,
221
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
700748
Tại sao VN chưa hoàn tất đàm phán song phương với Mỹ?
1
Article
null
,

Tại sao VN chưa hoàn tất đàm phán song phương với Mỹ?

Cập nhật lúc 08:40, Thứ Ba, 30/08/2005 (GMT+7)
,

Trong khi Việt Nam lần lượt kết thúc đàm phán song phương về việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhiều đối tác như Nhật, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Ấn Độ… thì đàm phán với Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn. TBKTSG đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael W. Marine, về vấn đề này. Ông đã đưa ra cách nhìn từ phía Mỹ.

 

Soạn: AM -113802 gửi đến 996 để nhận ảnh này
WTO

- Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương với nhiều đối tác ở châu Á, châu Âu nhưng lại chưa thể đạt được thỏa thuận với Mỹ, tại sao vậy?

 

- Đại sứ MICHAEL MARINE: Mỹ muốn Việt Nam trở thành một thành viên của WTO càng sớm càng tốt, và chúng tôi muốn là người ủng hộ Việt Nam trong tiến trình này. Với tinh thần đó, các nhà đàm phán của Việt Nam và Mỹ đã làm việc cật lực để giải quyết các vấn đề nổi bật. Không như các đối tác thương mại chủ chốt khác của Việt Nam, chúng tôi thảo luận các vấn đề đa phương lẫn song phương trong các cuộc đàm phán giữa hai nước, vì vậy cuộc đàm phán song phương của chúng ta kéo dài hơn so với các nước khác. Dù sao đi nữa, cuộc đàm phán đang diễn ra và đang tiến triển tốt. Mặc dù các vấn đề chính còn chưa được giải quyết, nhưng cũng đã có nhiều tiến bộ.

 

- Đại sứ có thể cho biết đó là những vấn đề nào?

 

- Một số vấn đề khác nhau vẫn còn tồn tại trong các cuộc đàm phán đa phương lẫn song phương là về quyền tiếp cận thị trường. Các tổ đàm phán của Việt Nam và Mỹ đều nhận thức rõ các vấn đề ưu tiên của cả hai bên. Chúng ta sẽ chỉ có thể đạt được một thỏa thuận khi nào những sự khác biệt đó được giải quyết. Một số vấn đề chủ chốt là quyền tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông và phân phối.

 

- Vậy tại sao hai bên không sử dụng kinh nghiệm đàm phán từ hiệp định thương mại song phương để đẩy nhanh quá trình đàm phán song phương WTO?

 

- Những kinh nghiệm thu được trong đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) đã rất có ích. Tuy nhiên, mặc dù BTA là một nền tảng tốt để từ đó khởi đầu cuộc đàm phán, nhưng nó có mức độ hạn chế hơn so với tiến trình gia nhập WTO. Ngay từ ngày đầu thực thi BTA, Việt Nam đã lập tức được trao quyền tiếp cận thị trường Mỹ. Trong khi đó, quyền tiếp cận thị trường Việt Nam dành cho Mỹ  theo quy định trong BTA lại có hiệu lực dần dần trong một thời gian dài. Các công ty của chúng tôi nói với chúng tôi rằng BTA đã không đi xa đến mức cần thiết trong một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực dịch vụ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải xử lý một số vấn đề về tiếp cận thị trường liên quan đến một số lĩnh vực mà BTA đã không bao hàm.

 

- Rõ ràng việc Việt Nam gia nhập WTO không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà còn quan trọng đối với Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã khẳng định như vậy trước khi thăm chính thức nước Mỹ?

 

- Tôi hoàn toàn đồng ý với Thủ tướng. Rõ ràng là Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ việc dỡ bỏ hạn ngạch dệt may. Gia nhập WTO cũng sẽ giúp Việt Nam có tiếng nói trong việc soạn thảo ra các luật lệ của thị trường toàn cầu. Khung pháp lý về thương mại và đầu tư mà Việt Nam phải hoàn chỉnh để gia nhập WTO sẽ có lợi cho các công ty Mỹ muốn làm ăn ở đây. Hơn nữa, việc Việt Nam gia nhập WTO là quan trọng đối với cả hai nước vì điều đó sẽ tạo ra các cơ hội kinh tế mới cho các công ty ở Việt Nam và Mỹ, và như thế đồng nghĩa với tạo ra công ăn việc làm ở cả hai nước.

 

- Các nhà đàm phán Việt Nam nói rằng Mỹ là đối tác đàm phán khó nhất, Đại sứ nghĩ sao về nhận định này?

 

- Mỹ là một nền kinh tế lớn và đa dạng với rất nhiều mối quan tâm trong cả những cuộc đàm phán đa phương lẫn song phương, bao hàm hàng hóa và dịch vụ. Điều đó làm cho cuộc đàm phán của chúng ta trở nên phức tạp hơn so với đàm phán giữa Việt Nam với các đối tác thương mại khác. Thêm vào đó, mặc dù các nước khác đã kết thúc đàm phán song phương từ lâu, nhưng họ vẫn chia sẻ các mối quan tâm của chúng tôi về các vấn đề đa phương còn đang cân nhắc tại Ban Công tác của WTO.

 

(Theo Thời báo Kinh tế SG)

,
,