221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
121309
''Ma trận'' kiếm tiền từ nhà chung cư
1
Article
null
''Ma trận'' kiếm tiền từ nhà chung cư
,

Đang khẩn trương hoàn thành chung cư Mỹ Đình 2.

Cô nhân viên liến thoắng giới thiệu với khách một căn hộ chung cư: 3 ngủ 2 phụ 1 bếp, ''vênh'' 50, ''vênh'' 70 triệu... là cảnh thường gặp ở các trung tâm giao dịch nhà đất ở Hà Nội. Những trung tâm này mọc lên như nấm, chỉ tốn ít nước bọt, những ''cò'' nhà đất này cũng kiếm món lớn; còn đối tượng mua đi bán lại kiếm chênh lệch 40-70 triệu đồng/lần. Trong khi đó những người có nhu cầu thật không biết mua nhà gốc ở đâu mặc dù thông tin bán căn hộ nhan nhản trên Internet và các báo.

Thủ tục mua bán nhà qua trung tâm môi giới có vẻ đơn giản nhưng bí ẩn. Nếu đồng ý một căn hộ nào đó thì có mấy cách: nếu ''kết'' thật sự, khách phải đặt 5 triệu đồng để giữ chỗ và hẹn ngày cùng người đứng tên căn hộ đi đăng ký nộp tiền vào hợp đồng mua nhà. Lúc này, phiếu thu sẽ viết tên người mua lần 2 và người bán ghi giấy uỷ quyền cho người mua. Mọi thủ tục do ''cò'' hướng dẫn. Nếu ''kết'' vừa, nếu muốn xem nhà hay gặp chủ nhà cũng phải đặt 5 triệu đồng. Bên môi giới giữ khoản này phòng khách và chủ thoả thuận ngầm ''ngắt ngọn''. Nhưng không phải căn hộ nào khách cũng được gặp chủ nhà. Minh, một nhân viên môi giới nhà đất cho biết, khu Trung Hoà - Nhân Chính do Vinaconex đầu tư đã có nhiều nhà bán nhưng chủ hộ là nhân viên của Tổng công ty mua rồi nhượng lại nên rất ngại gặp khách.

Nếu khách muốn mua để ở luôn, xong ngay. Còn chọn để sang năm ở, không sao vì nhiều khu mới chỉ mua bán trên bản vẽ như khu Mỹ Đình đến 6/2004 mới đưa vào sử dụng nhưng căn hộ đã bán hết từ lâu.

Những người có ''tầm nhìn xa'' giới thiệu cả những khu đô thị mới là dự án, đất trống như khu Pháp Vân hay Láng - Hoà Lạc bây giờ... Nhu cầu mua chung cư cao trong khi nhà có hạn như rao bán 1.000 căn hộ thì tới 4.000 người xếp hàng đăng ký. Có người bán thật mua thật, nhưng cũng có trường hợp mua thật để bán giả, lừa đảo... Nhộn nhịp nhất hiện nay vẫn là nhà ở khu Linh Đàm, giá bán tại đây dao động 4,5-4,9 triệu đồng/m2.

Quản lý kiểu ''mời ma ăn cỗ''

Hầu hết các Tổng công ty tức chủ đầu tư đều có quy chế mua bán nhà chung cư nhưng mỗi nơi một kiểu, tất cả đều cấm (bằng văn bản hoặc không) nhân viên mua đi bán lại nhà kiếm lời. Nhưng thực thi là chuyện khác. Trước khi bán nhà cho nhân viên, các doanh nghiệp đều qua quy trình xét: có nhà ở chưa, sắp xây dựng gia đình chưa? Ông Bùi Doãn Tạo, Phó Tổng giám đốc Vinaconex thẳng thắn thừa nhận việc này rất khó vì ngay cả thời bao cấp, phân phối săm lốp chặt chẽ còn lọt ra ngoài, huống chi bây giờ! Bỗng dưng ngồi không mà đút túi 6, 7 cây vàng thì mấy ai từ chối nên việc mua bán vẫn ngấm ngầm diễn ra.

Nhóm khách nữa là cán bộ viên chức Nhà nước theo danh sách cơ quan khác gửi sang hoặc phải có giấy giới thiệu nơi làm việc như Vinaconex; ưu tiên đối tác làm ăn rồi đến khách hàng tự do như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Đa số việc mua bán nhà đều qua sổ hộ khẩu, mỗi sổ chỉ được mua một căn nhưng vẫn thiếu chặt chẽ. Minh cho biết thêm, thông tin rất quan trọng, ai biết trước người đó sẽ thắng, ai quan hệ tốt mới chắc suất. Một số trường hợp thuộc cơ quan nhà nước nhưng cũng phải qua nhiều ''cửa''. Có người mua để ở thật nhưng cũng phổ biến người mua rồi bán lại tiêu chuẩn.

Theo thống kê, ở chung cư Linh Đàm, có 94/100 căn hộ trong đơn nguyên đã qua một hoặc hai trung gian. Hà Nội hiện chưa có quy chế quản lý và phân phối nhà tại khu đô thị mới. Một vị quan chức ở Bộ Xây dựng đã hứa hẹn sẽ xem xét vấn đề này. Chỉ những người quen biết ít đành nghiến răng mất thêm dăm chục triệu đồng. Câu cửa miệng của các nhà đầu tư là ''Sẽ nghiêm khắc xử lý nếu phát hiện mua đi bán lại'' nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở đó. 

(Theo Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,