,
221
1563
WTO từ A-Z
tuaz
/wto/tuaz/
213332
Việt Nam và WTO: Những thách thức
1
Article
1561
Đường vào WTO
wto
/wto/
,

Việt Nam và WTO: Những thách thức

Cập nhật lúc 10:12, Thứ Bảy, 21/02/2004 (GMT+7)
,

WTO là Tổ chức Thương mại Thế giới điều chỉnh những hoạt động buôn bán đa phương mang tính chất tương đối tự do, công bằng và tuân thủ những luật lệ rõ ràng. Gia nhập WTO, VN sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Nhưng cũng không ít thách thức phải đặt ra khi gia nhập tổ chức này.

Hiện nay, Việt Nam đã kết thúc về cơ bản giai đoạn 1 của quá trình gia nhập WTO: giai đoạn minh bạch hóa chính sách thương mại. Sắp tới, Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn 2 của quá trình gia nhập WTO: giai đoạn đàm phán mở cửa thị trường và cam kết thực hiện các nghĩa vụ. Gia nhập WTO đối với Việt Nam không chỉ là cơ hội, mà còn là thách thức.

Cải cách hệ thống pháp luật  

Gia nhập WTO có thể là cuộc trắc nghiệm khó khăn nhất đối với hệ thống luật pháp của Việt Nam. Việt Nam phải cam kết thực hiện những tiêu chuẩn quốc tế về sự minh bạch, tính đồng bộ, tính công bằng và tính hợp lý. Công bố công khai: các luật, quy định và các quyêt định của tòa án liên quan đến thương mại cần phải được công bố công khai để cho công chúng và thế giới biết trước khi chúng có hiệu lực. Mọi yêu cầu về thông tin, thắc mắc và bình luận đều có thể được giải đáp. Tính đồng bộ: có nghĩa là các chính quyền địa phương không được đưa ra những đạo luật riêng không thống nhất với những quy định của WTO, tức là chính quyền địa phương phải tuân thủ các nguyên tắc của WTO. Tính công bằng yêu cầu không chấp nhận bất cứ sự thiên vị nào trong việc thực hiện luật pháp. Để tuân thủ tính đồng bộ và tính công bằng, các đạo luật cũng phải mang tính chất hợp lý, phù hợp. So với những tiêu chuẩn quốc tế đó, thì hệ thống luật pháp của Việt Nam còn nhiều yếu kém. Ngoài ra, Việt Nam đã có Luật thương mại và Luật đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta còn thiếu nhiều luật trong những lĩnh vực thương mại cụ thể. Điều đó sẽ gây khó khăn đáng kể cho Việt Nam khi làm việc với các công ty nước ngoài.

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc Việt Nam gia nhập WTO, bởi vì những nguyên tắc của WTO về cơ bản tuân theo tính thị trường, tính cạnh tranh và sáng kiến các doanh nghiệp tư nhân. Thêm vào đó, các doanh nghiệp tư nhân còn là một lực lượng quan trọng tham gia cạnh tranh trên trường quốc tế. 

Khu vực tư nhân ở Việt Nam, được bắt đầu hồi phục từ năm 1979, đến 1986 được chính thức công nhận và đặc biệt những năm gần đây được đặc biệt khuyến khích phát triển. Trải qua một thời gian dài, khu vực tư nhân ở Việt Nam đã thu được một số thành tựu nhất định và có đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, khu vực này còn gặp một số thách thức nhất định như:

Chính sách của nhà nước đối với khu vực tư nhân còn chưa rõ ràng thể hiện trong sự tranh cãi về vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế quốc doanh.

Môi trường thị trường cho hoạt động của khu vực tư nhân đã được tạo ra, nhưng còn chưa đầy đủ, thiếu ổn định và kém hiệu quả. Trong chính sách tài chính tiền tệ còn tồn tại một số vấn đề. Nhiều giá cả đã được tự do hóa, những nhưng giá quan trọng như tỉ giá, lãi suất ngân hàng và một số giá quan trọng khác vẫn do Nhà nước điều tiết. Đồng tiền Việt Nam vẫn chưa trở thành đồng tiền chuyển đổi. Tỉ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD còn cao. Do vậy, những điều kiện kinh tế vĩ mô cho hoạt động của khu vực tư nhân chưa được thực sự ổn định. Thị trường chứng khoán ở Việt Nam đã được bắt đầu xây dựng nhưng còn rất thiếu sót và yếu kém, do vậy việc cung cấp vốn cho khu vực tư nhân sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong chính sách đất đai, trên thực tế, nhà nước còn nhiều phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân (về quyền sử dụng đất, về thời gian cho thuê đất…), do vậy chưa thực sự khuyến khích sự phát triển khu vực tư nhân.

Thêm vào đó, trong bản thân khu vực tư nhân cũng còn những yếu kém nhất định: các ghi chép kế toán không đầy đủ và không rõ ràng, ý thức tuân thủ pháp luật ở nhiều doanh nghiệp tư nhân còn yếu, đa số các doanh nghiệp tư nhân không có cơ sở chế quản lý nội bộ hợp lý, các doanh nghiệp tư nhân nhiều khi chưa đánh giá đúng nguồn vốn con người.

Mở cửa dịch vụ cho các nhà kinh doanh nước ngoài

Sau vòng đàm phán Urugoay, HIệp định chung về thương mại dịch vụ (GATT) đã được ký kết, nhằm tự do hóa dịch vụ. GATS điều chỉnh một diện rộng các lĩnh vực dịch vụ bao gồm 11 ngành lớn (vận tải, xây dựng, phân phối, tài chính, bảo hiểm, thông tin, du lịch, giáo dục, sức khỏe…) và 155 tiểu ngành. GATS thông qua 4 phương thức cung cấp dịch vụ cơ bản (cung cấp dịch vụ qua biên giới, tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài, hiện diện thương mại, hiện diện của tự nhiên nhân). Trong lĩnh vực dịch vụ, các nước thành viên phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của WTO như tối huệ quốc (MFN), đãi ngộ quốc gia (NT), cam kết mở cửa thị trường… Sau khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký kết, Việt Nam đã cam kết thực hiện các nguyên tắc của WTO như MFN, NT, cam kết mở cửa thị trường… trong lĩnh vực dịch vụ với lộ trình từ 3 đến 5 năm.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn tồn tại những khó khăn nhất định đối với Việt Nam trong việc mở cửa các lĩnh vực tài chính và viêcn thông. Tàichính là mộtn gành vẫn chịu sự kiểm soát lớn của nhà nước. Mặc dù trải qua hơn 15 năm cải cách, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đã tương đối phát triển và được hiện đại hóa đáng kể, tuy nhiên vẫn còn tồn tại hàng loạt vấn đề như: việc cho vay mang tính chất bao cấp vẫn còn nặng nề, kiểu cho vay thiên về các quan hệ cá nhân vãn còn ảnh hưởng lớn, tình hình nợ khó đòi khá nghiêm trọng, nguyên tắc cho vay theo tiêu chuẩn thị trường chưa hoàn toàn được coi trọng, khả năng cạnh tranh thực sự của các ngân hàng Việt Nam còn yếu kém… Trong khi đó, sau khi gia nhập WTO, trong một thời gian nhất định, Việt Nam phải cam kết cho các ngân hàng nước ngoài được kinh doanh bằng nội tệ với các khách hàng Việt Nam, được phép mua những cổ phần nhất định trong các ngân hàng đầu tư và công ty quản lý tài sản của Việt Nam, được phép mở rộng nhất định phạm vi họat động của mình trong những giới hạn địa lý nhất định. Cuối cùng, các công ty nước ngoài sẽ được hưởng nguyên tắc đãi ngộ quốc gia, tức là họ se có những đặc quyền giống như các ngân hàng nội địa. Lúc đó các ngân hàng Việt Nam sẽ phải tham gia cạnh tranh thực sự.

Thị trường chứng khoán ở Việt Nam mới được hình thành trong những năm gần đây, còn hết sức sơ khai. Chúng ta mới có một Trung tâm giao dịch chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội mới sắp sửa triển khai, còn ở các địa phương thì hầu như chưa có. Luật và cơ chế hoạt động của thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn rất nhiều thiếu sót và không rõ ràng. Trong khi đó gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực này.

Ngành viễn thông của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phát triển khá nhanh và năng động, tuy nhiên nó vẫn là ngành bị chính phủ kiểm soát khá lớn. Ở trong nước, nó vẫn là ngành mà nhà nước độc quyền. Đối với các công ty nước ngoài mặc dù đã có sự mở cửa  nhất định, đặc biệt sau Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, nhưng còn rất hạn chế cả về lĩnh vực, mức độ tham gia cổ phần cũng như lộ trình thực hiện… Khi tham gia WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa thực sự khu vực này, vì vậy vấn đề độc quyền của ngành viễn thông và khả năng cạnh tranh thực sự của nó cần phải được tính đến.

Nông nghiệp

 

Sẽ là một vấn đề nhạy cảm trong đàm phán của Việt Nam khi gia nhập WTO. Bởi vì, Việt Nam là một nước nông nghiệp, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam hiện nay và trong một tương lai không xa vẫn là nông sản. Trong khi đó vẫn có nhiều khó khăn đối với việc xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển nói chung và các nước đang phát triển nghèo như Việt Nam sang thị trường các nước phát triển. Mặc dù vòng đàm phán Urugoay đã có nhượng bộ chút ít về nông nghiệp, song hỗ trợ nông nghiệp của các nước OECD còn rất cao - tổng số hàng năm khoảng 360 tỷ USD, trong đó Mỹ và EU chiếm tới 80% tổng số đó. Song vấn đề chính ở đây vẫn là những yếu kém nội tại trong sự phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Khu vực nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu cả về cơ sở vật chất kỹ thuật lẫn cơ chế quản lý. Thêm vào đó, nó còn bị trói buộc bởi không ít những chính sách phi lý như chính sách đất đai, chính sách thuế… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa cao (cả về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh và an toàn thực phẩm…). Tất cả những điều đó sẽ làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của nông phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Một vấn đề nữa là mặc dù Việt Nam với tư cách là một nước đang phát triển nghèo, được miễn trừ cắt giảm trợ giá xuất khẩu nông sản cũng như giảm mức hỗ trợ cho nông dân trong nước, nhưng đổi lại Việt Nam sẽ phải cam kết nhượng bộ các đối tác nước ngoài, ví dụ như cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp… Điều đó có nghĩa là, trên thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tham gia cạnh tranh thực sự với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Tại vòng đàm phán Urugoay, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ, gọi tắt là TRIPS đã được ký kết. Đây là một vấn đề quan trọng, thường xuyên được đưa ra bàn bạc trong WTO, đây cũng là vấn đề bất đồng về lợi ích giữa các nước ĐPT và PT. Về lâu dài, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích sự sáng tạo ngay tại các nước ĐPT và có lợi đối với các nước ĐPT. Nhưng hiện nay TRIPS đang có xu hướng bất lợi cho các nước ĐPT và kém phát triển, bởi vì các phát minh sáng chế hiện nay chủ yếu là của các nước PT. TRIPS bảo vệ quyền của người tạo ra sáng chế phát minh và quy định ai sử dụng sáng chế phát minh cũng đều phải trả tiền. Trong khi đó, các nước ĐPT lại hầu như có rất ít phát minh sáng chế, họ muốn sử dụng các thành tựu phát minh của các nước PT mà không phải trả tiền. Do vậy, phải có một sự thoả hiệp nhất định trong vấn đề này. TRIPS đã có những ưu đãi nhất định đối với các nước ĐPT về vấn đề này: ví dụ như các nước ĐPT được hưởng thời gian chuyển đổi để thực thi TRIPS là 5 năm, các nước chậm phát triển là 10 năm, TRIPS có những quy định về nghĩa vụ mà các nước PT cần thực hiện các biện pháp ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp của mình chuyển giao công nghệ cho các nước đang và kém phát triển, và sự linh hoạt đối với các nước ĐPT trong việc giải quyết các vấn đề chăm sóc sức khỏe… Tại Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, Việt Nam đã cam kết thực hiện Hiệp định TRIPS của WTO. Đặc biệt với Hiệp định thương mại Việt - Mỹ về TRIPS còn có những quy định cao hơn so với Hiệp định TRIPS của WTO do còn có những cam kết của Việt Nam về bảo hộ tín hiệu vệ tinh trong vòng 30 tháng.

Mặc dù vậy, Việt Nam còn rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện TRIPS.  Ngoài những quy định về nhãn hiệu thương mại, Luật bản quyền tác giả và việc bảo vệ các thiết kế công nghiệp, Việt Nam chưa hề có các luật về các chương trình âm thanh, hình ảnh, chương trình phần mềm máy tính… Các công ty cũng như người dân ở Việt Nam chưa có thói quen tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ… Trong khi đó các thành viên WTO lại rất quan tâm đến vấn đề này và coi đó là nội dung quan trọng trong các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù các nước ĐPT và Việt Nam có thời kỳ thực hiện TRIPS dài hơn, nhưng quá trình thực hiện sẽ rất khó khăn. Người ta có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo đối với những sai lầm trong quá trình thực hiện thậm chí đối với cả những nước không có khả năng về mặt thể chế để thực hiện những yêu cầu này của WTO.

Ngoài ra, còn không ít các vấn đề phức tạp khác khi Việt Nam gia nhập WTO. Chẳng hạn như việc hạ thấp mức thuế và giảm sự bảo hộ đối với công nghiệp trong nước. Tuyên bố của Hội nghị Doha nói rõ rằng không có một sự ngoại lệ nào trong các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường hàng công nghiệp. Điều đó có nghĩa là tham gia WTO, Việt Nam không chỉ được lợi từ mức thuế quan thấp (trung bình 4%) và việc giảm bớt các rào cản phi thuế quan khác đối với hàng công nghiệp từ các nước công nghiệp, mà ngược lại Việt Nam cũng phải thể hiện sự sẵn sàng đáp lại tương xứng và cam kết giảm bớt các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam luôn đứng trước một thực tế khách quan là khả năng cạnh tranh kém hơn của các công ty trong nước so với công ty của các nước thành viên. Chính phủ Việt Nam vì vậy vẫn muốn duy trì sự bảo hộ nhất định đối với các ngành công nghiệp non trẻ nhằm mục đích đảm bảo nguồn thu ngân sách trước mắt và cuối cùng là xây dựng một cơ cấu công nghiệp hợp lý. Hay về thủ tục gia nhập WTO, hiện nay còn rất phức tạp và quá trình gia nhập còn quá kéo dài. Hơn thế nữa, những mục đích gia nhập thường xuyên thay đổi, trong khi đó những cuộc đàm phán kéo dài và những lợi ích mới trong mỗi nước thành viên lại đặt ra những vấn đề mới. Vì vậy cần phải có những cải cách nhất định trong thủ tục gia nhập. Tất nhiên là cần thiết phải có sự duy trì các tiêu chuẩn và không làm mất hiệu lực các luật lệ của WTO. Như vậy vẫn tồn tại một mâu thuẫn giữa việc kêt nạp thêm nhiều nước vào WTO và nhu cầu duy trì đặc tính của nó…

  • TS. Nguyễn Thanh Đức (Viện Kinh tế Thế giới)

 

,

Tin khác

Tin khác của 'WTO từ A-Z'

,
,