VN gia nhập WTO: Giai đoạn cuối tiến trình đàm phán
Từ ngày 9 đến 19/6, tại Geneva (Thụy Sĩ) đã diễn ra phiên 8 về gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của VN. Sáng 18/6, Tuổi Trẻ đã trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, thành viên đoàn đàm phán.
Ông cho biết:
- Kết quả phiên 8 rất khả quan, tại phiên này chúng ta đã kết thúc đàm phán song phương với Cuba, còn Liên minh châu Âu về cơ bản coi như xong, riêng với Mỹ cũng đã “dịu” hơn rất nhiều. Đặc biệt, tại phiên đa phương vừa qua, phía ban thư ký WTO đã đưa ra đề nghị VN cần tiến hành đàm phán trên bản báo cáo của ban thư ký WTO bắt đầu từ những phiên đàm phán tiếp theo.
Điều này được ngầm hiểu rằng đây đang là giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán. Bởi khi đó bản dự thảo báo cáo này đi kèm với nghị định thư gia nhập WTO sẽ đưa ra một loạt nội dung mà VN cần phải cam kết để trở thành thành viên, cụ thể như thương mại hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, tiến trình xây dựng luật pháp...
* Bản chào phiên 8 cho phép “mở cửa” thêm nhiều nhóm hàng và mặt hàng. Bản chào này đã được các nước đón nhận như thế nào, thưa ông?
- Đúng là bản chào phiên 8 có bước đi đột phá, chỉ riêng ở nhóm dịch vụ VN đã cho phép “mở cửa” 10 nhóm và gần 100 mặt hàng. Ngoài ra, thuế quan đối với hàng hóa cũng có bước đi nhảy vọt như bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với cà phê, hạ mức thuế quan nói chung đến mức các đối tác có thể chấp nhận được. Những con số này cũng đủ nói lên quyết tâm của VN trong việc gia nhập WTO. Chính vì vậy mà tại vòng đàm phán vừa qua, các nước tham gia đã rất hoan nghênh VN về các bước đi này.
* Chương trình hành động lập pháp được xem là một phần quan trọng của đàm phán đa phương, tại phiên 8 kết quả cụ thể vấn đề này đạt được như thế nào, thưa ông?
- Vừa qua VN đã đưa lên một danh mục sửa đổi bổ sung và ban hành với 36 văn bản, bao gồm luật và pháp lệnh có liên quan đến quá trình gia nhập WTO, như: Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư nước ngoài tại VN, Pháp lệnh Chống bán phá giá...
Tại phiên 8, đại diện VN tiếp tục thông báo kết quả một số luật và pháp lệnh đã được Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội VN thông qua trong thời gian gần đây. Đại diện hầu hết các nước tại phiên họp đã hoan nghênh VN trong vấn đề lập pháp, điều chỉnh chính sách pháp luật đã phù hợp với lộ trình WTO.
Bên cạnh đó, các thành viên WTO cũng yêu cầu VN tiếp tục tăng cường lộ trình xây dựng luật để cố gắng đến cuối năm 2005 phải thông qua các văn bản luật và pháp lệnh có liên quan đến nghĩa vụ thành viên WTO.
(Theo Tuổi Trẻ)