Việt Nam gia nhập WTO: người lao động sẽ ra sao?
(VietNamNet) - Gia nhập WTO sẽ có tác động tốt, tạo ra nhiều việc làm cũng như tăng thu nhập của người lao động. Tuy nhiên điều này cũng mang lại không ít thách thức.
Đó là ý kiến chung của tất cả các đại biểu tham dự cuộc toạ đàm "Ảnh hưởng của việc Việt Nam gia nhập WTO đối với người lao động: một số khía cạnh xã hội" do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30/3/04.
"Nhập siêu cũng góp phần tạo thêm việc làm"
Trong bài trình bày "Ảnh hưởng của việc Việt Nam gia nhập WTO đối với người lao động: một số khía cạnh xã hội", bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó trưởng ban, Ban nghiên cứu thể chế Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Viện NCQLKT TW) rút ra kết luận: vị thế thành viên WTO sẽ giúp chúng ta tăng cường trao đổi thương mại, tăng lượng FDI (đầu tư nước ngoài) chảy vào Việt Nam. Nếu nhập khẩu tăng sẽ dẫn đến việc làm giảm, còn xuất khẩu tăng kéo theo số lượng việc làm được tạo ra sẽ nhiều hơn và Việt Nam cần có chính sách tăng cường xuất khẩu, tận dụng cơ hội mà WTO đem lại.
Nhưng theo ý kiến của bà Phạm Chi Lan, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì không chỉ xuất khẩu mà nhập khẩu cũng đóng vai trò như một động lực không kém phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm mới. Bà Chi Lan nói: nhập khẩu là kênh nhập đầu vào cho nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của chúng ta. Trên thực tế, ngành dệt may và da giày - hai ngành thu hút rất nhiều lao động hiện phải nhập 70 đến 80% nguyên liệu, nếu không có số nguyên liệu này, họ không thể hoạt động, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu và tất yếu công nhân sẽ bị đẩy ra đường. Bên cạnh đó ta còn nhập khẩu nhiều loại máy móc vật tư, tạo tiền để cho nhiều ngành DN sản xuất phụ tùng thay thế hàng nhập khẩu. Nếu nhập khẩu hiệu quả sẽ góp phần nuôi dưỡng nền kinh tế. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, nước này đã chấp nhận nhập siêu kéo dài cho đến khi hoá rồng mới có thể xuất siêu, thậm chí hiện nay nhiều lúc cán cân thương mại của họ vẫn mất thăng bằng.
Hãy chăm lo cho DN tư nhân
Theo kết quả nghiên cứu của Viện NCQLKT TW, dòng FDI chảy vào nước ta càng cao, việc làm được tạo ra càng nhiều. Tuy nhiên việc làm được tạo ra không nhiều như người ta mong đợi. Năm 2003, đóng góp của FDI vào GDP của nước ta là 14% nhưng số việc làm FDI tạo ra còn khiêm tốn (mặc dù số lượng việc làm gián tiếp FDI tạo ra cũng khá lớn). Bà Chi Lan cho biết khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong thời gian qua khu vực này tạo ra hơn 90% việc làm cho toàn nền kinh tế. Họ cần được "chăm lo" hơn nữa, nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế. Theo bà trong nhiều văn bản luật của chúng ta hầu hết chỉ quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Nhưng ngược lại cũng cần xem xét lợi ích của người lao động sao cho hài hoà với lợi ích của chủ DN vì nếu DN "chết" thì công nhân mới là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng.
Bà Chi Lan kiến nghị cũng cần quan tâm cả đến lợi ích của người chưa có việc làm, chúng ta phải có cơ chế linh hoạt, khuyến khích chủ DN mở rộng sản xuất. Theo bà không có lý nào chủ DN phải đợi 1 tháng mới có thể đuổi lao động chây lười, vô kỷ luật trong khi có rất nhiều người thất nghiệp có trình độ tương đương, sẵn sàng cống hiến, lại không có việc làm. Điều này ảnh hưởng lớn đến lợi ích của DN và người chưa có việc làm.
Phải nâng cao chất lượng lao động
Không thể phủ nhận địa vị thành viên đầy đủ mở ra nhiều vận hội mới cho đa số lao động Việt Nam. Họ có cơ hội tham gia sâu rộng vào phân công lao động toàn cầu, tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, tăng thu nhập... Tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ. Họ phải đứng trước sức ép cạnh tranh vô cùng lớn và thực tế khoảng cách giàu nghèo giữa lao động có kỹ năng và lao động thủ công ngày càng giãn ra, tần số di chuyển lao động cao hơn gây sức ép cho an ninh xã hội, tranh chấp lao động xảy ra nhiều hơn. Như vậy, nhiệm vụ tự làm mới mình của người lao động và chức năng điều tiết, quản lý của Chính phủ cần được chú trọng quan tâm hơn.
Gia nhập WTO, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, tăng FDI để tạo việc làm chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, xây dựng một thị trường lao động thực sự, hoạt động theo cơ chế thị trường chứ không phải có sự "nhúng tay" của nhà nước nhiều như hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm phát triển hệ thống thương thảo giải quyết hiệu quả tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động như tổ chức công đoàn, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp từ thương lượng, đến hoà giải, trọng tài, toà án.
Bà Chi Lan kiến nghị Chính phủ nên có cách tính giá đất DN dành xây nhà cho công nhân thấp hơn đất kinh doanh để DN có khả năng cung cấp nhà ở cho người nghèo, cho lao động nông thôn ra thành thị. Quan trọng hơn nữa, theo bà, chúng ta cần đặt vấn đề phát triển giáo dục lên hàng đầu, cung cấp kỹ năng cho người lao động. Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục là con đường ngắn nhất giúp thu hẹp khoảng cách trình độ giáo dục của ta với các nước tiên tiến. Giáo dục cộng đồng, học tập suốt đời cần được nhấn mạnh. Có như vậy người lao động của ta mới đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của nhà tuyển dụng, nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường lao động thế giới.
-
Cẩm Tú