(VietNamNet) - Dường như lường trước sẽ là 'mục tiêu' của báo giới, khi vấn đề phân bổ ngân sách có thể sẽ nóng bỏng tại kỳ họp này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng gần như lẩn tránh tất cả các phóng viên trong phiên khai mạc. Và ông cũng rất cẩn trọng trong từng câu chữ khi trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet chiều 21/10, sau khi báo cáo trước Quốc hội về thu - chi tài chính năm 2003 và kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2004.
Ông Nguyễn Sinh Hùng - Bộ trưởng Tài chính, ĐBQH TP.HCM. |
- Thưa Bộ trưởng, đây là lần đầu tiên QH thảo luận rộng rãi và quyết định về vấn đề ngân sách ngay tại hội trường. Trước khi trình bày kế hoạch phân bổ ngân sách trước QH, Bộ trưởng có lường trước được những khó khăn khi một chuyện khó phân xử như thế được đưa ra bàn một cách công khai?
- Có gì đâu mà phải lường. Ngân sách nói đi nói lại cũng chỉ là thu - là chi thôi. Càng công khai ra cho mọi người bàn vào thì càng tốt chứ sao. Thu cũng có điều kiện tăng lên. Chi cũng có điều kiện công bằng hợp lý hơn. Dù trước đó, tôi đã có chuẩn bị kỹ lưỡng với các Bộ trưởng và lãnh đạo 61 tỉnh, thành đến đâu đi nữa, thì đưa ra bàn bạc trước QH vẫn là một dịp để điều chỉnh lại. Và thêm một điều nữa: khi QH đã tham gia vào ngân sách rồi, quyết định ngân sách rồi, thì càng có điều kiện để thể hiện trách nhiệm và còn giám sát nữa. Và ngân sách càng công khai minh bạch nữa thì ông Bộ trưởng Tài chính càng đỡ bị sức ép.
- Nhưng thưa Bộ trưởng, trong QH cũng có nhiều đại biểu "kiêm" Bộ trưởng. Liệu có tình trạng khi bàn cãi về ngân sách cho các ngành, đại-biểu-kiêm-bộ-trưởng ngành nào sẽ "cãi", giành phần hơn trong ngân sách cho ngành đó? Liệu cuộc họp bàn về phân bổ ngân sách trước QH có gần giống như cuộc họp Chính phủ mở rộng?
- Tôi nghĩ rằng không có chuyện đó và không ai nghĩ thế! Chỉ có nhà báo nghĩ như vậy thôi (cười)
- Theo Bộ trưởng, vấn đề phức tạp nhất của việc thảo luận về phân bổ ngân sách là gì?
- Cái khó xử nhất là nhu cầu thì lớn mà khả năng ngân sách thì có hạn. Ví dụ như ngành y tế muốn chi nhiều, ngành văn hoá cũng muốn chi nhiều. Quốc phòng an ninh cũng muốn chi nhiều... Ai cũng có lý cả bởi ai có cũng có trách nhiệm quan trọng cả. Ở địa phương cũng thế, "anh" nào cũng muốn chi nhiều vì đòi hỏi về tài chính đều bức xúc cả. Thế nhưng khả năng chi thì có hạn.
- Thế thì làm thế nào để mọi việc đều ổn thoả?
- Thì cũng phải ''liệu cơm gắp mắm thôi''. Làm sao cho nó hợp tình hợp lý.
- Vậy thì ông - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chuẩn bị như thế nào để "ứng phó" với những tình huống căng thẳng có thể diễn ra trong cuộc thảo luận về phân bổ ngân sách.
- Có sao thì làm vậy thôi chứ cũng chẳng chuẩn bị gì.
Xin cảm ơn ông
- Bích Ngọc - Lan Anh
(thực hiện)