Việt Nam và WTO: Những lợi ích khi gia nhập
WTO là Tổ chức Thương mại Thế giới điều chỉnh những hoạt động buôn bán đa phương mang tính chất tương đối tự do, công bằng và tuân thủ những luật lệ rõ ràng. Gia nhập WTO, VN sẽ được hưởng nhiều lợi ích.
Lợi ích cho lĩnh vực nông nghiệp:
Thương mại hàng nông sản từ trước đến nay vẫn là lĩnh vực được bảo hộ cao trong chính sách thương mại của các nước phát triển thông qua trợ cấp cao cho nông dân trong nước, trợ giá cao cho xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nông sản thông qua thuế quan cao và các hàng rào phi thương mại…
Thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu chịu nhiều rào cản thương mại. |
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), ước tính mức thuế quan trung bình đối với hàng nông sản trong WTO là 62%, trong khi đó đối với hàng công nghiệp chỉ 4%. Điều đó đã ngăn cản các nước đang phát triển (ĐPT) xuất khẩu sang các nước phát triển (PT). Trong khi đó nông phẩm lại là hàng xuất khẩu quan trọng của các nước ĐPT. Vấn đề thương mại hàng nông sản, vì vậy, luôn là đối tượng xung đột giữa các nước ĐPT và PT. Nó hầu như không được đưa ra bàn bạc cho tới vòng đàm phán Urugoay năm 1987. Vấn đề là cần phải đi tới một giải pháp chung, một sự thỏa thuận chung vì như vậy sẽ có lợi cho cả đôi bên. Cuối vòng đàm phán Urugoay, các nước đã cùng nhau ký kết Hiệp định về nông nghiệp, theo hướng giảm trợ cấp xuất khẩu hàng nông sản cũng như giảm mức hỗ trợ trong nước của các nước thành viên, mở cửa thị trường hàng nông sản và thuế hóa các biện pháp phi quan thuế. Tuy nhiên, Hiệp định nông nghiệp còn nhiều bất bình đẳng và nhiều nước trong WTO đã không tuân thủ nghiêm túc Hiệp định này. Bởi vậy, tại Hội nghị Bộ trưởng Doha, vấn đề nông nghiệp đã trở thành tâm điểm đàm phán. Tuyên bố Doha buộc các thành viên WTO phải cam kết không cắt giảm, mà còn loại bỏ dần tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu. Là một nước nông nghiệp và đặc biệt là một nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam sẽ có nhiều thị trường xuất khẩu gạo và thị trường đối với nông phẩm hơn vì các hạn chế về số lượng đối với gạo và nông phẩm sẽ được chuyển thành thuế và thuế phải cắt giảm theo Hiệp định nông nghiệp. Việt Nam sẽ có lợi nhiều khi các thị trường gạo mở cửa, đặc biệt là thị trường của Nhật Bản và Hàn Quốc. Là một nước ĐPT nghèo, theo Hiệp định nông nghiệp, Việt Nam không phải đưa ra các cam kết giảm trợ cấp xuất khẩu nông sản (trong khi đó các nước công nghiệp phát triển phải cắt giảm 36% nguồn ngân sách dành cho trợ cấp nông phẩm xuất khẩu trong vòng 6 năm, các nước ĐPT nói chung phải cắt giảm 24% trong vòng 10 năm). Việt Nam cùng không bị yêu cầu cắt giảm hỗ trợ trong nước đối với nông dân (trong khi đó, các nước nông nghiệp phải cắt giảm 20% mức hỗ trợ trong nước trong thời gian 6 năm, các nước ĐPT khác là 13,3% trong vòng 10 năm). Tuy nhiên, nếu hàng hóa của Việt Nam là hàng hóa cạnh tranh, thì những sự miễn trừ nói trên sẽ bị loại bỏ trong vòng 8 năm.
Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt - may
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. |
Giống như nông sản, hàng dệt - may cũng là một vấn đề hóc búa trong WTO. Trước vòng đàm phán Urugoay, thương mại hàng dệt - may được điều chỉnh bằng Hiệp định đa sợi (MFA). Hiệp định này cho phép các nước được ký kết các hiệp định song phương hoặc tiến hành các hành động đơn phương để đặt ra hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt – may. Thực chất của Hiệp định đa sợi là một cơ chế hẹp hòi theo định hướng hạn ngạch do Mỹ và châu Âu khởi xướng để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước của họ. Hàng dệt - may không những phải chịu mức thuế trong khoảng từ 15 đến 30% đối với hầu hết các sản phẩm, mà thậm chí còn tệ hơn là phải chịu hạn ngạch xuất khẩu. Hàng dệt – may cũng như nông sản là những hàng hóa mà các nước ĐPT có thể sản xuất một cách hiệu quả nhất và chiếm phần lớn trong tổng xuất khẩu của họ, bởi vậy, những rào cản mà các nước PT đặt ra đối với các nước ĐPT sẽ rất bất lợi cho họ và cần phải được giảm dần đi. Tại vòng đàm phán Urugoay, Hiệp định về hàng dệt – may (ATC) đã được ký kết. Hiệp định này quy định rõ chương trình nhất thể hóa các sản phẩm dệt – may vào hệ thống thương mại đa biên. Việc thực thi Hiệp định này được tiến hành theo 2 tuyến. Thứ nhất, đưa một số sản phẩm vào chịu sự điều chỉnh của cơ chế thương mại đa biên, và một khi các sản phẩm đã được nhất thể hóa thì không phải chịu sự hạn chế về số lượng nữa. Thứ hai, nới lỏng các hạn chế về số lượng đối với các sản phẩm còn lại. Chương trình này được triển khai trong vòng 10 năm. Hàng dệt – may là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Hơn nữa, đây còn là mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh trong việc sử dụng nhiều lao động. Khi trở thành thành viên của WTO, Việt Nam sẽ được hưởng những lợi thế do Hiệp định về hàng dệt – may (ATC) tại vòng đàm phán Urugoay và không phải chịu các hạn chế MFA khi xuất khẩu hàng dệt – may của mình sang các nước thành viên.
Lợi ích từ việc cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp:
WTO là diễn đàn thương mại mà ở đó, mọi thành viên có quyền tự bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, trong phạm vi GATT, cơ chế giải quyết tranh chấp có nhiều hạn chế. Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) mới được thành lập trong WTO có nhiều ưu điểm. Đặc điểm chung của cơ chế này là tính thống nhất và chắc chắn. Trước hết, DSB khuyến khích và cho phép các nước thành viên đàm phán để đi đến một biện pháp hòa giải. Nếu thất bại, một ban giải quyết tranh chấp sẽ được thành lập để phân xử và nhờ một cơ quan kháng án đưa ra quyết định cuối cùng (Ủy ban kháng nghị). Tất cả các phán quyết cuối cùng này phải được các bên có liên quan chấp thuận. Nếu kết quả giải quyết tranh chấp không được thi hành nghiêm túc, bên có quyền lợi bị vi phạm có thể áp dụng những biện pháp trả đũa.
Việc thiết lập tòa án quốc tế này đã làm cho hiệu quả của hệ thống thương mại đa biên được nâng cao rất nhiều. Nó đã đưa những luật lệ vào thế giới thương mại, một thế giới mà trước đây những nước yếu không đủ sức kháng cự lại những nước mạnh. Giờ đây, những nước yếu như Việt Nam có quyền thương lượng và khiếu nại một cách công bằng hơn với các cường quốc thương mại trong tranh chấp dựa trên những luật lệ chung.
Thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước:
Công cuộc cải cách kinh tế ở nước ta được thực hiện từ năm 1986, trải qua hơn 15 năm, đã thu được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều vấn đề nan giải cần phải được giải quyết tiếp tục. Để tiếp tục đi sâu và đẩy mạnh cải cách trong nước, Việt Nam cần phải có động lực mới. Việc gia nhập WTO sẽ là động lực bên ngoài thúc đẩy mạnh mẽ cải cách trong nước. Bởi vì, việc thực hiện những cam kết và luật lệ của WTO sẽ củng cố mạnh mẽ và tăng tốc cải cách trong nước. Nhân tố WTO sẽ đưa cải cách trong nước phát triển mạnh mẽ đến mức mà những tác động trong nước sẽ khó đạt được. Gia nhập WTO, Việt Nam phải cam kết áp dụng và giám sát hệ thống luật của mình theo các nguyên tắc quốc tế: minh bạch, hợp lý, công bằng và đồng bộ. Gia nhập WTO, Việt Nam phải tăng cường thực hiện các cải cách kinh tế vĩ mô (trong chính sách tài chính và tiền tệ) để sao cho vừa đáp ứng được những yêu cầu của quá trình tự do hóa thương mại, vừa có thể tranh thủ được tối đa những lợi ích mà nó mang lại. Gia nhập WTO, Việt Nam phải thực sự khuyến khích và cho phép khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhằm tạo ra những lực lượng kinh tế mạnh có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế…
Tóm lại, gia nhập WTO là cơ hội lớn và là sự lựa chọn đúng đắn đối với Việt Nam. Gia nhập WTO sẽ mang lại lợi ích lớn cho đất nước: phát triển mạnh mẽ thương mại, tăng cường thu hút FDI, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cải cách kinh tế trong nước và xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh.
-
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Đức (Viện kinh tế thế giới)