,
221
1565
Con người WTO
connguoi
/wto/connguoi/
233726
Vào "chơi" cùng một sân mới biết mình là ai!
1
Article
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
,

Vào 'chơi' cùng một sân mới biết mình là ai!

Cập nhật lúc 15:41, Thứ Tư, 31/03/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - 5 năm “cày bừa” miệt mài để đem lại vụ thu hoạch là bản Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA). Hai năm sau ngày Hiêp định có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã lên tới hơn 4 tỷ USD, chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. BTA còn là nền móng để Việt Nam gia nhập WTO. Một trong những người có công “lát những viên gạch đầu tiên đưa VN vào sân chơi chung WTO” chính là ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trợ lý Bộ trưởng Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán BTAs.

Ông Nguyễn Đình Lương và Tổng thống Bill Clinton.

“Ngày trước cha tôi dạy đi dạy lại cho tôi là làm nghề cày phải có đường cày thẳng, muốn có đường cày thẳng thì mắt phải nhìn xa, nhìn phía trước, không được nhìn vào khu con bò... "Trận cày" hôm nay chính là nhìn thẳng, nhìn xa, nhìn vào hướng đi của đất nước, nhìn vào các nước xung quanh, nhìn vào thế giới... xem thiên hạ đang "chơi" kiểu gì, và kiểu "chơi" đó hay hay dở”. Câu chuyện giữa chúng tôi và nhà đàm phán BTA xoay quanh vấn đề hội nhập kinh tế của Việt Nam bắt đầu từ triết lý hội nhập giản dị này.

- Lâu nay, người ta nói nhiều đến “hội nhập” như một thứ “mốt”. Là một người có nhiều đóng góp cho quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, ông hiểu thể nào về hội nhập kinh tế?

- Tôi theo dõi khá chăm chỉ các chương trình về hội nhập kinh tế và đọc khá kỹ những văn kiện, tài liệu về hội nhập kinh tế, nhưng chưa thấy chỗ nào đề cập đến vấn đề cốt lõi nhất: Hội nhập kinh tế là gì?

Định nghĩa về hội nhập kinh tế có thể có nhiều và khác nhau, tuỳ theo từng góc nhìn. Riêng trong lĩnh vực kinh tế có thể có các góc nhìn như sau:

Một là, nhìn từ góc độ vận động của nền kinh tế thì đó là gắn nền kinh tế quốc gia với nền kinh tế thế giới, từng bước gắn kết để nền kinh tế quốc gia trở thành bộ phận cấu thành của nền kinh tế thế giới và thị trường quốc gia trở thành bộ phận cấu thành của thị trường thế giới.

Nền kinh tế thế giới luôn vận động, chuyển dịch và luôn luôn phát triển. Trong thời đại toàn cầu hoá kinh tế là sự phát triển khách quan, các quốc gia muốn phát triển đều gắn kinh tế nước mình với kinh tế thế giới. Thực tế hôm nay, nền kinh tế Việt Nam đã gắn bó khá chặt chẽ với nền kinh tế thế giới. Một loạt các ngành kinh tế phải có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài mới có thể phát triển được.

Hai là, nhìn từ góc độ chính sách kinh tế, thương mại, tức là mở cửa nền kinh tế, mở cửa thị trường. Thế giới hôm nay, các quốc gia đều mở cửa. Mở cửa nền kinh tế, mở cửa thị trường ta mới có khả năng bổ sung những nguồn lực mà ta thiếu như vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để rồi cùng với những tiềm năng sẵn có của ta như lao động, tài nguyên và trên cơ sở đó, ta mới có khả năng khai thác tốt hơn tiềm lực kinh tế của ta để phát triển. Mở cửa mời thế giới vào, để họ cùng ta khai thác tiềm năng kinh tế của ta và khi ta có khả năng, ta đi khai thác tiềm năng của thị trường thế giới.

Mở cửa nền kinh tế có nghĩa là bỏ dần các rào cản lâu nay vẫn chắn ngang trước cửa: như các quy định về giấy phép, hạn ngạch trong thương mại và các quy định trái với luật chơi thế giới trong đầu tư như: cân đối xuất nhập, cân đối ngoại tệ, yêu cầu xuất khẩu, nội địa hoá, chế độ giá với điện, nước, vận tải, viễn thông... Và phải giảm dần mức thuế nhập khẩu được coi là cao so với thế giới và khu vực.

Ba là, nhìn từ góc độ tổ chức, tức là tham gia vào các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới - tổ chức khu vực như khu vực mậu dịch tự do AFTA, và rộng hơn như APEC, và tổ chức Thương mại thế giới WTO.

WTO hôm nay có 146 nước, nước giàu nhất như Mỹ, nước lớn nhất như Trung Quốc, rồi cả nước nghèo nhất, nhỏ nhất cũng đã tham gia. Ta đã nộp đơn xin vào tổ chức này từ ngày 3/1/1995 nhưng chưa được kết nạp.

Bốn là, nhìn từ góc độ pháp lý.

Thế giới hôm nay đang tiến tới chơi chung một khung pháp lý trong lĩnh vực kinh tế. Khung pháp lý đó đã hình thành, đó là khung pháp lý của WTO. Khung pháp lý đã khá đồ sộ, điều tiết cả lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và một phần trong lĩnh vực đầu tư, đang được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện qua các vòng đàm phán sau này. Tuy chưa phải là hoàn thiện, nhưng khung pháp lý này đã là quá đồ sộ và mới mẻ đối với Việt Nam. Nó đòi hỏi chúng ta phải có một mặt bằng pháp lý trên một mặt bằng lãnh thổ, trong khi lâu nay ở ta vẫn diễn ra tình trạng DN đầu tư thì theo luật DN đầu tư, DN Nhà nước thì theo luật DNNN, DN tư nhân thì theo luật DN, không biết đâu mà hoạt động. Việc gần đây Nhà nước giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Bộ luật DN và Bộ luật Đầu tư thống nhất quả là đáng mừng.

Ông Nguyến Đình Lương và Trưởng đoàn đàm phán Jose Damond ký tắt vào Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.

- Lâu nay, ta vẫn hiểu hội nhập là một nhu cầu khách quan để phát triển kinh tế. Vậy theo ông, cần có những yếu tố gì để hội nhập thành công?

- Hội nhập kinh tế là tham gia vào nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới phát triển dựa trên nguyên tắc cạnh tranh tự do. Muốn thành công trong hội nhập, ta phải có nền kinh tế có sức cạnh tranh. Không cạnh tranh được với thiên hạ thì thua thiệt và thành kẻ “chầu rìa” thôi. Sức cạnh tranh của một nền kinh tế là sức cạnh tranh tổng hợp của các yếu tố cấu thành của nền kinh tế, đó là:

Có  một cơ cấu kinh tế thích ứng với cơ cấu kinh tế của thế giới hiện đại (cơ cấu kinh tế của ta còn lạc hậu so với thế giới, 76% lao động vẫn sống với nghề nông).

 

Chính sách kinh tế vĩ mô và phương pháp điều hành quản lý kinh tế hiện đại phù hợp với kinh tế thị trường và hiện đại. (Chừng nào mà Nhà nước cứ quen ban phát, DN quen ngồi chờ ban phát thì không thể có nền kinh tế cạnh tranh).

Sức cạnh tranh của ngành kinh tế, của DN và sản phẩm hàng hoá (trình độ kĩ thuật, công nghệ, quản lí chất lượng và giá cả).

- Nhiều người cho rằng, vấn đề cốt lõi khi ta gia nhập WTO, nói rộng ra là hội nhập kinh tế là xác định những mặt hàng mà ta có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, từ đó đầu tư trọng điểm vào những mặt hàng này? Ông nghĩ sao về quan điểm trên?

- Ở chừng mực nào đó, ý kiến này cũng có sức thuyết phục. Nhưng tôi nghĩ rằng, xây dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh dựa trên việc xác định những mặt hàng cạnh tranh như ta đang làm là mới chỉ xét đến những yếu tố tĩnh. Trong khi tất cả chúng ta đều hiểu nền kinh tế thế giới không đứng yên để chờ chúng ta mà luôn luôn vận động. Tôi lấy ví dụ như mặt hàng dệt may. Thế kỷ XIX, nước Anh là trung tâm may mặc của thế giới, sang thế kỷ XX vị trí này thuộc về Trung Quốc, và bây giờ, nó đang chuyển dịch về những nước kém phát triển hơn. Điều đó cho thấy, ngành dệt may liên tục chuyển dịch, nó chỉ ở lại một quốc gia chừng nào mà lương của người thợ dệt thấp. Một khi mức lương này tăng lên, ngành dệt may sẽ chuyển dịch sang các nước khác. Vậy bao giờ ngành dệt may rời khỏi Việt Nam? Đó là vấn đề mà các nhà chiến lược phải tính toán. Ấy là chưa nói đến chuyện cơ cấu xuất khẩu của chúng ta còn hết sức lạc hậu, chẳng hạn như năm 2000, 60% hàng xuất khẩu là nông thuỷ sản, còn trong số 40% hàng công nghiệp thì mặt hàng gia công đã chiếm tỷ lệ chủ yếu.

- Vậy trong những yếu tố để hội nhập thành công mà ông vừa đề cập ta đã có gì, thiếu gì?

- Các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 9 đã phân tích khá đầy đủ về những nội dung này. Thực hiện nghị quyết Đảng, Bộ Chính trị đề ra Nghị quyết 07 ngày 27/11/2001 về hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 37/2002/QĐ-TTg ngày 14/3/2002 về chương trình hành động thực thi NQ07 và Quyết định số 35/2002 QĐ/TTg ngày 12/3/2002 về HĐ Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong các văn bản này đã ghi cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, ai làm gì và bao giờ xong. Các văn bản này, có lẽ hôm nay vẫn còn nằm đâu đó trên bàn các nhà chức trách.

- Các DN sẽ là nhân vật trung tâm, đóng vai trò chính trong quá trình hội nhập kinh tế và thâm nhập vào thị trường thế giới. Thời gian qua các DN Việt Nam đã cố gắng bươn chải, song hình như họ cũng đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Vậy theo ông, cần có những hỗ trợ gì để họ hội nhập thành công?

- Để hỗ trợ các DN hội nhập có kết quả, trưởng thành trên thương trường trong nước và thế giới, có thể cần có những yếu tố sau:      

Có một Chính phủ mạnh, điều tiết một cách thuần thục nền kinh tế thị trường.

Có một hệ thống tư pháp mạnh

Có một hệ thống tổ chức trọng tài mạnh

Có hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp mạnh (như Hội Luật gia, công chứng, giám định)

Có hệ thống thông tin pháp luật tốt

Có đội ngũ chuyên gia pháp luật và tư pháp giỏi được đào tạo tốt (kể cả trong các cơ quan Nhà nước cũng như ở các tổ chức tư vấn).

- Chúng ta đã gia nhập AFTA, APEC và hiện đang tập trung vào mục tiêu tham gia WTO. Song không ít người lo sợ khi vào WTO, hàng hoá của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập và không bao giờ chúng ta xây dựng được nền công nghiệp tự chủ? Rồi lại có người nói ngay chính các nước phát triển cũng đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch đấy thôi?

- Trước hết, hãy hiểu cho đúng thách thức và cơ hội khi ta gia nhập WTO đã. Cả thế giới hôm nay đang "chơi" chung trên một sân kinh tế. Hội nhập là vào "chơi" trên sân chung đó. Vào "chơi" cùng một sân, ta mới biết mình là ai, thiên hạ là ai, so với những người chơi trên sân, ta khoẻ hay yếu, ta giỏi hay dại khờ, luật chơi của ta đang chơi là hay hay là dở... và từ đó, ta xem ta học thiên hạ cái gì, ta làm gì để rồi cùng phát triển cùng người ta. Cơ hội và thách thức đến từ chỗ đó mà ra, từ chỗ mở cửa nền kinh tế, mở cửa thị trường, và chơi chung với thế giới.

WTO hôm nay có 146 thành viên, tức là bao trùm gần như toàn bộ thế giới. Liệu ta có đủ “dũng cảm” làm chàng hiệp sĩ cô độc, “không thèm” chơi chung với thế giới hay không? Và khi đó, thế giới sẽ nói gì về Việt Nam khi ta nói nhiều đến việc hội nhập mà không bước qua ngưỡng cửa WTO.

Còn nói rằng các nước phát triển đang có xu hướng tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch theo tôi là hiểu không đúng. Thực chất các nước phát triển luôn cổ xuý mạnh mẽ cho tự do hoá thương mại vì có lợi cho họ. Còn chuyện con cá, con tôm gần đây là do lòng tham con người chen vào, lợi dụng những khe hở của luật pháp để kiếm lợi.

- Song song với WTO, trên thế giới đang xuất hiện hiện tượng các nước ký Hiệp định Tự do Thương mại (FTAs). Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam không ký FTAs với các nước khác.

- Đúng là khắp nơi người ta đang bàn về FTAs, đang nô nức kéo nhau đi ký FTAs. Mỹ đã ký FTAs với Chile, Jordani, Mehico. Nước láng giềng của ta như Singapore, Thái Lan cũng đã ký với Mỹ, Úc... Đây là hiện tượng tất yếu bởi WTO là cái áo may chung cho cả thế giới. Cái áo đó hôm nay đã quá chật đối với một số nước, bởi thế họ buộc phải bung ra để phát triển, nhất là khi vòng đàm phán Doha đang gặp trục trặc.

Trước khi đặt vấn đề liệu Việt Nam có chơi được FTAs không, phải hiểu được bản chất của FTAs đã. Căn cứ vào nội dung các FTAs các nước ký với nhau thì hiểu một cách đơn giản FTAs là WTO+, có nghĩa là mở rộng hơn dựa trên những luật chơi của WTO. Còn dấu cộng này lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào trình độ phát triển và cơ cấu kinh tế của hai nước ký kết. Chẳng hạn, chính sách cạnh tranh là phải bỏ hết độc quyền và xây dựng pháp luật sao cho độc quyền không thể hoạt động. Về đầu tư, chế độ đăng ký cấp phép đều có luật lệ, tiêu chí rõ ràng, công khai... Câu trả lời như thế nào thì chắc chúng ta đã rõ.

- Xin cảm ơn ông!

  •  Việt Lâm (thực hiện)

 

                                                                                                                         

,

Tin khác

Tin khác của 'Con người WTO'

,
,