Sau một đêm thức dậy không hiểu sao tôm lại chết như thế này? |
Thay vì nuôi bằng nước biển hoà với nước ngọt, thì lại nuôi bằng nước... phá chỉ mặn lơ lớ, nên chỉ hơn 2 tháng thả nuôi, hơn 60% số tôm của 52ha hồ tôm ở hai xã Quảng Công, Quảng Điền và Hải Dương, Hương Trà (Thừa thiên - Huế) đã đồng loạt ... "ra đi" cùng hàng trăm triệu đồng tiền dân vay ngân hàng. Chuyện lạ là ngay khi tiếp nhận dự án, ông trưởng Ban quản lý (BQL) dự án đã tiên liệu: nếu nuôi như thế này không sớm thì muộn tôm cũng chết, nhưng... vẫn nuôi.
Để tiếp tục triển khai dự án, UBND tỉnh TT-Huế đã... "bắt" một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần phát triển nuôi trồng thuỷ sản TT-Huế tiếp nhận dự án, và ông Trần Đức Tuấn - nhân viên của công ty "bị" điều làm Trưởng BQL dự án này. Đầu tháng 5 vừa qua, tôm được đồng loạt thả nuôi ở 78 hồ, trong 8 hồ do BQL dự án nuôi và 70 hồ cho dân thuê để nuôi. Đến giữa tháng 7 này, tức là chưa đầy 2 tháng sau khi thả nuôi, tôm đồng loạt chết, số chưa kịp chết thì được người dân bán tháo cho các tư thương làm... đặc sản mắm tôm.
Tôm của Ban quản lý... chết trước
Xã Hải Dương, có lẽ đã "nhẵn mặt" với bạn đọc cả nước bởi nơi đây đến mùa lũ lụt là được... lên báo, lên tivi vì nạn xâm thực biển. Quảng Công thì khác, không được "nổi tiếng" về nạn xâm thực biển, nhưng lại "nổi tiếng" bởi sự nghèo khó, và cả sự đổi đời ngoạn mục của một bộ phận dân cư từ những ngày đầu TT-Huế mới tập tễnh nuôi tôm.
Ông Dương Văn Hiền, 40 tuổi, nông dân xã Quảng Công là một trong những điển hình của niềm mơ ước thoát nghèo và đổi đời bằng con tôm ở vùng đầm phá này. Ông đã rất hớn hở - nói theo cách của ông - là vui đến mất ăn, mất ngủ khi nghe tỉnh chuyển đổi 52ha đất nhiễm mặn, trong đó có phần đất của ông sang nuôi tôm. Suốt 2 năm trời chờ đợi, rồi cũng đến ngày tự tay ông được thả những con tôm giống xuống hồ tôm mà ông đã bỏ ra 7,6 triệu đồng để được làm chủ một cách đầy tự hào và sung sướng. Thế mà đến những ngày này, người ta lại thấy ông vừa tha thẩn vớt xác tôm chết, vừa mếu: "Tui đang lâng lâng sướng chờ ngày thu hoạch. Thậm chí tui còn liệt kê các khoản mua sắm sau khi bán tôm thì đùng một cái, buổi sáng mở mắt ra, tui không tin vô mắt mình khi tôm trong hồ đồng loạt chết nổi lình bình mà không hiểu nguyên nhân vì sao".
Điều lạ là khi ký hợp đồng thuê hồ nuôi tôm với BQL dự án giá 7,6 triệu đồng/ hồ, người dân ở hai xã này còn phải ký thêm một hợp đồng nữa gọi là tiền tư vấn kỹ thuật với giá 700.0000 đồng/hồ. Nhưng khi chết thì 8 hồ tôm của BQL dự án... chết trước, tôm của dân chết sau.
Ông Huỳnh Tâm - chủ hồ tôm số 35 - đầy bức xúc: "Tụi tui phải trả 700.000 đồng tiền tư vấn, nhưng có ai về tư vấn tư viếc gì đâu. Lâu lâu chỉ thấy có mấy ông cán bộ về đo nồng độ nước, nói năm điều ba chuyện gì đấy mà tui chẳng hiểu mô tê ngọn ngành chi, rồi đi biệt tăm. Ngay cả những ngày đầu tôm chết, cũng không có một ông tư vấn mô xuất hiện để giải thích với bà con là vì răng tôm chết".
Đến thời điểm này, 78 hồ tôm ở đây đã chết hơn 60%. Nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm. Bình quân mỗi hồ lỗ từ 10 - 15 triệu đồng. "Toàn là tiền vay ngân hàng cả, chừ biết lấy chi mà trả đây?" - ông Huỳnh Tâm hỏi.
Biết là thế nào cũng chết
Trụ sở của BQL dự án nuôi tôm công nghiệp Hải Dương - Quảng Công nằm chơ vơ giữa một cánh đồng tôm. Nói trụ sở cho oai, thật ra là một dãy nhà tạm cấp 4 tuềnh toàng. Nhìn tới nhìn lui, chỉ mỗi tấm bảng hiệu tạm gọi là hoành tráng. Mới 10h sáng mà công nhân đã... ngủ trưa vì tôm chết hết rồi, coi như thất nghiệp. Ông Trưởng ban Trần Đức Tuấn uể oải tiếp chuyện. Ông nói: "Ngày mới thả nuôi, tôi đã tiên liệu nuôi kiểu này thì thế nào tôm cũng chết. Là bởi, dự án này theo như thiết kế là phải dùng nước biển hoà với nước ngọt để nuôi, nhưng vì không thể lấy được nước biển vì đến nay, dự án xây dựng trạm bơm nước biển với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng vẫn chưa thẩm định xong thiết kế, nên chúng tôi buộc phải dùng nước phá Tam Giang nên không đảm bảo chất lượng. Chết là đương nhiên".
"Vì sao biết là chết mà vẫn nuôi?" - ông Tuấn thở dài: "Rứa mới thành chuyện. Ngày chúng tôi tiếp quản dự án thì 120 hộ dân ở hai xã này đã thất nghiệp vì giao hết đất sản xuất cho dự án đã tròn 2 năm. Có lẽ vì do sức ép về việc làm cho 120 hộ dân này nên tỉnh chỉ đạo chúng tôi phải đưa vào nuôi ngay trong vụ tôm năm 2003, thế là chúng tôi phải nuôi, mặc dù cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Theo tôi, đây là kiểu nuôi tôm để "chữa cháy", nhưng "chữa" như thế này thì càng "chữa" càng "cháy lớn".
"Vì sao cán bộ dự án đi tư vấn kỹ thuật cho dân, nhưng tôm của cán bộ lại chết trước tôm của dân?" - ông Tuấn lại trả lời: "Là vì nguyên nhân chết là như nhau, nhưng do tôm của chúng tôi thả trước nên chết trước". Ông nói thêm: "Thực ra nước phá Tam Giang không phải lúc nào cũng ô nhiễm. Nhưng do trạm bơm nước biển là trạm bơm chính không xây dựng được, nên chúng tôi phải sử dụng trạm bơm nước từ phá vào. Đây chỉ là trạm bơm phụ, công suất nhỏ, nên chạy 24/24 giờ vẫn không đủ nước cho 78 hồ tôm. Mặt khác, vì chạy suốt nên nước sạch cũng bơm, nước bẩn cũng bơm. Mới đây, chúng tôi đã cho xây bổ sung một trạm bơm khác, nhưng vì điện ở đây chập chờn, nên trạm bơm đã ngừng hoạt động từ hai ngày nay".
"Thế tại sao BQL dự án đã ký hợp đồng tư vấn 700.000đ/ hồ với dân nhưng lại không tư vấn?" - "Tại vì chúng tôi chỉ có 3 cán bộ tư vấn kỹ thuật, làm không xuể. Hơn nữa, những ngày tôm sắp chết, thấy dự án này có vẻ "xương" nên hai cán bộ kỹ thuật đã tự ý bỏ việc".
Không chỉ là chuyện nguồn nước
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Kế toán trưởng của Công ty cổ phần phát triển nuôi trồng thuỷ sản TT-Huế, đơn vị chủ quản mới của dự án này pha trò, sau gần một buổi sáng ngồi lặng lẽ: "Để giảm thiểu sự nóng bức và tạo sự mềm mại cho câu chuyện, tôi xin kể một câu chuyện vui, chuyện như sau: Vào lúc 17h ngày 28/6, tức cách đây một tháng, một cơn lốc đã đi qua khu nuôi tôm công nghiệp mà chúng tôi đang quản lý. Lốc đã làm tốc nguyên cả hai mái nhà làm việc của BQL dự án, trong đó có căn phòng mà anh và tôi đang ngồi. Điều khôi hài là sát nách chúng tôi, hàng chục chòi tre của các hộ dân làm để giữ hồ tôm lại... không mất một cọng tranh. Đó là chuyện thiệt, tui không bịa, có báo cáo, nhân chứng hẳn hoi. Nói vậy để biết là chúng tôi đang tiếp quản một tài sản chất lượng kém như thế nào".
Ông Sơn tiếp: "Tôi không hiểu các vị trước tư vấn thiết kế kiểu gì mà đáy hồ tôm lại... thấp hơn đường mương thoát nước, bây giờ muốn xử lý ao hồ thì chúng tôi chỉ có nước... thuê nhân công đến... tát. Chuyện "vui" vẫn chưa hết. Máy bơm nước phụ giờ đã thành chính của dự án bị hư hỏng liên tục. Dù là đang trong thời gian bảo hành, chúng tôi "gọi" khản cổ nhưng đơn vị xây dựng là Công ty TNHH Thiên An vẫn không sửa và không nêu lý do".
Cách đây 3 năm, khi về TT-Huế nghiên cứu về chim sâm cầm, ông Davy Pittsburg - TS môi trường đầm phá (Đại học Harvard - Mỹ) đã nói đại ý rằng: Muốn làm giàu từ con tôm, ngoài những điều kiện bắt buộc như cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nuôi, con giống..., người nuôi còn phải có "văn hoá" nuôi tôm.
Mà thôi hãy khoan nói đến chuyện văn hoá nuôi tôm, có được điều ấy còn lâu lắm. Hãy nói chuyện trước mắt, kiểu nuôi... "chữa cháy", nói cách khác là liều mạng như của BQL dự án nuôi tôm công nghiệp Hải Dương - Quảng Công thì cũng còn lâu mới có tiền trả nợ ngân hàng chứ nói gì đến chuyện làm giàu. Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là: Thiệt hại tiền tỷ thì đã có Nhà nước chịu, chỉ có dân là thiệt thòi.
(Theo Lao Động)