Vào WTO, lao động ngành nào sẽ bị sắp xếp lại?
Nhân viên ngành viễn thông: về đâu khi dỡ bỏ độc quyền? Là một người tiêu dùng nhưng chúng ta không ít lần gặp phải tình trạng “ngậm bồ hòn làm ngọt!” Xin lắp đặt máy điện thoại, cơ quan bưu điện sẽ “giới thiệu” cho bạn một hiệu máy điện thoại “chất lượng cao”. Hòa mạng thông tin di động của “Trung Quốc điện tín” phải buộc mua loại điện thoại chỉ định. Nếu bạn cứ không nghe những lời “khuyến cáo” đó thì bạn sẽ gặp vô số những rắc rối.
Bệnh độc quyền bẩm sinh, có thuốc chữa không?
Gia nhập WTO, cần phải có bước chuẩn bị chu đáo. |
Quả thật ngành bưu chính viễn thông từ khi mới sinh ra đã mang bệnh độc quyền. “Anh muốn gắn điện thoại ư? Xin lỗi, anh phải trả trước tiền phí lắp đặt!; “Anh muốn xem bản kê chi tiết hóa đơn tiền điện thoại hả? Vô phương!”; Dân chúng cả nước yêu cầu điện thoại di động chỉ nên tính cước chiều gọi đi, nhưng ngành viễn thông nào có để mắt tới; một vài địa phương lén giảm nước Internet, thế là bị cơ quan chủ quản ngành chỉ trích: “Anh định hạ giá để cạnh tranh hả?”…
Loại bệnh bẩm sinh này đã ăn sâu vào trong xương cốt rồi, chỉ có ngoại lực mới trị dứt thôi!
Điều gì đến phải đến, sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc phải mở cửa 25% thị trường các nghiệp vụ viễn thông cơ bản, 6 năm tiếp theo phải là 49%. Như vậy là chỉ cần 6 năm ngành viễn thông Trung Quốc phải mở cửa một nửa giang sơn.
Từ trước đến nay các dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng của Trung Quốc đều đóng kín với nhà đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Thông tin Trung Quốc nhiều lần phát biểu tại các cuộc họp báo với giới truyền thông nhấn mạnh rằng: “Sẽ chẳng bao giờ mở cửa!”. Nhưng để rồi xem ngành Viễn thông Trung Quốc sẽ xuất ra chiêu gì để đối phó với các DN nước ngoài đang chầu chực tranh giành miếng mồi ngon Trung Quốc?
Ngành viễn thông vẫn còn cơ hội
Nhìn vào những quốc gia và khu vực có thị trường viễn thông mở cửa, người ta thấy lĩnh vực thông tin di động chịu ảnh hưởng nặng nhất. Bởi vì thông tin di động ít bị ràng buộc về cơ sở hạ tầng.
Nhưng đáng mừng là dịch vụ hòa mạng di động quốc tế (International Roaming) của Trung Quốc đã được mở khắp năm châu bốn biển. Các công ty kinh doanh mạng điện thoại di động của Trung Quốc đã ký kết các hiệp định hợp tác kinh doanh với các tập đoàn viễn thông trên thế giới.
Cho nên có thể nói việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho ngành Viễn thông Trung Quốc những cơ hội mới. Lúc trước, cổ phiếu của “Trung Quốc điện tín” vừa mới niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông thì đã gom được hàng chục tỷ USD Hồng Kông. Điều đó đủ thấy lòng tin của người đầu tư hải ngoại vào thị trường Viễn thông Trung Quốc sau cải cách. Cần biết rằng “Trung Quốc điện tín” chỉ là một công ty điện thoại di động bao quát ba tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô.
Sau này khi gia nhập WTO sẽ còn nhiều nhà đầu tư hơn nữa đi vào Trung Quốc, chi viện một lượng vốn khổng lồ cho ngành viễn thông.
Người tiêu dùng sẽ là “Ngư ông đắc lợi”
Chẳng cần quan tâm rồi đây các cơ quan ban ngành Viễn thông Trung Quốc sau một thời gian dài giữ vị trí độc tôn sẽ đối phó với cạnh tranh như thế nào, nhưng những người Trung Quốc bình thường sẽ là “Ngư ông đắc lợi”.
Một thị trường viễn thông được thả lỏng, chúng ta sẽ không còn do dự khi sử dụng điện thoại di động. Bởi vì cước phí điện thoại di động sẽ được đưa về ngang bằng mức bình quân của thế giới.
So với các nước trong tổ chức mậu dịch thế giới, cước phí điện thoại di động của Trung Quốc không những đắt hơn các nước phát triển, mà ngay cả trong hàng ngũ các nước đang phát triển, mức cước của Trung Quốc cũng đắt thứ nhất hay thứ hai gì đó. Có người giận dữ nói rằng mức cước hiện nay của Trung Quốc cao gấp 7 lần mức cước của thế giới.
Phải chăng là một sự trùng hợp? Hai ngày sau khi thỏa thuận Trung - Mỹ được ký kết, “Trung Quốc điện tín” thông báo cước phí điện thoại trên mạng sẽ giảm xuống một nửa, từ 0,18 tệ xuống còn 0,09 tệ, bắt đầu từ ngày 01/12.
Mọi việc sẽ chưa kết thúc đâu, sẽ còn giảm nữa, các chủ thuê bao Trung Quốc cứ chờ xem!
(Còn tiếp)
Nguồn: WTO và cuộc mưu sinh của người Trung Quốc (Tác giả: Thôi Lệ Kim)