Gia nhập WTO, được nhiều hơn mất
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh |
(VietNamNet)
- Gia nhập WTO được coi là xu thế tất yếu của lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng không phải ai cũng ủng hộ lộ trình này. Một trong những người cổ suý mạnh mẽ cho lộ trình gia nhập WTO của Việt Nam là Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia cao cấp, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông về chủ đề trên.- Gia nhập WTO chúng ta thu được những gì thưa ông?
- Mở cửa hội nhập tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển. Thông qua việc phân công lao động khu vực và toàn cầu, tạo ra cơ hội mới cho cạnh tranh. Đây là động lực quan trọng cho phát triển. Thông qua việc tham gia thị trường quốc tế, tạo ra một không gian rộng lớn cho phát triển kinh tế. Sản phẩm của DN không còn bị giới hạn bởi không gian một quốc gia. Các luồng vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật công nghệ và cả nguồn nhân lực đều có cơ hội giao lưu, tham gia vào sự phân công lao động toàn cầu.
Gia nhập WTO là sân chơi chung cho thị trường toàn cầu. Là tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh, WTO hiện chiếm khoảng 90% giao dịch thương mại thế giới. Thông qua những quy chế của tổ chức thương mại này, DN buộc phải tuân theo những luật chơi chung đồng thời được bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình. Đặc biệt là không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. WTO mở ra cơ hội một cách toàn diện về thị trường hàng hoá, thị trường dịch vụ, thị trường vốn và thị trường lao động.
- Tuy nhiên chúng ta phải mất nhiều thứ trong quá trình hội nhập đó?
- Đúng vậy, không có quá trình nào là chỉ được mà không mất. Gia nhập WTO, hàng hoá Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn và sự đào thải cũng khắc nghiệt hơn. Nếu công tác chuẩn bị không tốt, sự tác động này là rất lớn, không loại trừ khả năng một số ngành kinh tế sẽ bị chết yểu trước sức tấn công của hàng hoá ngoại nhập.
- Ông vừa nói đến công tác chuẩn bị, vậy theo ông đó là những đầu việc nào?
- Theo yêu cầu của WTO, các quốc gia nào muốn gia nhập tổ chức này phải có một hệ thống luật pháp minh bạch, với các văn bản luật phù hợp theo các yêu cầu của WTO về các lĩnh vực chủ yếu như thương mại hàng hoá, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ. Chủ yếu là để tạo ra một môi trường đối xử công bằng, không phân biệt nhằm thúc đẩy việc phát triển mậu dịch về hàng hoá và dịch vụ giữa các quốc gia thành viên. Để đáp ứng được những yêu cầu này, Việt Nam đang phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, cái gì thiếu phải bổ sung, điều gì chưa phù hợp phải chỉnh sửa.
- Bao nhiêu luật phải sửa đổi và bao nhiêu luật cần phải hoàn thiện thưa ông?
- Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam đã rà soát lại khoảng 260 văn bản luật pháp và còn đề xuất phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành tới hơn 100 luật mới cho đáp ứng với yêu cầu của WTO.
Thế nhưng, đó là về số lượng, còn chất lượng thì còn nhiều vấn đề phải bàn, đặc biệt nếu xét tới những chuẩn bị luật pháp về mậu dịch để cho Việt Nam có thể tham gia vào một sân chơi lớn với những yêu cầu và cạnh tranh có thể nói là hết sức khắc nghiệt. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành một luật về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền. Một vấn đề lớn nữa là việc thực thi pháp luật tại Việt Nam còn chưa được thống nhất, đồng bộ, và chưa có hiệu lực, chẳng hạn hải quan ở cảng này thì áp dụng thuế khác với hải quan ở cảng khác, hay các quan chức áp đặt mức thuế khiến các DN không được thoải mái.
- Lúc trước ông có nói đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, vậy theo ông, khả năng này của chúng ta đến đâu?
- Điểm yếu chung của DN hiện nay là thiếu nghiêm trọng về thông tin thị trường trong và ngoài nước, đối thủ cạnh tranh, công tác tiếp thị... Một số DN đã nhanh chóng bắt nhịp với xu thế hội nhập nhưng không ít DN còn thờ ơ với lộ trình này. Các DN cần tự tổng kiểm tra “sức khỏe”, phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ), xây dựng thương hiệu và chiến lược kinh doanh.
Lợi thế cạnh tranh có hai dạng: ngắn và dài. Trong ngắn hạn, hầu hết các ngành của Việt Nam đều có lợi thế so sánh về lao động giá rẻ, tài nguyên phong phú. Còn trong dài hạn, sẽ là sự lấn át của khoa học công nghệ, kỹ thuật mới mà các DN cần phải gấp rút chuẩn bị, nếu không chủ động nắm bắt sẽ rất khó đứng vững trước làn sóng hội nhập.
- Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ gia nhập WTO vào năm 2005, chúng ta phải làm gì để đạt được lộ trình này thưa ông?
Tính đến thời điểm này, có 148 luật và các quy định pháp luật khác nhau cần phải sửa đổi. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Quốc hội Việt nam trung bình một năm phải thông qua được 10 bộ luật. Trong số các văn bản đó, cần phải ban hành và thực hiện một bộ luật thống nhất về DN, áp dụng chung cho tất cả các loại hình DN và các loại hình sở hữu (tư nhân, nhà nước và liên doanh).
Trong bối cảnh đó, các hình thức đầu tư cũng cần phải được đa dạng hoá. Các kênh thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần được khai thông (trong đó bao gồm cả việc từng bước khai thông thị trường chứng khoán), khai thông thị trường bất động sản, nhiều loại dịch vụ và phân phối cũng cần phải được thực hiện theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Quy chế đối xử tối huệ quốc nên được thực hiện. Các thủ tục sau cấp phép, đặc biệt về GPMB, ngoại hối, thuế và hải quan cũng cần phải đơn giản hoá và rõ ràng. Phải được cung cấp các thông tin kinh tế. Quản lý hành chính công phải được cải thiện nhanh chóng theo hướng minh bạch, tin cậy. Hệ thống hai giá phải được hủy bỏ. Yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá và tỷ lệ xuất khẩu cũng cần phải huỷ bỏ.
Nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là cung cấp nước sinh hoạt và điện, kết nối internet là một trong những ưu tiên hàng đầu. Việt Nam cũng sẽ phải giảm các lệ phí và chi phí cho các hàng hoá và dịch vụ công như cước gọi quốc tế, internet, phí cảng biển ngang mức của các nước trong khu vực. Phải cắt bỏ các chi phí không được luật pháp quy định. Cải cách hành chính phải mang lại một kết quả hiện hữu đối với cộng đồng DN.
Đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động cũng cần phải được xem xét. Cần phải nâng cao chất lượng lao động bằng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, kỷ luật lao động công nghiệp và có sức khoẻ. Thiết bị giảng dạy phải được hiện đại hoá với đội ngũ giáo viên có chuyên môn, có năng lực để có thể cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ lao động có tay nghề với nhu cầu ngày một tăng. Cần phải triển khai một hệ thống xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin ra nước ngoài về những cơ hội đầu tư và môi trường đầu tư ở Việt Nam. Các tỉnh thành phố cần phải triển khai nhiều hình thức thu hút FDI hơn là cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ như TP.HCM và Hà Nội nên tập trung thu hút FDI vào các dịch vụ cao như tư vấn, đào tạo, công nghệ cao, và không nên cạnh tranh với các tỉnh khác trong việc thu hút FDI vào dệt và may mặc chẳng hạn.
· Hải Lan (Thực hiện)
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh; Sinh 1942 tại Hà Nội Con cụ Lê Tư Lành - Đại biểu quốc hội khoá 1, Uỷ viên Ban Thường vụ QH khoá 1. Du học ở Đức từ năm 14 tuổi hết đại học, về nước dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1971 - 1978 làm việc ở Văn phòng Chính phủ . Bảo vệ luận án Tiến sỹ kinh tế tại CHLB Đức. Từ năm: 1978 - 1987 Công tác tại Viện Nghiên cứu quản lý KT TW. Từ năm: 1987 - 1988 làm việc ở Văn phòng TW Đảng. Từ năm: 1988 - 1990 làm ở Văn phòng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Từ năm: 1990 - 1993 Viện phó Viện Nghiên cứu QLKTTW. Từ năm: 1993 - 2001 làm Viện trưởng Viện nghiên cứu QLKTTW. Từ 2001 - nay: Trợ lý Bộ trưởng bộ KHĐT; Tổ trưởng tổ biên tập soạn thảo Luật DN; Tổ phó thường trực Tổ thi hành Luật DN. |