,
221
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
562900
Gia nhập WTO: Cuộc đua “nước rút”
1
Article
null
,

Gia nhập WTO: Cuộc đua “nước rút”

Cập nhật lúc 12:22, Thứ Sáu, 07/01/2005 (GMT+7)
,

Kể từ khi bắt đầu nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 1995 đến nay, Việt Nam đã trải qua chặng đường đàm phán dài gần 10 năm. Trong năm 2005, quá trình gia nhập WTO của Việt Nam đã thực sự bước vào giai đoạn “nước rút”...

10 năm và 1 bước tiến dài
Soạn: AM 239491 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
May xuất khẩu của Công ty Nhật Tân.

Năm 2004 đã đánh dấu một bước tiến khá dài của Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Cùng với việc kết thúc đàm phán song phương với 6 nền kinh tế thành viên WTO (gồm EU, Cuba, Brasil, Chile, Argentina và Singapore), lần đầu tiên, tại phiên đàm phán đa phương lần thứ 9 (diễn ra vào trung tuần tháng 12-2004 tại Geneve, Thụy Sĩ), Dự thảo báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO (thuộc WTO) đã được đưa ra thảo luận với hàng loạt vấn đề phải thực hiện như hệ thống pháp luật điều tiết các hoạt động kinh tế, thương mại cho phù hợp với WTO, các chính sách trợ cấp, kiểm dịch động, thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ...

Tại phiên đàm phán này, Việt Nam đã cam kết cố gắng xóa bỏ trợ cấp với các mặt hàng nông sản ngay khi gia nhập, song cũng đề nghị có một số nhân nhượng và có giai đoạn quá độ đối với một số lĩnh vực. Tuy nhiên, đa số các nước thành viên Ban công tác đều yêu cầu Việt Nam thực thi ngay mọi cam kết và hiệp định của WTO khi gia nhập. Đây có thể xem là một trong những thách thức không chỉ riêng đối với Việt Nam mà với cả những nước gia nhập sau năm 1995 khi phải chấp nhận những tiêu chuẩn kép, hay còn gọi là WTO “cộng”.

Sau khi kết thúc đàm phán song phương với EU và 5 nền kinh tế khác, rất nhiều quốc gia khác đã bày tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập WTO như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, trong số các đối tác song phương đã đưa ra yêu cầu đàm phán với Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ là các đối tác có yêu cầu tương đối “cứng rắn” - theo lời Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhìn nhận: không quốc gia nào vào WTO với “cái giá cho không”, bởi đó là cuộc đấu trí căng thẳng với các nước tham gia đàm phán để đem lợi ích về cho doanh nghiệp của mình, quốc gia mình.

2005: Cuộc đua “nước rút”

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nếu Việt Nam muốn gia nhập WTO vào tháng 12-2005 thì trong khoảng 6 tháng đầu năm 2005, Đoàn đàm phán của Chính phủ phải hoàn tất một khối lượng công việc “khổng lồ”. Đầu tiên, trước tháng 6-2005, Việt Nam phải hoàn tất các cuộc đàm phán đa phương (nếu còn thêm một phiên nữa thì chỉ là hoàn tất về mặt câu chữ và kỹ thuật), trong đó, những cam kết của Việt Nam trong đa phương phải được chấp nhận ở những phiên đàm phán trước tháng 6.

Một khối lượng công việc tương đối “khổng lồ” nữa là phải hoàn thành đàm phán song phương với 21 đối tác còn lại đã đưa ra yêu cầu đàm phán, chậm nhất là vào tháng 7-2005. Tuy nhiên, “dù khối lượng công việc còn rất lớn nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể kết thúc đàm phán vào năm 2005”, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định.

Song song với công tác đàm phán, Việt Nam phải đưa ra được chương trình xây dựng pháp luật có tính khả thi cao, đảm bảo được cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết hội nhập. Hiện Đoàn đàm phán của Chính phủ đang rà soát lại yêu cầu của các đối tác, xem xét những vấn đề có thể thực hiện được ngay hoặc những yêu cầu cần có lộ trình để sớm kết thúc đàm phán đa phương.

Về cơ bản, Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO đã đồng ý phiên đàm phán tới đây sẽ tổ chức vào cuối tháng 3-2005 và phiên đàm phán tiếp theo có thể vào cuối tháng 5 hoặc tháng 6-2005. Như vậy, kể từ phiên đàm phán gần đây nhất vào giữa tháng 12-2004 thì thời gian cho các phiên đàm phán tiếp theo sắp tới sẽ được rút ngắn chỉ còn 3 tháng (trước đây là 6 tháng/phiên).

Trước mắt, ngay trong tháng 1-2005, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán song phương với một số đối tác quan trọng như Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện nay, Canada đã sẵn sàng kết thúc đàm phán song phương với Việt Nam... “Có thể nói, Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối, giai đoạn “nước rút” để gia nhập WTO, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ cam kết với bất cứ giá nào để vào WTO”, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Theo bộ trưởng, sắp tới, Bộ Thương mại sẽ kiến nghị Chính phủ thành lập một tiểu ban phân tích những tác động “hậu” gia nhập WTO. Tuy muộn nhưng việc phân tích những tác động “hậu” gia nhập WTO là rất cần thiết, bởi cạnh tranh trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ mang lại hiệu quả nhất định cho nền kinh tế, nhưng mặt trái của nó cũng có thể dẫn đến sự phá sản của không ít doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho hội nhập. 

(Theo Sài Gòn Giải phóng)

,
,