Thận trọng khi dùng đồ nhựa melamine-formaldehyt
Căn bệnh sạn thận trên trẻ do ăn phải sữa có chứa melamine vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu của dư luận xã hội. Ngày 3/10, tại Sở Y tế TP HCM đã có cuộc trao đổi giữa những nhà khoa học xung quanh vấn đề tác hại của melamine với sức khỏe con người cũng như cách lựa chọn dùng sữa nào cho con trẻ trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Cảnh giác với việc phôi nhiễm thực phẩm từ đồ dùng làm bếp bằng nhựa Thông tin đáng chú ý có liên quan tới melamine mà GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP HCM cung cấp đó là về những vật dụng gia đình bằng nhựa melamine.
Đồ dùng bằng nhựa melamine - formaldehyt có đặc điểm bền, đẹp, nhưng người ta đã phát hiện khi sử dụng chúng chứa thức ăn nóng, chua, có thể tiết vào thức ăn melamine và formaldehyt. Năm 2004 và 2008, cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh thực hiện 2 cuộc điều tra cơ bản về tình hình chén, đĩa… nhựa tiết melamine và formaldehyt vào thực phẩm vượt mức cho phép. Điều tra cho thấy hàm lượng melamine tiết ra đều ở mức tối đa chấp nhận (30mg/kg hoặc 5mg/dm2). Tuy nhiên đã phát hiện có một số sản phẩm tiết ra formaldehyt vượt mức nhiều lần mức tối đa chấp nhận (15mg/kg hoặc 2,5 mg/dm2). Năm 2004 phát hiện 5/50 mẫu vượt mức từ 8 tới 76 lần, năm 2008 phát hiện 8 mẫu vượt từ 6 tới 65 lần. Do đó, theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn thì hết sức thận trọng khi dùng các tô, chén bằng nhựa melamine formaldehyt để chứa thức ăn chua, nóng hoặc nấu trong lò vi sóng. Ngộ độc melamine cấp và mãn tính Theo Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP HCM Nguyễn Xuân Mai, melamine là một chất cấm trong thực phẩm nhưng lại được ứng dụng trong nhiều ngành và sự hiểu biết về độc tính melamine với sức khỏe con người chưa nhiều. Tuy nhiên, sự tiếp xúc của con người với melamine xem như là thấp. Dư chất của melamine là do hậu quả của chuyển hóa cyromazine - một loại thuốc trừ sâu có thể xảy ra trong quá trình thôi nhiễm từ dụng cụ chứa thực phẩm. Bởi các axit trong thực phẩm tạo thành. Nhưng tính cho tất cả các nguồn thôi nhiễm hấp thu melamine đường miệng ở người chỉ ước tính khoảng 0,007mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày theo cơ quan nghiên cứu châu Âu. Còn theo Cục Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ về đánh giá độ an toàn và nguy cơ của melamine đã xác định lượng melamine mà cơ thể con người có thể hấp thu dung nạp hằng ngày là 0,63mg/kg/ngày. Cũng theo GS Sơn, mục đích người ta cho melamine vào sữa nhằm tăng độ đạm-protein (giả), mà theo nghiên cứu nếu kiểm nghiệm trong mẫu sữa hàm lượng melamine là 1.500ppm mới tăng được 1 độ đạm. Thời gian qua, trong quá trình kiểm nghiệm tìm melamine trong các mẫu sữa từ doanh nghiệp gửi tới Trung tâm Sắc ký và Khối phổ TP HCM ghi nhận mẫu sữa bột lớn nhất đã thực hiện có chỉ số là 1107,2ppm mà trung tâm đã đo được. Hơn nữa, qua kiểm tra ở các phòng xét nghiệm số mẫu có melamine rất ít so với mẫu đã kiểm nghiệm cho tới nay. Cơ quan chức năng cũng đang hết sức cố gắng tích cực vào cuộc nên theo GS Sơn, người tiêu dùng nên bớt lo lắng hơn, tìm mua những mặt hàng sữa đã được Bộ Y tế công bố không nằm trong danh sách "đen". Và hy vọng không lâu nữa các mặt hàng sữa và thực phẩm chế biến từ sữa sẽ bình ổn trở lại. Theo H.Nga/CAND
Theo GS Sơn, melamine là một nguyên liệu cho công nghiệp polymer, được cho phản ứng với formaldehyt tạo nhựa nhiệt cứng melamine - formaldehyt, áp dụng trong sản xuất chất kết dính, vải, vật liệu gia dụng như tô, chén, dĩa, muỗng…
Đồ dùng bằng nhựa melamine - formaldehyt có đặc điểm bền, đẹp. Ảnh: Vietbao.vn