Hòa hợp dân tộc: vì mục tiêu chung vượt lên khác biệt
(VietNamNet) - Hình ảnh những thanh niên tình nguyện giúp đỡ kiều bào làm thủ tục hải quan, hình ảnh những nhân viên hải quan lịch sự, tươi cười chào đón họ tại sân bay, chân thành xin lỗi nếu có sự chậm trễ... có tác dụng hòa giải lớn hơn mọi lời kêu gọi.
Trước thềm Vinh danh nước Việt 2007 với chủ đề "hòa hợp dân tộc để Việt Nam bay lên", VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Nguyên, thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng (từ những ngày đầu thành lập 1993 đến 2002) về vấn đề đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Công nhận sự khác biệt chính kiến từ rất sớm
Đây là điều không mới, là chính sách xuyên suốt, là truyền thống của dân tộc Việt Nam, ông cho biết. Ông Trần Đức Nguyên nhắc lại câu nói của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con kiều bào nhân cuộc gặp gỡ đầu xuân Quý Dậu 1993 tại Thành phố Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, hòa hợp dân tộc không chỉ là đường lối, chính sách mà còn là một truyền thống được hun đúc trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, trở thành bản sắc của dân tộc Việt Nam".
Trong "tình hình Việt Nam như quang cảnh tranh tối tranh sáng... nhưng là sự tranh tối tranh sáng lúc rạng đông, con gà Quý Dậu cất tiếng gáy báo hiệu rạng đông, báo hiệu vận hội mới của đất nước".
Ông Kiệt cho rằng "ý thức dân tộc và lòng yêu nước đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam hướng vào mục tiêu đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân là thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội thực sự dân chủ, nhân ái, có văn hóa, có kỷ cương, xóa bỏ áp bức và bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc" là tinh thần căn cốt của mục tiêu phát triển kinh tế xã hội VN ngày hôm nay. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã xác định mục tiêu chung của toàn dân tộc trước kiều bào và khẳng định: "Yêu nước, đoàn kết, hòa hợp dân tộc là chung lòng, chung sức phấn đấu theo mục tiêu đó, vượt lên trên sự khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến".
Ông Trần Đức Nguyên cũng phân tích thêm, sự khác nhau về chính kiến là sự khác nhau về quan điểm chính trị, về cách nhìn nhận. Công nhận điều này là một bước đột phá.
Đây là lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam công nhận sự khác biệt về chính kiến trên cơ sở thống nhất về mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, công nhận một cách công khai và chính thức. Kiều bào trong buổi gặp gỡ ấy đã đặc biệt xúc động và chào mừng quan điểm "thực sự đổi mới" ấy của Việt Nam. Sau này, trong những dịp tiếp xúc với nhiều trí thức Việt kiều có quan điểm khác nhờ trao đổi thắng thắn, cởi mở, ông Nguyên nói rằng mình đã có thể hiểu hơn những ý tưởng của kiều bào và hoàn toàn có thể giải tỏa cho họ những điều hiểu chưa đúng về tình hình đất nước. Nhờ đó, sự cộng tác ngày càng tốt hơn. "Chính sách ngày càng rõ ràng hơn, ngày càng cởi mở và nới dần ra", ông nhấn mạnh.
"Ngay cả người chết cũng đã hòa giải"
Về câu chuyện hòa hợp, hòa giải ngày hôm nay, ông Trần Đức Nguyên nói, qua tiếp xúc, nhiều kiều bào chia sẻ, "ám ảnh quá khứ ngày càng giảm đi". Giờ đây, "không khí đã khác hẳn so với trước" trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong chính sách của Nhà nước, và tâm thế của người trong nước đối với Việt kiều.
Chính sách ngày càng cởi mở hơn, tạo điều kiện hơn cho Việt kiều đóng góp với quê hương đất nước. Điều quan trọng hiện nay là sự thấu suốt chính sách ấy và thái độ chân thành của bộ máy hành chính trong tiếp xúc và giải quyết công việc của kiều bào khi về nước.
Những hành động rất nhỏ nhưng lại để lại ấn tượng tốt đẹp, có ý nghĩa lớn lao đối với Việt kiều. Hình ảnh những thanh niên tình nguyện giúp đỡ kiều bào làm thủ tục hải quan, hình ảnh những nhân viên hải quan lịch sự, tươi cười chào đón họ tại sân bay, chân thành xin lỗi nếu có sự chậm trễ... có tác dụng hòa giải lớn hơn mọi lời kêu gọi.
Ông Nguyên kể câu chuyện vui ông xem cuốn băng về một người sau khi chết lâm sàng sống lại có khả năng ngoại cảm, tìm mộ. Trong lúc tìm mộ những liệt sỹ đã hy sinh của ta, cô đã gặp những ngôi mộ của các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn trước kia. Và "thái độ của những người ở hai bên chiến tuyến khi đã nằm xuống rất hòa hợp".
Đến người đã hy sinh trong chiến tranh còn làm được, chẳng lẽ người sống lại không? Chỉ cần mỗi người đều thực lòng đem hết sức cho công cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc ấy.
-
Phương Loan (ghi)
Ý kiến của bạn: