Bangladesh: Ngành dệt may nhanh chân lột xác
Trả lời báo giới trong nước mới đây, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, cho biết: “Vào WTO, ngành dệt may VN sẽ gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi”.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Khó khăn không chỉ vì chấm dứt trợ cấp (bỏ Quyết định 55 về trợ cấp ngành dệt may) mà còn sẽ thất thế trước sự bành trướng của các đối thủ lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Dù chế độ hạn ngạch (quota) không còn tồn tại khi VN vào WTO, hàng dệt may VN có thể tiếp cận tự do thị trường Mỹ và EU, nhưng khả năng tiếp cận đến mức nào vẫn là dấu hỏi lớn, nhất là sau năm 2008, thời điểm Trung Quốc được xuất khẩu tự do trở lại hàng dệt may vào Mỹ.
Bangladesh, thành viên của WTO từ năm 1995, một đất nước được xếp vào diện kém phát triển ở Nam Á, đã giải quyết khá tốt bài toán của ngành dệt may thời hậu hạn ngạch (post-quotas).
Kinh tế Bangladesh phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dệt may. Ngành này chiếm tỉ trọng hàng đầu về xuất khẩu cả nước, đóng góp 5% vào GDP hằng năm, chiếm 40% tỉ trọng công nghiệp, chiếm 75% ngoại tệ thu về mỗi năm và quan trọng là tạo việc làm cho hơn 4 triệu nhân công. Bỏ hạn ngạch, mỗi quốc gia xuất khẩu dệt may phải có chiến lược cạnh tranh riêng để tồn tại và phát triển. Bangladesh đi trước một bước bằng cách nâng cao năng lực sản xuất, chuyển hướng sang các mặt hàng cao cấp và cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Để giữ được mức giá cạnh tranh, Bangladesh tận dụng nguồn nhân công dồi dào, tay nghề cao nhưng giá rẻ, đồng thời giảm chi phí vận chuyển, để có giá rẻ hơn 60% so với hàng Trung Quốc. Đi đầu là Abu Taher, một công ty dệt may tư nhân. Trong lúc không ít doanh nghiệp trong nước còn ngập ngừng, Abu Taher mạnh dạn tuyển thêm gần 3.000 công nhân và xây dựng thêm một số cơ sở sản xuất, nhập dây chuyền công nghệ mới hàng triệu USD từ Nhật Bản và Hàn Quốc... Kết quả, đơn đặt hàng đến liên tục. Nhận thấy năng lực sản xuất là yêu cầu quan trọng, các công ty dệt may trong nước bắt tay nhau để thu hút đơn đặt hàng của các đối tác lớn.
Ngoài ra, Bangladesh còn chủ trương đào tạo lại 40.000 công nhân trong nước và áp dụng các bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn cầu vào sản xuất-kinh doanh. Mặt khác, Bangladesh còn tích cực thực hiện các chiến dịch lobby tại Mỹ (thị trường chính) để được giảm thuế. Chưa hết, nước này còn mời gọi nhiều quốc gia khác (trong đó có VN) đầu tư vào dệt may tại Bangladesh với những ưu đãi cao.
Mặc dù có lợi thế là được hưởng những chế độ ưu đãi theo tiêu chuẩn nước kém phát triển, nhưng phải thừa nhận rằng dệt may Bangladesh đã nhanh chân lột xác để tồn tại và phát triển. Đối với VN, riêng ngành dệt thời hậu WTO sẽ rất vất vả bởi khó khăn về vốn. Sự chuyển đổi rất chậm chạp về thay đổi công nghệ trong thời gian qua của nhiều công ty dệt là do thiếu vốn, nay trợ cấp Nhà nước, ưu đãi tín dụng không còn nữa, khó khăn sẽ càng chồng chất. Sức ì lớn thì phải đành chấp nhận cảnh “trâu chậm uống nước đục”!
(Theo Người Lao động, Nguồn: Asia Times)