221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
85620
Bình Quới - Thanh Đa: Dân chống sạt lở, quận đòi giấy phép?
1
Article
null
Bình Quới - Thanh Đa: Dân chống sạt lở, quận đòi giấy phép?
,
Sân Tennis Lý Hoàng, do đóng cừ tràm và thả bao cát đã chặn đứng phần nào tốc độ sạt lở đất tại đây.

Tính đến sáng 24/7, khu vực biệt thự Lý Hoàng ở số 762B đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh tiếp tục bị sạt lở sâu vào 10m, khiến cho cả ngôi biệt thự này ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”: có thể đổ ụp xuống sông bất cứ lúc nào! Ngoài ra, còn có 126 hộ dân quanh khu vực này đang phập phồng từng giờ vì tai họa chực chờ…Người dân nóng ruột tự gia cố bờ để giữ nhà giữ đất nhưng chính quyền đòi phải có “thiết kế kỹ thuật”, “giấy phép”…

6 lần bị lập biên bản vì... chống sạt lở!

Từ ngày 29/6, ở phía cuối hẻm 762 đường Bình Quới (Xô Viết Nghệ Tĩnh cũ), phường 27, quận Bình Thạnh đã xảy ra nhiều vụ sạt lở dọc theo bờ sông Sài Gòn. Tính đến nay đã có hơn 2.000m2 đất nằm trong khu vực này bị dòng nước “nuốt chửng” cùng 4 căn nhà và nhiều tài sản của người dân. Trong đó, đáng kể nhất phải nói đến khuôn viên ngôi biệt thự Lý Hoàng. Sau nhiều lần bị sụp lún, sạt lở, ngôi biệt thự này đang chông chênh trên một hàm ếch. Anh Trần Thanh Đạm, quản lý ngôi biệt thự cho biết: Ban đêm không dám ngủ lại trong biệt thự vì sợ bị nhấn chìm xuống sông lúc nào không biết. Cả khuôn viên biệt thự bề thế, to đẹp là vậy, nay trở nên nham nhở bởi những vết nứt, vết sụp và lở lói. Tính đến ngày 24/7, “bà thủy” đã cuốn đi gần 1.000m2 đất của biệt thự này.

Để phần nào ngăn chặn tình trạng sạt lở kéo dài và ảnh hưởng đến những khu nhà dân xung quanh, ông Lý Phi Hậu - chủ nhân của biệt thự - đã cho người đóng cừ tràm và lấy cát cho vào bao chặn dọc theo đoạn bờ bị sạt lở. Trong khi chờ đợi một giải pháp căn cơ thì đây là biện pháp tạm thời có thể hy vọng chặn đứng được nạn sạt lở đang đe dọa hàng ngày hàng giờ ở khu vực biệt thự Lý Hoàng nói riêng và những khu dân cư ở hẻm 762 nói chung. Tuy nhiên, việc làm phòng hộ này của ông Hậu đã không được chính quyền địa phương chấp thuận. Ngay lần đầu tiên người nhà ông Hậu vừa đóng cừ tràm dọc mé bờ bị sạt lở thì nhân viên nhà đất phường 27, quận Bình Thạnh đã có mặt, lập biên bản và khuyến cáo “không được phép”. Tuy nhiên, không đành lòng đứng nhìn khối tài sản bị mất dần, ông tiếp tục cho người đóng cừ, đổ cát vào bao chặn đoạn bờ bị sạt lở. Bờ chưa được gia cố thì ông lại bị chính quyền phường đến lập biên bản. Ngày 1/7, ông lại tiếp tục cho người gia cố bờ sạt lở. Một lần nữa chính quyền địa phương lập biên bản buộc ông đình chỉ thi công và phải ký cam kết không tái phạm.

Ngày 10/7, ông Hậu làm đơn cứu xét khẩn cấp gửi lên Khu Quản lý đường sông (Sở GTCC) và Phòng Quản lý Đô thị quận Bình Thạnh xin phép được tạm thời chống sạt lở bằng cách đóng cừ tràm, đắp bao cát xung quanh các vị trí sạt lở. Mãi đến ngày 15/7, Khu Quản lý đường sông mới đồng ý cho phép ông Lý Phi Hậu tạm thời gia cố phần sạt lở. Được lời như cởi tấm lòng, ngày 23/7, ông Hậu chở cừ tràm về để thi công thì bị chính quyền phường 27 tiếp tục ngăn cản, đồng thời lực lượng công an phường thu giữ 98 cây cừ tràm…

Ai có thẩm quyền hơn?

Trả lời phóng viên báo SGGP chiều 24/7, bà Dương Thúy Mậu, Chủ tịch UBND phường 27 cho biết: “Sở dĩ chính quyền phường đã nhiều lần lập biên bản ngăn chặn ông Lý Phi Hậu (chủ nhân biệt thự Lý Hoàng) cũng như ông Trần Đởm (chủ nhà 762 E ) đóng cừ tràm, đắp bao cát chống sạt lở là “chấp hành ý kiến của cấp trên”. Sau khi nhận đơn xin cứu xét của ông Lý Phi Hậu về việc tạm thời chống sạt lở, ngày 16/7, UBND phường 27 đã có văn bản số 79/UB trình xin ý kiến của UBND quận Bình Thạnh. Sau khi xem xét, ngày 18/7, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Lê Mạnh Hà có công văn số 424/TB-VP chỉ đạo: “Chỉ được thi công chống sạt lở khi đảm bảo các điều kiện: có thiết kế kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; có giấy phép xây dựng…”. Theo bà Dương Thúy Mậu thì ông Hậu chưa hội đủ hai điều kiện này, vì vậy phường ngăn chặn không cho ông thi công chống sạt lở là hợp lý.

Những người dân ở khu vực này đã nói gì về cuộc sống của họ và ách tắc do thủ tục hành chính trong việc chống sạt lở? Anh Châu Long Nguyên, người dân sống lâu năm kế bên khu vực sạt lở của sân tennis Lý Hoàng, kể: “Đêm nằm mà lắng tai là nghe tiếng đất sụt lở. Sáng ra thấy phần đất còn lại quanh khu vực sân tennis Lý Hoàng lún xuống một khúc, ăn sâu vào 3-4m, nhiều đường nứt toác hoác kéo dài cả chục mét và chỉ chực chờ đổ ụp xuống sông. Tình trạng sạt lở diễn ra không chỉ hàng ngày mà hàng giờ như thế này thì chẳng mấy chốc cả khu biệt thự Lý Hoàng sẽ bị “bà thủy” nuốt chửng”. Còn anh Nguyễn Quang Khải, chủ nhà hàng Hoàng Ty nói vẻ bức xúc: “Mỗi tấc đất là tấc vàng mà cứ mỗi giờ đứng nhìn đất bị nước cuốn như vậy thì ai mà chẳng xót. Người dân tự cứu mình trước mà chính quyền cũng không cho là nghĩa làm sao? Để làm được các thủ tục như quận yêu cầu và chờ được cấp giấy phép thi công chống sạt lở thì phải mất cả năm trời. Đợi làm xong các thủ tục theo yêu cầu của ông Phó chủ tịch quận Bình Thạnh, chắc chắn cả khu vực này sẽ… chẳng còn gì để chống”.

Thắc mắc của người dân là chính đáng. Vì, chống sạt lở lúc này là biện pháp cấp bách - như cứu hỏa, cứu nạn – nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân đang bị đe dọa từng ngày, từng giờ. Đó là việc làm tự bảo vệ tài sản hợp pháp đang bị đe dọa, không phải là hành vi lấn chiếm thủy giới, nên không nhất thiết phải chờ đợi đầy đủ thủ tục. Hơn nữa, Khu Quản lý đường sông cho phép còn UBND quận Bình Thạnh thì ngăn cản, người dân không biết ai có thẩm quyền hơn?

(Theo SGGP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,