung
viet_trung
/viet_trung/
,

Quan hệ Trung-Mỹ và sự thành công của Trung Quốc

Cập nhật lúc 22:56, Thứ Hai, 18/07/2005 (GMT+7)
,

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khoảng 9% từ cuối thập niên 1970 trở lại đây, Trung Quốc đã thực sự chuyển mình thành một con rồng châu Á. Để đạt được thành tựu đáng kinh ngạc ấy, nhờ chính sách cải cách mở cửa, bên cạnh nỗ lực của chính người dân Trung Quốc, các thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh đã phải vận dụng hết sức khôn khéo các mối quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với Hoa Kỳ.

Soạn: AM 488192 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Bush.

Nhiều nhà phân tích đã khái quát mối quan hệ đối tác giữa Trung và Mỹ bằng hai từ: phức tạp và đa diện nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng tính chất của quan hệ Trung-Mỹ sẽ là nhân tố chính quyết định tình hình thế giới trong thế kỷ 21.

Đó là nói về tổng thể, còn về thực chất, mối quan hệ ấy đem lại những lợi ích thiết thực cho cả hai, trong đó dễ nhận thấy là Trung Quốc. Nếu như Mỹ đã nhìn thấy những lợi ích tất yếu trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc từ những năm 1971-1972 thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đi đầu là Chu Ân Lai cũng đã nhận thức rõ điều này, có lẽ sớm hơn Mỹ.

Trong khi mục tiêu xuyên suốt của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh là làm thế nào để xây dựng một đất nước Trung Hoa thịnh vượng, hùng mạnh, thống nhất dựa trên niềm tự hào về một lịch sử hoàng kim của các triều đại đế vương thì trong từng giai đoạn, Trung Quốc lại xác định cho mình một mục tiêu cụ thể để đưa ra đối sách phù hợp.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mà kiềm chế là mặt trội của chính sách đối ngoại giữa hai cực Đông -Tây, an ninh quốc gia là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc bắt tay với Mỹ. Khi chiến tranh Lạnh kết thúc, cùng với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc trong chiến lược phát triển quan hệ với Mỹ. Từ sau sự kiện 11/9/2001, quan hệ song phương bất ngờ xuất hiện một nhân tố ổn định mới, đó là: cuộc chiến chống khủng bố.

Trước năm 1978: Từ đối đầu sang đối thoại

Có thể nói, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tính tới việc thiết lập quan hệ với Mỹ từ rất sớm. Tại Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954, mặc dù Mỹ khi ấy không công nhận CHND Trung Hoa là thành viên thường trực HĐBA LHQ, đoàn đại biểu Trung Quốc theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chu Ân Lai đã gặp các đối tác Mỹ lần đầu tiên vào ngày 5/6/1954. Tới ngày 21/6, hai bên đã gặp gỡ nhau cả thảy 6 lần. Xuất phát từ cơ sở này, các cuộc đàm phán giữa Trung và Mỹ ở cấp Đại sứ đã bắt đầu vào ngày 1/8/1955. Quá trình hội đàm kéo dài tới tận năm 1970 với tổng cộng 136 cuộc gặp. Hiếm mối quan hệ nào trong lịch sử quan hệ quốc tế lại có quá trình đàm phán kéo dài lâu đến vậy, "zíc zắc" đến vậy và kết thúc bằng một thoả thuận có thể nói là "độc nhất vô nhị" như vậy.

Ngoại giao bóng bàn

Soạn: AM 488162 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thủ tướng Chu Ân Lai đón đoàn vận động viên bóng bàn Mỹ thăm Trung Quốc.

Ngày 7/4/1971 (tức là ít lâu sau chiến tranh biên giới Xô-Trung), Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã quyết định mời đoàn vận động viên bóng bàn Mỹ sang thăm Trung Quốc. Ngày 14/4, Thủ tướng Chu Ân Lai đã có cuộc gặp với các vận động viên Mỹ - những du khách đầu tiên của Mỹ tới thăm đất nước Trung Hoa kể từ năm 1949. Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Chu Ân Lai đã có một câu nói nổi tiếng: "Các bạn đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương giữa hai dân tộc Trung và Mỹ". Chỉ vài giờ sau bài phát biểu chào mừng của Thủ tướng Chu Ân Lai, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tuyên bố các sáng kiến thương mại và du lịch giữa Mỹ và CHND Trung Hoa.

Vào sớm tinh mơ ngày 9/7/1971, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Nixon khi ấy là Henry Kissinger đã rời Pakistan tới Bắc Kinh với bí danh "Marco Polo". Trong 2 ngày ở Bắc Kinh, Kissinger đã dành gần 20 tiếng hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai. Cuộc gặp này đã dọn đường cho chuyến thăm Trung Quốc sau đó của Tổng thống Mỹ Nixon, đồng thời mở rộng hơn nữa cánh cửa quan hệ Trung-Mỹ.

Chuyến thăm lịch sử của Nixon 1972

Từ ngày 21-28/2/1972, nhận lời mời của Thủ tướng Chu Ân Lai, Tổng thống Mỹ Nixon đã tới thăm Trung Quốc. Đây là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh đến Trung Quốc. Trong chuyến thăm lịch sử này, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đã tiến hành rất nhiều cuộc hội đàm quan trọng với Nixon.

Soạn: AM 488166 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tổng thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1972.

Cánh cửa trao đổi, tiếp xúc giữa Trung Quốc và Mỹ đã chính thức được mở ra. Kết quả chủ yếu trong chuyến thăm này là việc ký kết Thông cáo chung đầu tiên, còn được gọi là "Thông cáo chung Thượng Hải" ngày 27/2/1972. Nó đánh dấu sự khép lại một thời kỳ cũ và mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Trung-Mỹ.

Từng bước đi tới bình thường hoá

Tiếp sau chuyến thăm của Nixon, Kissinger còn vài lần tới Bắc Kinh để hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cụ thể là Thủ tướng Chu Ân Lai, nhằm duy trì mối quan hệ với Trung Quốc. Tối ngày 17/2/1973, Chủ tịch Mao Trạch Đông có cuộc gặp với Kissinger trong chuyến thăm của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tới Bắc Kinh. Hai bên đã quyết định thành lập một văn phòng liên lạc ở thủ đô mỗi nước nhằm thiết lập một mối liên hệ trực tiếp giữa hai bên. Tháng 5 năm đó, hai văn phòng liên lạc bắt đầu đi vào hoạt động.

Tháng 12/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford cùng phu nhân tới thăm Trung Quốc. Ông đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, tái khẳng định lợi ích của Mỹ trong việc bình thường hoá quan hệ với Bắc Kinh. Ngay sau khi lên nhậm chức năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter đã một lần nữa khẳng định lợi ích của Thông cáo chung Thượng Hải đối với quan hệ Trung-Mỹ.

Soạn: AM 488170 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Kissinger và Chủ tịch Mao Trạch Đông

Mối quan hệ song phương tiếp tục được duy trì trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy chính sách mở cửa với thế giới bên ngoài. Sau khi Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời (1976), Đặng Tiểu Bình đã kế thừa các tư tưởng của ông và tiếp tục phát triển những quan điểm ấy.

Ngày 21/5/1978, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã có cuộc hội đàm với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniev Brejinsky khi ông này đến thăm Bắc Kinh. Hai bên đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo lời Brejinsky, Mỹ đã quyết định bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và sẵn sàng chấp nhận 3 nguyên tắc mà Trung Quốc đề xuất để thiết lập quan hệ ngoại giao. Đáp lại tuyên bố này, Trung Quốc đã có một số động thái rất tích cực. Đầu tháng 7/1978, đại diện Trung và Mỹ bắt đầu các cuộc hội đàm nhằm bình thường hoá quan hệ. Sau 6 vòng đàm phán kéo dài trong nửa năm, hai bên đã đạt được nhất trí. Thông cáo chung của Trung-Mỹ liên quan tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã được đưa ra ngày 16/12/1978 trong đó nêu rõ: "Kể từ ngày 1/1/1979, Trung Quốc và Mỹ sẽ chính thức công nhận nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao".

Từ khi bình thường hoá tới 1989: Thuận buồm xuôi gió

Ngày 1/1/1979, Trung và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Mỹ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, rút quân đội khỏi Đài Loan và từ bỏ Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Đài Loan ngay trong năm đó.

Ngày 29/1/1979, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Carter. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo của Trung Quốc tới thăm Mỹ, đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương. Trong chuyến thăm này, Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Carter đã trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề Đài Loan và tình hình thế giới. Hai bên đã ký kết một thoả thuận hợp tác về khoa học, công nghệ, một thoả thuận về văn hoá và một thoả thuận về thiết lập quan hệ lãnh sự, mở Tổng lãnh sự quán ở mỗi nước. Hai bên cũng nhất trí sẽ sớm ký kết các hiệp định về hàng không và vận chuyển bằng đường thuỷ, gửi sinh viên, nhà báo sang mỗi bên để học tập, làm việc.

Soạn: AM 488182 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm Mỹ năm 1979.
Có thể nói, chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình là một bước đột phá về mặt ngoại giao, thể hiện rõ sự đúng đắn trong cách giải quyết các mối quan hệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp tục tiến hành chính sách cải cách, mở cửa mới đề ra.

Cũng trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên này, Đại học Temple, Philadelphia đã tổ chức một buổi lễ tại Nhà Blair ở Washington để phong tặng danh hiệu "Tiến sĩ danh dự về luật" cho Đặng Tiểu Bình.

Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc trao đổi và hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá, khoa học, công nghệ, quân sự...

Cụ thể, ngay sau chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, chính phủ hai nước đã ký Thoả thuận quan hệ thương mại giữa Trung và Mỹ. Thoả thuận có hiệu lực vào tháng 2/1980, với việc Mỹ trao quy chế Tối Huệ quốc (MFN) cho Trung Quốc. Quy chế tối huệ quốc là một dàn xếp thương mại liên quan tới việc không áp dụng mức thuế quan phân biệt đối với hàng xuất khẩu của nước khác dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Việc áp dụng MFN đã đóng một vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại Trung-Mỹ.

Đáp lại chuyến thăm của Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, tháng 8/1979, Phó Tổng thống Mỹ Walter Mondale đã tới Trung Quốc. Chuyến đi này dẫn tới hàng loạt thoả thuận được ký kết vào tháng 9 về các vấn đề về biển, hàng không dân dụng, dệt may và hiệp định lãnh sự song phương.

Quan hệ song phương tiếp tục vận hành tốt đẹp trong nhiệm kỳ đầu của Ronald Reagan. Ngày 9/1/1980, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown nhân chuyến thăm Bắc Kinh của ông này. Tiếp sau đó, ngày 12/3/1980, Đặng Tiểu Bình đã hội đàm với Chủ tịch Ban Giám đốc Công ty Boeing Sandon A. Wilson.

Ngày 17/8/1982, chính phủ Trung Quốc và Mỹ đã ra "Thông cáo Trung-Mỹ ngày 17/8", theo đó phía Mỹ khẳng định: "không tìm cách tiến hành chính sách bán vũ khí cho Đài Loan và đảm bảo việc bán vũ khí cho Đài Loan sẽ không vượt quá mức hàng năm từ sau khi Mỹ - Trung thiết lập quan hệ ngoại giao cả về số lượng lẫn chất lượng đồng thời sẽ dần dần giảm bán vũ khí cho Đài Loan đến khi có một nghị quyết cuối cùng". Đây là Thông cáo chung thứ 3 giữa Trung và Mỹ, cũng là văn bản thứ 3 chỉ đạo quan hệ song phương.

Các chuyến thăm cấp cao vẫn tiếp tục là hình thức chủ yếu phát triển quan hệ Trung-Mỹ trong những năm còn lại của thập niên 1980.

Tháng 1/1984, Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương tới thăm Mỹ. Ngày 28/4/1984, Đặng Tiểu Bình, lúc này là Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn thuộc Uỷ ban Trung ương ĐCS Trung Quốc đã tiếp Tổng thống Mỹ Reagan tại Đại Lễ đường nhân dân Bắc Kinh nhân chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu nước Mỹ. Một năm sau đó, vào tháng 7/1985, Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm sang thăm chính thức Mỹ. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc sang Washington.

Soạn: AM 488186 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tổng thống Mỹ Reagan sang thăm Trung Quốc.

Bước vào nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Reagan, quan hệ Mỹ-Xô chuyển sang thời kỳ hoà dịu, song không vì thế quan hệ Trung-Mỹ lạnh nhạt đi. Tháng 10/1985, Phó Tổng thống Mỹ George Bush sang Trung Quốc, khai trương Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Đây là toà lãnh sự thứ 4 của Mỹ ở Trung Quốc Đại Lục.

Trao đổi thăm viếng giữa các quan chức thuộc chính phủ hai nước tiếp tục được tiến hành trong thời gian từ năm 1985-1989, nổi bật là chuyến thăm làm việc Bắc Kinh của Tổng thống Bush tháng 2/1989. Tháng 5/1989, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc tới thăm Mỹ.

Cũng trong thời gian này, hàng loạt hoạt động trao đổi văn hoá được tiến hành ở tất cả các cấp, giúp người dân hai nước tiếp cận nhiều hơn với các thành tựu văn hoá, nghệ thuật và giáo dục của mỗi bên. Mỗi tháng, có rất nhiều đoàn quan chức và chuyên gia Trung Quốc sang thăm Mỹ.

Từ 1989-2001: Thăng trầm

Từ sau vụ bất ổn chính trị tháng 6/1989, quan hệ Trung-Mỹ bước vào giai đoạn lạnh nhạt với việc Mỹ thực thi một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc.

Trong giai đoạn từ 1990-1996, quan hệ song phương luôn trong tình trạng không ổn định, đôi khi căng thẳng do tác động của việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan (1992), cho phép Lý Đăng Huy sang Mỹ (1995) hay việc Trung Quốc diễn tập quân sự tại Eo biển Đài Loan (1996). Tuy nhiên, hai bên vẫn duy trì một số cuộc tiếp xúc cấp quan chức.

Soạn: AM 488188 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tổng thống George Bush thăm Bắc Kinh năm 1989.

Sự lạnh nhạt trong quan hệ với Mỹ gây ảnh hưởng không ít tới chiến lược phát triển của Trung Quốc. Hiểu được điều này, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đi đầu là Giang Trạch Dân đã tìm cách cải thiện tình hình.

Ngay từ năm 1993, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Seattle bên lề hội nghị APEC (19/11/1993). Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước kể từ tháng 2/1989, trong đó hai bên khẳng định những lợi ích chung mà hai nước theo đuổi. Chủ tịch Giang cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên xem xét quan hệ hai bên từ góc độ thế kỷ 21 và giải quyết đúng đắn những bất đồng đang tồn tại.

Kể từ khi ấy, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiến hành một số cuộc gặp nhân hội nghị các lãnh đạo không chính thức của APEC. Tại hội nghị tháng 11/1996, hai bên nhất trí rằng nguyên thủ hai nước Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến hành các cuộc thăm viếng cấp nhà nước trong hai năm 1997-1998.

Thực hiện thoả thuận trên, từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/1997, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã sang thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Clinton. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc trong vòng 12 năm. Chuyến thăm đã đạt được mục tiêu tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng nhận thức chung, tăng cường hợp tác và đưa quan hệ Trung-Mỹ vào một thời kỳ mới. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết "Tuyên bố chung Trung-Mỹ" ngày 29/10, nhất trí tiếp cận quan hệ song phương trên cơ sở các nguyên tắc của 3 bản tuyên bố chung và hướng tới mối quan hệ "đối tác chiến lược mang tính xây dựng giữa Trung Quốc và Mỹ". Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, mở rộng trao đổi trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng, KHCN, luật pháp, giáo dục, văn hoá...

Soạn: AM 488190 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng thống George W. Bush.

Bên cạnh việc đi thăm Washington, Chủ tịch Giang còn thăm Honolunu, Williamsburg, Philadelphia, New York, Boston và Los Angeles. Qua các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Giang đã bày tỏ quan điểm với nhiều nhân vật có tiếng tại Mỹ trong đó có các thành viên trong Quốc hội Mỹ, giới truyền thông Mỹ, cộng đồng kinh doanh và giới học giả nhằm nâng cao sự hiểu biết của người Mỹ đối với Trung Quốc.

Tháng 1/1998, trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen, hai bên đã ký kết Thoả thuận giữa hai Bộ Quốc phòng về thiết lập cơ chế tham vấn nhằm tăng cường an toàn trên biển của quân đội. Tiếp sau chuyến thăm của ông Cohen, từ ngày 29/4-1/5, Ngoại trưởng Mỹ Madeline Albright đã thăm Trung Quốc trong đó hai bên ký kết Thoả thuận giữa hai chính phủ về việc Thiết lập đường điện thoại bảo an trực tiếp. Ngày 25/5/1998, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có cuộc hội đàm đầu tiên qua đường điện thoại trực tiếp này nhằm trao đổi về tình hình Nam Á và quan hệ Trung-Mỹ.

Sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao của cả hai phía, ngày 3/6/1998, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố kéo dài quy chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc thêm 1 năm nữa.

Từ ngày 25/6-3/7/1998, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Giang Trạch Dân. Hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận trong hàng loạt vấn đề như: tăng cường đối thoại và hợp tác trong các vấn đề quốc tế, nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu thiết lập mối quan hệ "đối tác chiến lược mang tính xây dựng bước vào thế kỷ 21"; tăng cường đối thoại về vấn đề kinh tế, thương mại và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Hai bên còn ra Tuyên bố chung về quá trình đàm phán Nghị định thư bổ sung cho Công ương vũ khí sinh học và Tuyên bố chung về cấm mìn sát thương.

Ngoài Bắc Kinh, Tổng thống Clinton còn tới thăm Tây An, Thượng Hải, Quế Lâm và Đặc khu hành chính Hongkong.

Bên cạnh các chuyến thăm cấp nguyên thủ, hai bên cũng tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp quan chức. Ngày 27/7/1998, Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền hội đàm với Ngoại trưởng Madeline Albrigh tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Manila. Tháng 9 năm đó, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân uỷ Trung ương Trương Vạn Niên sang thăm Mỹ, sau đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Đường Gia Triền. Tháng 11/1998, tại hội nghị lãnh đạo không chính thức APEC lần 6 ở Kuala Lumpur, Malaysia, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, người tham dự hội nghị đại diện cho Tổng thống Bill Clinton.

Ngày 1/1/1999, Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng thống Bill Clinton đã trao đổi thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 20 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Từ ngày 4-14/4/1999, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ có chuyến thăm chính thức tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Bill Clinton. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Trung Quốc trong vòng 15 năm. Điểm đáng lưu ý trong chuyến thăm này là việc hai bên ra tuyên bố chung về việc Trung Quốc gia nhập WTO, theo đó chính phủ Mỹ bày tỏ cam kết ủng hộ sự gia nhập của Trung Quốc.

Trong thời gian từ giữa năm 1999 đến trước vụ 11/9/2001, quan hệ hai nước không ổn định, thậm chí đôi khi "căng thẳng" do tác động của việc NATO đánh bom Sứ quán Trung Quốc ở Belgrade - Nam Tư cũ, vụ máy bay EP-3 của Mỹ đụng độ với máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Hải Nam. Tuy nhiên, sự cần thiết của các cuộc đàm phán gia nhập WTO đã góp phần cải thiện tình trạng ấy.

Ngày 11/9/1999, Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng thống Clinton đã tiến hành cuộc gặp chính thức tại hội nghị các lãnh đạo không chính thức APEC tại Auckland, New Zealand. Hai bên nhất trí tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng bước vào thế kỷ 21, đồng thời tin rằng đây sẽ là đường hướng chỉ đạo tích cực cho quá trình đàm phán song phương về việc Trung Quốc gia nhập WTO. Cuộc gặp này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự hàn gắn và phát triển quan hệ song phương.

Tính tới năm 2004, đã có hơn 100 công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ có dự án tại Trung Quốc với số vốn đầu tư lên tới 48 tỉ USD. Năm 2004, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vượt quá 162 tỉ USD, đây được coi là mức thâm hụt lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Kể từ năm 1992 tới nay, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng từ 33 tỉ USD lên 230 tỉ USD (2004). Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc

Tiếp sau đó, Trung Quốc và Mỹ trao đổi các đoàn cấp quan chức. Ngày 7/11/1999, Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng thống Clinton đã có cuộc điện đàm về vấn đề Trung Quốc vào WTO.

Chỉ sau đó vài ngày, từ 10-15/11/1999, đoàn đại biểu Trung Quốc do Bộ trưởng Thương mại và Hợp tác kinh tế Thạch Quảng Sinh dẫn đầu và đoàn đại biểu Mỹ do Đại diện thương mại Bashervski cùng Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Sperling dẫn đầu đã tiến hành hội đàm tại Bắc Kinh về việc Trung Quốc vào WTO. Hai bên đã ký Hiệp định song phương về vấn đề này ngày 15/11/1999. Sau lễ ký, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã gặp đoàn đại biểu Mỹ và tuyên bố: việc ký kết thoả thuận đã thúc đẩy hơn nữa sự phát triển toàn diện của mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Trung-Mỹ cũng như tiếp tiếp thêm động lực mới cho sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế thế giới.

Tháng 9/2000, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã có cuộc gặp với Tổng thống Clinton tại New York nhân Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ LHQ. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Hai tháng sau đó, 11/2000, Chủ tịch Giang và Tổng thống Clinton lại tiến hành hội đàm tại Bandar Seri Begawan, Brunei bên lề hội nghị APEC. Hai bên trao đổi nhiều vấn đề trong đó có việc Trung Quốc gia nhập WTO.

Sau 11/9/2001: Ổn định - cùng phát triển

Kể từ sau các vụ khủng bố 11/9/2001, quan hệ Trung-Mỹ bước vào giai đoạn mới, ổn định hơn và tốt đẹp hơn với nhân tố nền tảng là: cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 19/10/2001, Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng thống Mỹ George W. Bush đã có một cuộc gặp kéo dài 3h đồng hồ bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Thượng Hải. Hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề lớn liên quan tới quan hệ song phương, cuộc chiến chống khủng bố...

Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 11/12/2001, Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Ngày 27/12/2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã quyết định trao cho Trung Quốc quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn, trước đó gọi là Tối huệ quốc. Tuyên bố của Tổng thống Bush đã chấm dứt một quá trình xét duyệt hàng năm tại Quốc hội Mỹ về việc cho hay không Trung Quốc quy chế này, dỡ bỏ cản trở lớn nhất trong việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên.

Ngày 21/2/2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush có chuyến thăm chính thức sang Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm hai bên ký Thông cáo chung Thượng Hải.

Hiện, quan hệ Trung-Mỹ đang diễn tiến khá ổn định. Trên cơ sở nhận thức chung về vấn đề Đài Loan, hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quân sự... Đối với Trung Quốc, việc duy trì quan hệ ổn định với Mỹ đã đem lại cho nước này những lợi ích thiết thực về kinh tế mà việc gia nhập WTO là bằng chứng rõ ràng nhất. Đây là kết quả của những đường lối, chính sách đối ngoại sáng suốt mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra. Xuất phát từ thực tiễn tình hình trong nước và thế giới, các thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh đi đầu là Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và bây giờ là Hồ Cẩm Đào đã rất thực tế, nắm lấy thời cơ, và vận dụng thành thạo các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là tận dụng quan hệ với Mỹ - siêu cường số 1 thế giới, đưa Trung Quốc đi từ thành công này tới thành công khác. Tất cả những sách lược ấy đều gắn với một mục tiêu nhất quán, đó là xây dựng Trung Quốc thành một "con rồng thực sự" ở châu Á, một Trung Quốc hùng mạnh, thịnh vượng vững tiến bước vào thế kỷ 21. Chứng kiến những thành công của Trung Quốc, ta nhớ lại học thuyết "Ba lợi ích" của Đặng Tiểu Bình, còn được gọi là "Học thuyết Mèo Trắng, Mèo đen": "Không quan trọng là mèo đen hay trắng, miễn nó bắt được chuột".

  • Tân Huyền - (Tổng hợp) 

,

Tin khác

Tin khác của 'Tư liệu'

,
,