,
221
5641
Vinh danh nước việt
vinhdanhnuocviet
/vinhdanhnuocviet/
903326
TS Trần Nam Bình: Mong “đánh thức con Rồng ngủ quên”
1
Article
null
,

TS Trần Nam Bình: Mong “đánh thức con Rồng ngủ quên”

Cập nhật lúc 15:50, Thứ Năm, 01/03/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Bố quê ở Hưng Yên, mẹ gốc Hải Dương, nhưng Trần Nam Bình sinh ra tại Hải Phòng, lớn lên tại Sài Gòn và từng theo học trường Trung học Kiểu Mẫu tại Thủ Đức. Có lẽ chàng trai “đa quê” này đã hấp thu tinh hoa nhiều vùng miền của đất nước nên sớm bộc lộ tài năng.

 

Soạn: HA 941195 gửi đến 996 để nhận ảnh này

PGS.TS Trần Nam Bình

 

Miệt mài đèn sách

 

Sau khi vừa tốt nghiệp trung học Trần Nam Bình xin được học bổng Chương trình Colombo sang Úc du học. Tốt nghiệp Tiến sĩ ngành kinh tế, anh sang Auckland (Tân Tây Lan) dạy học.

 

Khi vừa tốt nghiệp cử nhân, chàng thanh niên nước Việt hiếu học đã dễ dàng đoạt nhiều giải thưởng nên xin được các học bổng sau đại học. Các bài nghiên cứu của anh đã được chọn đăng trong các tạp chí chuyên môn tại Anh, Đức, Hà Lan, Nhật, Mỹ, Tân Tây Lan và Úc. Anh cũng đã xin được một số trợ cấp nghiên cứu cấp quốc gia, tham gia nhiều công trình tư vấn quốc tế và được mời phát biểu báo cáo khoa học tại một số hội thảo tại Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Phần Lan, Đức và Mỹ. Gần đây nhất, TS Trần Nam Bình vinh dự nhận giải thưởng: “Nghiên cứu viên Chính sách Thuế thế giới” (International Tax Policy Research Fellowship) và được mời sang ĐH Tiểu bang San Jóse, Mỹ, làm nghiên cứu một tháng.

 

Hiện nay là Phó giáo sư tại trường Thuế thuộc khoa Luật của ĐH New South Wales. (ĐH Úc tổ chức theo hệ thống Anh, nên số "ghế" Giáo sư trong một trường rất giới hạn, không như hệ thống ĐH Bắc Mỹ, Nhật). Tiến sĩ Trần Nam Bình chịu trách nhiệm chương trình Nghiên cứu sau đại học (Postgraduate Research Program) và chương trình Nghiên cứu viên Thăm viếng (Visiting Research Fellow Scheme) trong trường Thuế. Ngoài ra, anh cũng là chủ biên sáng lập Tạp chí Điện tử Nghiên cứu Thuế (eJournal of Tax Research http://www.atax.unsw.edu.au/ejtr/). Lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn của TS Trần Nam Bình bao gồm thuế, lý thuyết mậu dịch, kinh tế phát triển và mô hình nhiều thế hệ trùng nhau (overlapping generation models).

 

Soạn: HA 941187 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Tác phẩm "Đánh thức con Rồng ngủ quên" gây tiếng vang tốt trong và ngoài nước

Trăn trở của “nhà kinh tế”

 

Có lẽ tên tuổi của TS Trần Nam Bình cũng không xa lạ không chỉ với cộng đồng người Việt ở Úc mà ngay cả người Việt trong nước, nhất là giới trí thức. Nhiều bài viết phân tích kinh tế, giáo dục…sắc sảo của anh không chỉ tạo nên không khí tranh luận mà trở thành những tiểu luận được nhiều người quan tâm. Là chủ biên sáng lập Tạp chí Điện tử Nghiên cứu Thuế tại Úc, TS Bình còn là cộng tác viên của nhiều tờ báo, tạp chí nổi tiếng như: Asian Analyis (Canberra). Các báo, đài nước ngoài cũng thường xuyên phỏng vấn anh về các đề tài kinh tế liên quan đến Việt Nam, ASEAN và WTO. Mới đây, khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với cá basa, TS Trần Nam Bình đã có viết bài trên báo Asian Analysis phân tích và chỉ trích quyết định bảo hộ này của chính phủ Mỹ và tạo được dư luận tốt, thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

 

TS Bình tâm sự: “Tôi là một người Việt, tuy sống xa quê nhưng tâm hồn lúc nào cũng gần quê hương. Vì thế tôi không thể nào không băn khoăn trước các vấn đề xã hội, thời cuộc như tham nhũng, tiêu cực giáo dục, thiếu thốn y tế, lấy chồng Đài Loan, thiên tai bão lụt .v.v. Nhưng từ góc độ chuyên môn nghề nghiệp, mối quan tâm hàng đầu của tôi là vấn đề phân bố các thành quả của phát triển kinh tế tại VN. Khi một xã hội chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch qua kinh tế thị trường thì dù muốn dù không, chúng ta phải chấp nhận sự gia tăng của mức chênh lệch thu nhập và tiêu thụ trong các bước đầu. Tuy nhiên, sau hai thập kỷ đổi mới, các nghiên cứu nghiêm túc gần đây cho thấy các chính sách “định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn chưa có tác động nhiều đến phân phối thu nhập và mức chênh lệch thu nhập vẫn tiếp tục gia tăng. Xã hội chỉ có thể ổn định và duy trì tốc độ phát triển cao nếu mức chênh lệch thu nhập vào độ vừa phải nhờ những chính sách tái phân phối hợp lý và hiệu quả của chính phủ”.

 

Băn khoăn, trăn trở nhiều nhưng chính anh cũng là người lạc quan và phấn khởi trước sự đổi mới kinh tế của đất nước, trước cuộc sống có nhiều đổi thay của người dân. Anh cho biết: “Trong nhiều năm qua, VN đã đạt được nhiều thành quả kinh tế to lớn về cả vĩ mô lẫn vi mô. Điều này chứng tỏ sự thành công tốt đẹp của chính sách đổi mới dần dần và ổn định của chính phủ VN. Tuy nhiên, sau trên dưới 20 năm đổi mới, tôi thiết nghĩ chúng ta cũng cần đặt ra một số câu hỏi, vừa để giúp chúng ta tỉnh táo, vừa để góp ý với giới lãnh đạo về công cuộc phát triển kinh tế trong tương lai. Đó là: Số lượng phát triển kinh tế thì tốt nhưng phẩm chất phát triển như thế nào? Phát triển kinh tế có bền vững (theo nghĩa về cả môi sinh lẫn xã hội) hay không? Làm sao phát triển "vốn con người" và "vốn xã hội" nhanh nhất? Làm sao phát triển nội lực kinh tế VN?”

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên NVX: “Về việc gia nhập WTO của VN trong thời gian tới, TS quan tâm đến vấn đề gì nhiều nhất?Theo TS, VN sẽ đi theo hướng nào để thành công trong “sân chơi” lớn này?”. TS Trần Nam Bình thẳng thắn: “VN hiện nay đang đứng trên thềm WTO và có lẽ sẽ chính thức được mời gia nhập WTO tháng 11.2006 này nhưng bất cứ sự hội nhập kinh tế nào cũng có cái giá của nó. Sự tái phân bố nguồn lực do cạnh tranh quốc tế sẽ gây ra không ít thiệt hại, nhất là trong ngắn hạn, cho một số người dân và doanh nghiệp trong nước, cụ thể nhất là trong nông nghiệp. Chính phủ nên thi hành một số biện pháp trước mắt nhằm giảm thiểu các thua thiệt này. Theo các lý thuyết kinh tế tĩnh mà tôi học hỏi được, hướng đi có lợi nhất cho VN sau khi chính thức gia nhập WTO sẽ do cung cầu thế giới quyết định. Với một nước nhỏ (theo nghĩa tổng sản lượng và xuất nhập khẩu) trong thời kỳ chuyển đổi như VN, các chính sách mậu dịch chiến lược (đi tắt đón đầu) không có ích lợi trong đường dài. Trên thực tế, VN sẽ thành công nhất trong sân chơi quốc tế nếu VN thích ứng nhanh nhất với các môn chơi và lối chơi thế giới. Muốn như vậy, chúng ta cần cải tiến rất nhiều về thông tin (information) và hệ thống liên lạc (networking) với các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Theo tôi, đó phải là hai mối quan tâm hàng đầu cho chính phủ, các cơ quan hữu trách và các doanh nghiệp trong nước hiện nay”.

 

Soạn: HA 941193 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Giây phút giải trí của TS Trần Nam Bình

Việt Nam tuy xa mà gần

 

Dù đã quá nửa đời người sống ở nước ngoài nhưng TS Trần Nam Bình lúc nào cũng cảm thấy “ở gần quê hương”. Những khi có điều kiện, anh cùng một vài đồng nghiệp trở về nước tổ chức các cuộc hội thảo để chuyển giao công nghệ, tri thức cho đồng nghiệp trong nước. TS Bình cùng TS Phạm Đỗ Chí đã tổ chức ba hội thảo quốc tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Chương trình Nghiên cứu VN-Hà Lan. Đặc biệt Hội thảo “Kinh tế VN đi vào thế kỷ 21” tại Hà Nội năm 2001 tạo được nhiều hiệu quả xã hội to lớn. Đây có thể xem là lần đầu các nhà kinh tế VN trong và ngoài nước cùng ngồi với nhau thảo luận một cách cởi mở các đề tài kinh tế có tầm vóc quốc gia. 

 

Năm 2005, anh về nước tham dự Hội thảo Hè Đà Nẵng 2005 do một nhóm trí thức kiều bào phối hợp cùng Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức và Hội thảo Public Economic Theory Hà Nội 2006. Anh cho biết: “Mỗi lần về nước, trong tôi dậy lên niềm cảm xúc khó diễn tả hết nhưng rõ nhất là nhận thức mình phải làm cái gì đó cho quê hương, càng sớm càng tốt”.

 

Và điều mà anh làm cho quê hương khó có thể “cân, đo, đong, đếm” nhưng mỗi việc anh làm đều thể hiện tâm huyết, tình cảm cho đất nước của mình. Đó là những lần anh kêu gọi bạn bè, các nhà doanh nghiệp trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, là những bài góp ý có giá trị to lớn như: chính sách thuế giá trị gia tăng cho Ban Nghiên cứu Văn phòng Thủ tướng, đề án thành lập ĐH chất lượng cao gửi cho Thủ tướng (anh là đồng tác giả); là việc hướng dẫn cho các sinh viên VN học cao học và Tiến sĩ. Năm 2006, anh đã xin được tiền trợ cấp từ ĐH New South Wales để phát triển hợp tác quốc tế với các ĐH Luật và Tổng cục Thuế tại VN.

 

Nhắc đến tên tuổi của TS Trần Nam Bình không thể không nhắc đến tác phẩm đã và gây tiếng vang và được dư luận trong và ngoài nước quan tâm, đáng giá cao. Đó là việc anh cùng TS Phạm Đỗ Chí chủ biên cuốn sách: “Đánh thức con rồng ngủ quên”. Cuốn sách dày 600 trang, dày đặc những lý thuyết chuyên môn và được xem là “một tập hợp chất xám nặng ký về kinh tế” mà tác giả đều là người Việt sống trên toàn thế giới. Nhà phê bình Nguyễn Văn Hóa đã có lời nhận xét: "Đánh thức con rồng ngủ quên" không phải là cuốn sách đọc chỉ để bồi bổ kiên thức suông, nó chứa đựng những vấn đề chuyên môn mà mọi thành phần trong cơ cấu kinh tế quốc gia cần phải học tập và rút tỉa, và bài học ấy có đạt được kết quả mỹ mãn hay không còn tuỳ thuộc vào nỗ lực của "con người kinh tế Việt Nam".

 

Với những gì mà TS Trần Nam Bình đã âm thầm cống hiến, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã tặng cho anh bằng khen về các đóng góp khoa học cho công cuộc phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

 

Hơn nửa đời người sống ở nước ngoài, tiếp cận với văn hóa phương Tây, với những tiến bộ khoa học của thế giới, thế nhưng sau những chuyến đi VN, anh lại cảm thấy buồn vui lẫn lộn. TS Bình kể: “Năm 2001, TS Phạm Đỗ Chí và tôi cùng về VN tổ chức hội thảo kinh tế tại Hà Nội, và phát hành sách Đánh thức con Rồng ngủ quên”. Anh Chí đổi tiền nhuận bút thành sách để tặng các tác giả, thư viện và một số cơ quan nhà nước. Khi vào T.P Hồ Chí Minh, tôi nhận phần sách của mình. Không nhớ vì lý do gì, tôi cuốc bộ về nhà em gái tôi. Khi đi bộ trên đường Nguyễn Tất Thành Quận 4, tôi ôm gói sách ĐTCRNQ trên tay, nhìn thấy cảnh đồng bào lao động nhọc nhằn chung quanh mà nước mắt rưng rưng. Đó là lúc tôi cảm nhận sự gắn bó của mình với quê hương, với đồng bào hơn bao giờ hết. Ước mơ VN của tôi thì nhiều nhưng cũng không đặc biệt gì hơn các người Việt khác. Tôi ước mơ có ngày phục vụ người Việt, nước Việt một cách cụ thể và thiết thực hơn bây giờ”.

 

Chưa có một con Rồng nào vừa vươn vai thức dậy trong quá khứ, mang một vóc dáng hùng tráng như con Rồng Việt Nam”. (Lời của tác giả Phạm Văn Hóa về cuốn sách “Đánh thức con Rồng ngủ quên”). Có phải con Rồng Việt Nam sẽ được đánh thức từ những khát khao, trăn trở của những người con Việt tài trí, giàu tâm huyết với quê hương như anh! 

  • Hồ Duyên

 

 

PGS.TS Trần Nam Bình

  • Giảng viên trường  ĐH New South Wales-Úc

  • Chủ biên sáng lập Tạp chí Điện tử Nghiên cứu Thuế

  • Chủ biên cuốn “Đánh thức con Rồng ngủ quên” (cùng TS Phạm Đỗ Chí)

  • Hướng dẫn nhiều luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ cho Việt Nam

  • Tổ chức nhiều hội thảo cho ba miền Bắc-Trung -Nam về phát triển kinh tế VN

  • Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VN

,
,