221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
57159
Nông Sơn: Một tuần sau buổi chiều tang thương
1
Article
null
Nông Sơn: Một tuần sau buổi chiều tang thương
,
 

Đã gần một tuần lễ sau cái buổi chiều tang thương nơi đầu nguồn sông Thu Bồn, chúng tôi trở lại làng Nông Sơn. Bên cạnh nỗi đau vẫn còn đó, nhiều người ở Nông Sơn từ cụ già đến các em học sinh bắt đầu bàn tán về một chiếc cầu đã từng mơ ước. 

 

Ông Đặng Văn Hiệu, 74 tuổi, người đầu tiên đặt chân lên vùng mỏ, có đứa cháu nội duy nhất bị thiệt mạng trong lần này, tâm sự: “Tôi chỉ ước ao và nguyện cầu tại nơi 18 cháu nằm xuống, ngày mai sẽ có một cây cầu, dù nhỏ, để con em của làng Nông Sơn và các làng lân cận khác nơi đầu nguồn sông Thu này qua lại an toàn. Mùa mưa lũ lại sắp đến rồi...”. Lời nguyện cầu của ông cũng như bao người khác ở vùng quê khó nghèo này đã vang vọng từ bao năm... Còn bây giờ, dù nỗi tang thương vẫn còn bao trùm nơi ngôi làng nghèo này nhưng bà con đã hửng lên một niềm hi vọng: sẽ có một cây cầu mơ ước do những tấm lòng từ mọi miền Tổ quốc góp sức dựng xây.

Ông Đặng Văn Hiệu đưa tôi ra trước làng Nông Sơn, đưa tay chỉ về bến Cà Tang, kể lại: “Năm 1976, tui và một số anh em đặt chân lên vùng mỏ này và lập nên khu làng công nhân mới bây giờ. Ngày đó tui và một số anh em cán bộ chủ chốt của mỏ than Nông Sơn cũng đã đau đáu chờ mong một cây cầu. Đã có nhiều lời thỉnh cầu gửi đi: hãy cho làng Nông Sơn một cây cầu. Nhưng...”. Nhưng rồi ở bến Cà Tang, năm này qua năm khác, chiếc đò ngang vẫn cứ tròng trành lại qua...

Sau cái tang lớn của làng, nhiều dân làng nói: “Nếu không có được chiếc cầu, chắc rồi đây nhiều người cũng phải bỏ làng mà đi”.

Nhưng bây giờ thì đã khác rồi... Cả một tuần nay không ai bảo ai, từ người già đến lũ trẻ đều mong ngóng, đợi chờ cây cầu mơ ước thành hiện thực. Trưa 23/5, khi chúng tôi đến thăm và phúng điếu gia đình cháu Đặng An Sơn, đứng trước bàn thờ con, anh Đặng Tiến Sĩ đã nguyện cầu rằng: “Các anh báo Tuổi Trẻ và bạn đọc của báo đến thăm con đây. Ba mong rằng ở nơi ấy con ngủ yên và phù hộ độ trì cho Tuổi Trẻ xây dựng cây cầu. Con không thể đi được trên cây cầu ấy, nhưng bà con của làng mình sẽ đi. Thôi nhé con, nói lại với bạn bè của con dưới đó sẽ không còn cái cảnh tang thương xảy ra với bạn bè của con nữa đâu...”. Đứng bên bàn thờ nghe lời nguyện cầu của anh Sĩ mà lòng tôi xốn xang. Còn ông Lê Hữu Chuyên, Giám đốc Xí nghiệp khai thác than Nông Sơn, bảo rằng đến bây giờ ông và lãnh đạo của mỏ than mới thấm thía hết nỗi đau, đã gần một tuần nay không đêm nào ông ngủ yên. Ông tâm sự: “Hiện xí nghiệp cũng đang lập tờ trình đề xuất với Tổng công ty Than VN cùng hỗ trợ, đóng góp vào dự án xây cầu do báo Tuổi Trẻ đề xuất, nhưng chưa có trả lời...”. Và ông đoan chắc dù có khó khăn, khó nghèo đến mấy ông và anh em công nhân mỏ cũng sẽ góp sức cùng xây dựng cây cầu đã từng mơ ước. Cũng ngay buổi trưa hôm ấy ở làng Nông Sơn, tôi gặp nhiều em nhỏ cứ níu chân tôi hỏi: “Bao giờ xây cầu hả chú? Chắc mùa mưa lũ năm nay tụi con không còn phải nghỉ học”. Tôi đã nói với các em rằng rồi các em sẽ có cây cầu..., cây cầu ấy có cả sự đóng góp của các bạn cùng tuổi với các em ở nhiều nơi. Nghe vậy nhiều em đã nhảy cẫng lên reo hò sung sướng.

Ông Võ Văn Kinh, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, bảo rằng ông hết sức xúc động khi nhận được tin báo Tuổi Trẻ mở cuộc vận động trong bạn đọc xây dựng chiếc cầu cho làng Nông Sơn. Đây là tin vui vô cùng bất ngờ đối với ông cũng như các anh lãnh đạo của huyện. Ông bảo: “Đây là ước nguyện của chúng tôi, nhưng do điều kiện khó khăn của huyện chưa thể thực hiện được. Có cây cầu sẽ giải quyết bao nhiêu chuyện bức xúc, sinh hoạt, làm ăn, đi lại của khoảng trên 12.000 dân của các làng ở bên kia sông thuộc các xã Quế Trung, Quế Lâm, Quế Phước, Quế Ninh, nhất là các em học sinh không còn phải nghỉ học mỗi mùa lũ về. Đảng bộ và chính quyền địa phương huyện Quế Sơn sẽ làm hết sức mình cùng chung tay góp sức với Tuổi Trẻ để cây cầu nghĩa tình nơi ấy thành hiện thực...”.   

  • Hoài Nhân

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,