Trám, trét chỗ lún nứt chỉ... làm đẹp |
Lún nứt đường dẫn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đang thu hút sự quan tâm của dư luận và nhà chuyên môn vì sự cố quá giới hạn cho phép, ở mức nguy hiểm. Trong khi đó, ông Quách Văn Điệp, Phó Giám đốc Ban quản lý công trình Thanh niên xung phong, chủ đầu tư dự án lại cho rằng: ''Lún nứt chỉ ảnh hưởng về mỹ quan''.
Thưa ông Quách Văn Điệp, nguyên nhân đường dẫn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị lún nứt, lý do chủ đầu tư vẫn chưa quan trắc chuyển vị?
- Trước đây, vị trí đường dẫn vào cầu vượt là ao. Theo thiết kế, không phải đào lấy sình, mà chỉ đắp cát chất tải cho lún dần và dự trù chất tải nhiều đợt cho lún dần. Việc thi công cầu vượt đúng tiến độ, thiết kế. Hiện nay độ lún khoảng 20cm, chưa ái dám khẳng định tắt lún nhưng tốc độ lún đang rất chậm, ở giai đoạn cuối. Năm ngoái, khi bắt đầu lún nứt, đơn vị thiết kế tự quan trắc. Sau này, Sở GTCC TP.HCM yêu cầu trình đề cương quan trắc, chúng tôi đã làm. Sở yêu cầu bổ sung một số chi tiết, chúng tôi chưa hoàn tất nên bị phê bình.
- Khắc phục lún nứt thế nào, thưa ông?
- Việc bù lún, trám vết nứt, nâng lan can hiện nay để đảm bảo mỹ quan, không ảnh hưởng đến chất lượng cầu vượt cũng như nền đường. Chúng tôi chưa có phương án mới, chỉ bù lún để đảm bảo lưu thông chứ không nâng toàn bộ đường dẫn.
- Như vậy khi thiết kế đã chấp nhận cho lún và bù lún sau thông xe. Vậy độ lún hiện nay có nằm trong hay vượt ngoài dự đoán?
- Phần này thuộc bên thiết kế. Trong bản thiết kế có tốc độ lún dự trừ. Khi khảo sát chỉ dự trù, không ai dám khẳng định còn lún bao nhiêu và bao lâu. Do đó, cũng có chênh lệch tính toán và thực tế. Sắp tới, có thể nó lún thêm cũng không ảnh hưởng kết cấu công trình.
Ý kiến nhà chuyên môn
GS Nguyễn Văn Đạt, chuyên gia công trình bê tông cốt thép, Ủy viên BCH Hội Kết cấu xây dựng Việt Nam: Theo tôi, để xây dựng công trình tại nơi có biến động lớn về địa chất như quận Bình Thạnh cần khảo sát kỹ, phải thường xuyên quan trắc thường xuyên về độ lún của công trình. Khi thiết kế công trình, phải có thông số kỹ thuật giới hạn độ lún cho phép. Khi đưa vào sử dụng, công trình bị lún nứt quá giới hạn cho phép thì rất nguy hiểm. Khi đo độ lún cần chú ý lún có đều không vì kỹ thuật xây dựng không cho phép chênh lệch độ lún. Có hai loại vết nứt: nứt sơn hoặc nứt phần trang trí bên ngoài không ảnh hưởng; nếu bị nứt vào kết cấu mà phải chịu tải quá lớn sẽ rất nguy hiểm.
TS Vũ Xuân Hoà, giảng viên chính khoa Kỹ thuật xây dựng, ĐH Bách khoa TP.HCM: Chưa kể do chất lượng công trình, có hai nguyên nhân gây lún đường dẫn vào cầu vượt: lún lớp đất đắp, lún nền đất thiên nhiên bên dưới. Thông thường, đường dẫn vào cầu của các công trình cầu đường đắp dùng cát, đất sỏi đỏ làm lớp đất đắp. Chỉ cần đầm chặt lớp đất này sẽ ổn định độ lún. Với nền đất yếu (nền thiên nhiên), bão hoà nước, nếu nền đất này không qua công đoạn bấc thấm hoặc giếng cát để tăng nhanh tốc độ thoát nước thì không thể tránh khỏi lún kéo dài.
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM: ''Người dân quá ngao ngán''
Theo tôi, lún đường dẫn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh do khâu thăm dò địa chất không kỹ, không tốt, làm ẩu, tắc trách gây tốn công, tốn của khắc phục. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo kiên quyết, có giải pháp cơ bản khắc phục toàn tuyến. Kéo dài tình trạng này làm người dân quá ngao ngán, không tin tưởng''.
(Theo Thanh Niên)