(VietNamNet) - Bộ luật hình sự hiện tại quy định tử hình bằng xử bắn. Nhưng hình thức này gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn đối với người thực thi, vì vậy Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) vừa đề nghị lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án thay thế: tiêm thuốc hoặc bắn qua màn hình.
Bên cạnh đó, về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành: Ủy ban pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, thực tế công tác thi hành án tử hình trong thời gian qua cho thấy đã có trường hợp người bị kết án tử hình không gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước mà chỉ làm đơn kêu oan trong khi quy định hiện hành của Luật lại chưa có quy định việc xử lý trường hợp này. Ủy ban pháp luật đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý và trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với trường hợp trên đây.
Cũng có đại biểu cho rằng, Dự luật nên bỏ quy định về hình thức thi hành hình phạt tử hình và giao cho Chính phủ quy định. Vấn đề này vẫn chưa được bàn kỹ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc giao Chính phủ quy định sẽ tránh được sự bất lợi về tâm lý, chính trị có thể phát sinh khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội.
Thu hẹp phạm vi những người có quyền bắt người khẩn cấp
Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp được sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Cụ thể, chỉ có thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp, còn cấp phó và thủ trưởng cơ quan điều tra không có thẩm quyền này. Đồng thời bổ sung người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp là người chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, việc tạm giam là một trong nhưng biện pháp ngăn chặn quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân. Do vậy, dự luật này đã quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về thủ tục, thời hạn, thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này; quy định rõ hơn về thời hạn tạm giam người bị bắt theo lệnh truy nã và việc giải, nhận người bị bắt theo lệnh truy nã.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định việc gia hạn tạm giam để điều tra đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (không quá 4 tháng nếu gia hạn lần thứ nhất; gia hạn lần thứ hai cũng không quá 4) là quá dài, chưa hợp lý và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định lại vấn đề gia hạn tạm giam theo hướng chia nhỏ mức thời gian gia hạn không quá 2 tháng hoặc 3 tháng đối với mỗi lần gia hạn thêm. Trên cơ sở đó điều chỉnh lại thời gian gia hạn tạm giam đối với từng loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng), tránh tình trạng thời hạn tạm giam thì dài nhưng số lần hỏi cung hoặc việc tiến hành các biện pháp điều tra khác đối với người bị tạm giam lại rất ít, kém hiệu quả. Quy định cụ thể như vậy góp phần hạn chế việc lạm dụng gia hạn tạm giam, nâng cao hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là người có tội , do đó chế độ tạm giữ đối với họ phải khác đối với người đã có bản án phạt. Việc tạm giữ, tạm giam họ là biện pháp ngăn chặn và để điều tra tội phạm. Do vậy, trong dự thảo Bộ luật (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn về chế độ giam giữ, tạm giam, nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ theo đúng quy định của pháp luật.
Bảo vệ mạnh những người làm chứng
Các đại biểu cũng chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của người làm chứng. Họ cho rằng, Dự luật lần này cần có quy định về quyền của người làm chứng, yêu cầu Nhà nước bảo vệ họ hoặc người thân của họ đang bị đe doạ về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phận; quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ họ hoặc bồi thường thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng và tài sản do bị trả thù vì đã thực hiện việc làm chứng. Các biện pháp bảo vệ phải được quy định cụ thể trong từng giai đoạn tố tụng như việc tổ chức lấy lời khai của người làm chứng, cách ghi biên bản lời khai người làm chứng, việc giữ bí mật hoặc triệu tập người làm chứng tại phiên toà...
Dự luật cũng đề cập đến việc mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án cấp huyện.
Bộ luật tố tụng hình sự (LHS) đầu tiên của Nhà nước ta được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1988, công bố ngày 9 tháng 7 năm 1988 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1989. Trong quá trình thi hành, LHS đã được Quốc hội nước ta sửa đổi, bổ sung 3 lần: tháng 6 năm 1990, tháng 12 năm 1992 và tháng 6 năm 2000. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá X ngày 29/4/1999, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án BLTTHS (sửa đổi), trong đó nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật một cách toàn diện để phù hợp với những nội dung cải cách tư pháp, bảo đảm cho Bộ luật phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo đảm các quyền công dân đã được Hiến pháp quy định. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã bộc lộ một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng đáy đủ yêu cầu của cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới... Mặt khác, qua ba lần sửa đổi, LHS đã bộc lộ một số điều không thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn nhau ở một số quy định ngay trong luật. LHS hiện hành có 7 phần, gồm 32 chương, 286 điều. BLTTHS (sửa đổi) lần này có tổng số 7 phần, gồm 34 chương, 328 Điều. Trong đó có 224 điều được sửa đổi, bổ sung, 26 điều được xây dựng mới và 78 điều giữ nguyên. Phạm vi sửa đổi BLTTLLS lần này là sửa đổi một cách toàn diện, bảo đảm cho Bộ luật phù hợp với những nội dung cải cách tư pháp, phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo đảm các quyền dân chủ của công dân. Đây là quá trình rà soát lại toàn bộ đạo luật để xác định điều luật nào cần tiếp tục duy trì, điều luật nào cần được sửa đổi, bổ sung, loại bỏ và cần xây dựng mới những điều luật nào. |
-
Hồng Phúc