WTO và sức ép về thời gian
Gần đây, kết quả cuộc đàm phán thành công với Liên hiệp châu Âu (EU) về việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy chúng ta đã đạt được bước tiến mới quan trọng. Dường như chúng ta đã sắp tới đích trong cuộc hành trình gian nan này. Tuy nhiên, theo dõi đã lâu công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, doanh nghiệp ta, lúc này đây tôi vừa mừng, vừa lo.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp minh bạch, ổn định... là một trong những việc mà Việt Nam "cần làm ngay" để gia nhập WTO. Ảnh chụp tại một hội thảo góp ý cho dự thảo Luật cạnh tranh. |
Mừng thì tất nhiên rồi, vì sau gần 20 năm đổi mới và gần 10 năm tham gia từng bước vào các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế (kể từ khi nước ta chính thức gia nhập ASEAN năm 1995), nay chúng ta đã sắp hoàn thành chặng cuối trong tiến trình hội nhập quốc tế, sắp trở thành thành viên bình đẳng với gần 150 quốc gia trong tổ chức thương mại toàn cầu quan trọng nhất này.
Mừng vì vận hội mới sắp mở ra cho dân tộc Việt Nam để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, quyết liệt hơn đặng "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" trong cuộc đua tranh để phát triển, để đem lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn, mà dân tộc ta, nhân dân ta rất xứng đáng được hưởng sau biết bao hy sinh, mất mát trong thế kỷ trước. Mừng vì các DN Việt
Song điều làm tôi lo lắng nhất chính là sức ép về thời gian đối với nước ta, DN ta khi cánh cửa WTO đang mở để chúng ta có thể chuẩn bị bước vào.
Sức ép về thời gian đối với chúng ta không phải chỉ ở chỗ nước ta phải cố gắng đạt được thành công trên bàn đàm phán để sớm gia nhập WTO, mà quan trọng hơn là chúng ta phải dốc sức tự trang bị cho mình đủ năng lực cần thiết để vào và chơi một cách thành công trên sân chơi mới đó. Còn cả núi công việc phải làm trong khi thời gian đang bay nhanh, nhưng ở đây tôi chỉ muốn tập trung vào vấn đề sức ép về thời gian trên hai khía cạnh.
Đối với các nhà hoạch định luật pháp và chính sách, một trong những công việc quan trọng nhất là phải tăng tốc để điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về kinh tế trong một thời gian nhất định, không phải quá ngắn nhưng cũng không thể quá dài, để hệ thống đó tương thích với những cam kết của chúng ta trong tiến trình hội nhập, phù hợp với những yêu cầu của WTO, đặc biệt là về tính minh bạch, nhất quán, ổn định, dự liệu được và khả năng thực thi. Nhìn vào thực tế, tốc độ và chất lượng việc soạn thảo, ban hành và tổ chức thực hiện các luật lệ, chính sách kinh tế của chúng ta trong thời gian qua thực sự đáng lo ngại. Với bộ máy, con người, lối nghĩ và cách làm như chúng ta đang có, liệu chúng ta có hoàn thành được khối lượng công việc to lớn đó, với chất lượng đủ tốt trong dăm bảy năm tới không?
Không hoàn thành được tốt công việc này thì không những chúng ta khó thực hiện được đầy đủ những cam kết quốc tế, mà đáng ngại hơn, còn tiếp tục kéo dài những trở ngại cho chính mình trên bước đường phát triển. Bởi vì hệ thống luật pháp, chính sách mà chúng ta cần điều chỉnh cho phù hợp với chuẩn mực chung đâu phải chỉ vì, hay chủ yếu vì WTO, mà thực ra trước hết và chủ yếu là vì nhu cầu phát triển của chính nước ta. Trong mấy năm gần đây, một thực tế được thừa nhận rộng rãi là hệ thống luật pháp, chính sách chưa hoàn thiện là một trở ngại lớn của chúng ta trên con đường phát triển, và cải cách thể chế, cải cách hành chính là những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới ở nước ta. Tuy nhiên, việc thực hiện những mục tiêu tối quan trọng này vẫn còn quá chậm, và dường như chúng ta đều biết là chậm nhưng lại chưa làm thế nào đẩy nhanh lên được.
Tham gia WTO vào năm 2005 là mục tiêu chúng ta đặt ra nhằm đảm bảo các chương trình phát triển dài hạn của chính mình. Dù vào WTO năm 2005 hay chậm hơn một hai năm, thì riêng về yêu cầu hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, chúng ta cũng có vấn đề là thời gian còn lại quá ít, công việc thì nhiều, năng suất và chất lượng làm việc lại thấp. Không lo sao được!
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN), họ phải đảm đương trách nhiệm nặng nề là đội quân xung kích trong sự nghiệp chấn hưng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Tuy đã phát triển vượt bậc trong những năm đổi mới vừa qua, nhưng nhìn chung cho đến nay đội quân này vẫn còn nhiều hạn chế, còn kém sức cạnh tranh so với nhiều đối thủ trong khu vực và trên thế giới. Không phải các DNVN không biết điều đó và thiếu ý chí vươn lên, nhưng vấn đề là họ đang còn phải hoạt động trong một môi trường đầy khó khăn trở ngại, khó hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh của họ. Rất nhiều rào cản còn đó, đặc biệt là về pháp lý, về hành chính mà tự doanh nghiệp không thể tháo gỡ được. Chi phí kinh doanh cao, nhất là các chi phí vật tư, dịch vụ đầu vào; tiếp cận các nguồn lực cần thiết khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp dân doanh, lực lượng đông đảo nhất trong đội ngũ DNVN và là động lực phát triển đối với tất cả các nước. Vậy thì làm sao họ có thể vươn lên mạnh, nhanh, tạo nên sức cạnh tranh đủ để có thể nắm lấy thời cơ, tận dụng thời cơ sắp mở ra và đương đầu với những thách thức chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới!
Hơn nữa, ở nước ta còn không ít lĩnh vực kinh doanh, nhất là về dịch vụ (ngành kinh tế chiếm tỷ trọng quan trọng nhất trong GDP của đa số các nước thu nhập trung bình trở lên trên thế giới và cũng là ngành khó đàm phán nhất), có nhiều DNVN muốn và có khả năng làm nhưng không được tham gia, do biết bao thứ điều kiện, phép tắc ngăn cản họ. Đặc biệt có những lĩnh vực chúng ta dự định sẽ mở cửa thị trường cho các DN nước ngoài tham gia kinh doanh, nhưng lại còn đóng cửa với chính DN nước mình, thì làm sao DNVN có đủ thời gian để bắt tay vào việc, lăn lộn và trưởng thành trong công việc, tạo chỗ đứng đủ vững để đương đầu với cạnh tranh quốc tế khi thị trường trong nước được mở rộng? Không tháo gỡ các rào cản, mở đường cho các DNVN phát triển ngay từ bây giờ khác nào tự trói tay trói chân người mình để thiên hạ tự do vào chiếm lĩnh sân nhà. Thật là một nghịch lý đáng buồn khi chúng ta một mặt cố gắng đàm phán và chắc chắn phải chấp nhận một số nhân nhượng để yêu cầu các nước xóa bỏ rào cản, mở cửa thị trường bên ngoài cho doanh nghiệp nước mình, mặt khác lại không thể sớm tự xóa bỏ rào cản do chính mình tạo ra và mở cửa thị trường nội địa cho DN mình làm ăn! Sức ép về thời gian đè nặng lên các DNVN, và các rào cản còn đè nặng hơn lên họ. Không lo sao được!
Sớm gia nhập WTO là điều cần thiết, ai cũng rõ và ai cũng muốn chúng ta đạt được điều đó. Hầu hết các nước trên thế giới đã vào WTO, và bản thân tổ chức này cũng như các thành viên của họ đang đi rất nhanh. Không ai dừng lại chờ ai, càng không ai dừng lại chờ chúng ta, mà mọi người đều hối hả, cướp thời gian cố vượt lên trong cuộc chạy đua kinh tế quyết liệt chưa từng có trong lịch sử loài người ngày nay.
Thời gian để chúng ta chuẩn bị đi bước cuối cùng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế chỉ còn rất ít. Phải giành thắng lợi cả trên bàn đàm phán lẫn trên chiến trường-thị trường, và muốn vậy, một trong những điều quan trọng nhất là phải làm ngay mọi việc cần thiết để sớm tháo gỡ những rào cản, sớm hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh cho đội ngũ DNVN nhanh chóng vươn lên trước khi quá muộn, để họ thực sự trở thành lực lượng xung kích hùng mạnh, đủ sức bảo vệ và giành lấy quyền lợi kinh tế cho nước nhà. Sức ép về thời gian đối với chúng ta là ở chỗ đó. Chần chừ, do dự, chậm bước trong việc này, vào lúc này vì bất cứ lý do gì cũng là có tội với lịch sử, với tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc.
Có những lĩnh vực chúng ta dự định sẽ mở cửa thị trường cho các DN nước ngoài tham gia kinh doanh, nhưng lại còn đóng cửa với chính DN nước mình.
(Phạm Chi Lan - theo TBKTSG)