,
221
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
611008
VN gia nhập WTO: Không bằng mọi giá...
1
Article
null
,

VN gia nhập WTO: Không bằng mọi giá...

Cập nhật lúc 09:49, Thứ Năm, 14/04/2005 (GMT+7)
,

Phải chăng dư luận đang vô tình tạo một sức ép tâm lý và sức ép thời gian không cần thiết lên các nhà đàm phán vào WTO của Việt Nam trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này?

VN mong muốn vào WTO càng sớm càng tốt, nhưng  điều đó còn phụ thuộc vào thiện chí các nước đối tác.

Theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng về vấn đề Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong thời gian qua, chúng ta dễ nhận thấy hai thông tin được nhắc đến nhiều nhất. Đó là việc Việt Nam nỗ lực gia nhập WTO vào thời điểm trước hoặc đầu năm 2006 và sự ủng hộ Việt Nam gia nhập tổ chức này của nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh những lợi ích hiển nhiên khi trở thành thành viên của WTO, rõ ràng, có một thực tế là nếu Việt Nam không đạt mục tiêu gia nhập WTO đúng thời điểm đã định, khả năng chúng ta phải chấp nhận những vòng đàm phán mới là rất lớn và như vậy, toàn bộ quá trình đàm phán sẽ khó khăn hơn. Những nỗ lực thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán vừa qua của Việt Nam phản ánh nỗi lo này.

Đây không đơn thuần là mục tiêu, mà còn là một yêu cầu khách quan trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, như lời ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam phát biểu tại một cuộc tọa đàm mới đây ở Hà Nội.

Nhưng cũng chính người Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam còn nhấn mạnh một thực tế khác, đó là chúng ta không thể chấp nhận vào WTO bằng mọi giá. Bản chất WTO không phải là một tổ chức hợp tác hay viện trợ phát triển mà là một “đấu trường” thương mại - nơi các thành viên luôn đặt lên hàng đầu quyền lợi riêng của mình. Quá trình đàm phán thực sự là một cuộc mặc cả từng li từng tí, nơi bất cứ sự nhân nhượng quá mức nào cũng có thể để lại di hại lâu dài cho nền kinh tế.

Ông Lương Văn Tự thừa nhận trong số 27 nước thành viên WTO yêu cầu đàm phán với Việt Nam, nhiều nước đã tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập, nhưng họ lại chưa thể hiện rõ ràng tuyên bố đó trên bàn đàm phán.

Mặc dù vậy, những tuyên bố “lạc quan” của các nước nói trên cũng đã ít nhiều góp phần tạo ra “ảo giác” trong công chúng rằng quá trình đàm phán không thực sự khó khăn như thực tế đang xảy ra. Và thực chất, đó không hẳn là một lợi thế tâm lý cho các nhà đàm phán Việt Nam.

Hiện tại, kỹ năng trong các cuộc đàm phán sẽ là một trong những nhân tố quyết định liệu Việt Nam có trở thành thành viên WTO đúng thời điểm dự kiến. Xét về mặt lý thuyết thương lượng, khi sức ép càng nghiêng về bên nào, bên đó sẽ càng dễ dàng nhượng bộ. Và phải chăng với việc quan tâm quá mức đến thời điểm dự kiến này mà trong thời gian qua, dư luận đang vô tình tạo một sức ép tâm lý và sức ép thời gian không cần thiết lên các nhà đàm phán của chúng ta?

(Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

,
,