Gian nan chặng đường chinh phục WTO
Việt Nam sẽ là thành viên của WTO vào năm 2005? |
(VietNamNet) - Trong năm 2004, Việt Nam đề nghị được tổ chức 3 vòng đàm phán với Ban Công tác (Working Party) của WTO, để có thể hoàn thành qui trình đàm phán tối cho thành viên mới xin gia nhập (10 vòng). Cộng thêm gần 100 cuộc đàm phán đa phương và song phương khác nữa trong năm thì đây quả là một chặng đường chinh phục đầy gian nan để Việt Nam tiến vào WTO.
Khởi động
Ngay từ những năm 1990, khi định hướng nền kinh tế theo cơ chế thị trường, Đảng và Chính phủ đã hoạch định chiến lược VN tham gia hội nhập kinh tế thế giới . Đầu năm 1995 VN đã nộp đơn xin tham gia WTO - tổ chức chiếm trên 97% thương mại toàn cầu. Lúc này chủ trương và chính sách kinh tế VN chưa mở cửa. Chính phủ xác định thời kỳ đầu là thời gian khởi động hội nhập, vì vậy các cố gắng của Việt Nam chỉ mới là công khai hóa các chủ trương và chính sách kinh tế đối ngoại với WTO.
Sự công khai hóa chính sách kinh tế quốc gia được thể hiện trong bản Bị vong lục (Diplomatic memorandum) mà Chính phủ VN trình WTO vào tháng 8/1996. Bị vong lục tập trung nêu rõ các chính sách ngoại thương hiện tại của VN và phương hướng tiếp theo cho những chính sách đó.
VN đã có cuộc đám phán đa phương đầu tiên với các thành viên WTO một năm sau khi trình Bị vong lục để diễn giải chính sách và chủ trương (vào tháng 7/1998) . Liên tiếp sau đó là những cuộc đàm phán đa phương thứ 2, 3 và 4 với các thành viên WTO vào tháng 12/1998, 7/1999 và 11/2000, VN tiếp tục khẳng định sự minh bạch hóa các chính sách của mình.
Đoàn đàm phán của VN đã trả lời khoảng 1.700 câu hỏi của WTO liên quan đến những vấn đề trong Bị vong lục và những vấn đề khác liên quan. Kết thúc 4 phiên đàm phán, Ban Công tác của WTO công nhận Việt Nam cơ bản đã hoàn tất giai đoạn minh bạch hóa chính sách, chuyển sang giai đoạn tiếp theo là giai đoạn đàm phán chi tiết để mở cửa thị trường.
Ban Công tác (Working Party) WTO bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Brunei, Bulgaria, Canada, Chile, Trung Quốc, Columbia, Croatia, Cuba, Cộng hòa Czech, Ai Cập, Cộng đồng châu Âu, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Latvia, Lithuania, Cộng hòa Kyrgyz, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Nauy, Panama, Paraguay, Philippines, Ba Lan, Rumani, Singapore, Cộng hòa Slovak, Slovenia, Thụy Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ và Uruguay. Chủ tịch Ban Công tác: Seung Ho (Hàn Quốc) |
Vượt chướng ngại
Tháng 4/2002, phiên đàm phán đa phương thứ 5 với các thành viên của WTO đề cập những vấn đề liên quan đến hàng hóa và dịch vụ của VN. Phiên đàm phán này mở đầu cho giai đoạn thứ 2 - giai đoạn đàm phán mở cửa thị trường trong tiến trình gia nhập WTO của VN.
Để bắt đầu cho đàm phán song phương, VN cung cấp hàng loạt tài liệu như bản tóm tắt hiện trạng về chính sách kinh tế, thương mại (FS), thông báo về chính sách hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp (ACC4), về chính sách hỗ trợ công nghiệp, về hoạt động của các DN nhà nước, chương trình hành động thực hiện Hiệp định về sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS), chương trình xây dựng pháp luật và lộ trình cắt giảm hàng rào phi thuế quan.
Kế tiếp, VN đã có những cuộc đàm phán song phương với gần 20 nước và vùng lãnh thổ về những vấn đề trên, bên cạnh đàm phán đa phương phiên thứ 6 với Ban Công tác WTO vào tháng 5/2003. Trong những cuộc đàm phán song phương, các nước thành viên WTO yêu cầu VN điều chỉnh một số chính sách, chủ yếu là mức thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng cụ thể, và mở cửa các ngành dịch vụ.
Ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Trưởng đoàn đàm phán VN, cho biết từ những cuộc đàm phán nói trên, VN đã cắt giảm mức thuế nhập khẩu bình quân thêm 4,5% trong bản chào thứ 3 gởi cho WTO. Ở bản chào thứ 2, mức thuế quan trung bình của Việt Nam cho tất cả các mặt hàng là 26,3%, riêng đối với nông sản là 31,4% và phi nông sản 25,5%. So với các nước thành viên mới của WTO, mức thuế của VN còn cao. Ví dụ, Êcuado mức thuế trung bình cho tất cả các mặt hàng là 20,95% và 20,1% đối với hàng phi nông sản, được xem là mức cao nhất trong 18 nước mới. VN cho rằng nền nông nghiệp nói riêng và ngành kinh tế khác nói chung chưa đủ mạnh để cắt giảm với thuế suất thấp.
Ngoài ra, ông Tự cũng cho biết lĩnh vực dịch vụ VN sẽ mở cửa đối với 10 ngành và 92 phân ngành. Kèm theo đó là việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp (ACC4), chính sách hỗ trợ công nghiệp, các chương trình hành động SPS (kiểm dịch động - thực vật), TBT (hàng rào kỹ thuật trong thương mại), CVA (trị giá tính thuế hải quan), IL (cấp phép nhập khẩu), TRIPS (sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại), TRIMS (biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại)...
Tăng tốc
Cuộc đàm phán thứ 6 và thứ 7 hồi cuối năm ngoái đã ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường. Ông Seung Ho, Chủ tịch Ban Công tác của WTO, trong một chuyến làm việc ở VN vào cuối năm ngoái, cho biết VN đã trải qua 2/3 đoạn đường cần thiết. Ông nhận định rằng, để đạt được đích là gia nhập WTO vào năm 2005, VN phải cố gắng rất nhiều để tạo ra một bước nhảy vọt.
Theo tính toán của Bộ Thương mại, tổng số cuộc đàm phán song phương và đa phương với WTO trong năm nay là khoảng 100 cuộc, một con số không nhỏ, cho thấy nhiệm vụ rất nặng nề của đoàn đàm phán VN. Cùng với 3 vòng đàm phán để hoàn thành quy trình đàm phán tối thiểu như đã nói trên (vòng đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra trong quý 2/2004), VN cũng sẽ có những cuộc đàm phán song phương khác với 18 quốc gia trong tổng số 146 nước thành viên của WTO.
Sở dĩ Việt Nam lên kế hoạch cho 100 cuộc đàm phán trong năm nay là vì Việt Nam mong muốn trở thành thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới vào đầu năm 2005, mốc thời điểm được dự đoán là bắt đầu những thách thức không mấy thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Đây là giai đoạn tăng tốc trong tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam để có thể về đích vào năm sau hoặc chậm nhất là năm 2006.
16 hiệp định được xem như điều lệ hoạt động của WTO kể từ khi thành lập vào năm 1995 đề cập đến các lĩnh vực như thương mại và thuế quan (GATT), nông nghiệp (AOA), kiểm dịch động -thực vật (SPS), dệt may (ATC), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS), chống bán phá giá (AD), trị giá tính thuế hải quan (CVA), giám định hàng hóa khi xếp hàng (PI), quy tắc xuất xứ (ROO). Các Hiệp định cũng đề cập đến việc cấp phép nhập khẩu (IL), trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM), các biện pháp tự vệ đặc biệt (SG), thương mại dịch vụ (GATS), các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS). Ngoài ra, WTO còn có một số hiệp định về mua sắm chính phủ, công nghệ thông tin... |
Ông Lương Văn Tự cho biết, những cuộc đàm phán trong quá trình xem xét kết nạp thành viên mới vào WTO xoay quanh các qui định hiện hành của WTO, mà những qui định này được gói gọn trong 16 hiệp định. Các hiệp định là cơ sở để các thành viên phải tuân theo với từng mức độ khác nhau. Những quốc gia có trình độ kém phát triển hoặc có nền kinh tế chuyển đổi được WTO xem xét cho thực hiện các hiệp định ở mức độ thấp hơn các nước thành viên hiện tại hoặc mới phát triển.
Đàm phán song phương với các nước thành viên là giai đoạn khó khăn hơn cả, đặc biệt là những nước có trình độ phát triển cao đòi hỏi cao hơn về việc cắt giảm thuế, mở cửa thị trường và chú trọng nhiều đến quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn nhiều người cho rằng VN đã ký Hiệp định thương mại (BTA) với Mỹ thì việc đàm phán với nước này sẽ đơn giản. Nhưng theo ông Tự thì không hẳn như vậy, vì để đạt được BTA, Việt Nam chỉ điều chỉnh khoảng 300 dòng thuế; trong khi đó đối với việc gia nhập WTO, đàm phán với Mỹ sẽ nhiều hơn và VN phải điều chỉnh nhiều dòng thuế hơn.
Hỗ trợ giai đoạn tăng tốc, Quốc hội Việt Nam sẽ dành phần nhiều thời gian trong chương trình làm việc để xem xét và thông qua một số luật và pháp lệnh cần thiết cho tiến trình gia nhập WTO. Theo kết quả rà soát ban đầu, Việt Nam phải sửa đổi 12 luật và pháp lệnh, xây dựng mới 19 luật và pháp lệnh, nhằm thực hiện các hiệp định của WTO. Năm ngoái Quốc hội Việt Nam đã thông qua 17 luật, bộ luật, pháp lệnh mới và sửa đổi.
-
Minh Quang