221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
91598
Thời hạn thi hành án dân sự không được quá 3 năm
1
Article
null
Thời hạn thi hành án dân sự không được quá 3 năm
,

(VietNamNet) - Đây là một nội dung mới trong Dự án Pháp lệnh thi hành án dân sự (sửa đổi) mà Bộ Tư pháp đã hoàn chỉnh và vừa trình Chính phủ. Hầu hết các quy định của Pháp lệnh đều được sửa đổi bổ sung về nội dung, trong đó bổ sung mới 25 điều.

Cưỡng chế nhà vi phạm
 
 

Để tạo nên môi trường pháp lý bình đẳng giữa những người được thi hành án, tránh gây nhầm lẫn trong cách áp dụng, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng về thời hiệu 3 năm giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án, Pháp lệnh sửa đổi quy định mới về thời hiệu thi hành án của cá nhân cũng như của cơ quan, tổ chức thống nhất là 3 năm.

Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung các căn cứ để hoãn thi hành án trong trường hợp doanh nghiệp phải thi hành án bị Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tài sản kê biên có tranh chấp...; phân biệt rõ căn cứ hoãn thi hành án với căn cứ tạm đình chỉ thi hành án; bổ sung trường hợp cơ quan, tổ chức phải thi hành án giải thể, không còn tài sản và theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ thi hành án không được chuyển giao cho người khác; doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà quyền và nghĩa vụ của họ đã được giải quyết theo thủ tục phá sản, làm căn cứ đình chỉ thi hành án.

Dự thảo Pháp lệnh quy định cơ quan ra quyết định giải thể hoặc chuẩn y việc giải thể có trách nhiệm thi hành nghĩa vụ thi hành án về tài sản của cơ quan, tổ chức là bên phải thi hành án bị giải thể. Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức là bên phải thi hành án, thì việc kê biên tài sản (trụ sở, phương tiện làm việc, tiền trả lương cho công chức, cán bộ...) có thể làm cho những đơn vị này ngừng hoạt động. Nhưng nếu không tổ chức thi hành thì sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, tạo ra tâm lý chây ì trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án nên Pháp lệnh quy định: Nếu các đơn vị này hoạt động bằng kinh phí từ ngân sách Nhà nước (hoặc Nhà nước xét thấy cần duy trì hoạt động), thì Ngân sách Nhà nước hỗ trợ về tài chính để các cơ quan, tổ chức thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Để tránh tình trạng tùy tiện trong việc ra quyết định cưỡng chế thi hành án, kéo dài quá trình thi hành án, Pháp lệnh đã đưa ra các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trong đó, biện pháp cưỡng chế trừ vào tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền hoặc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được áp dụng trước tiên nhằm bảo đảm việc thi hành án hiệu quả. Quy định mới về kê biên vật có thực, quyền tài sản theo hướng vừa nhằm bảo đảm thi hành án, giữ nghiêm pháp luật, vừa tạo điều kiện cho người phải thi hành án và gia đình làm ăn, sinh sống và thực hiện nghĩa vụ. Quy định về bán tài sản đã kê biên, xử lý tài sản đã kê biên không bán được, giải tỏa tài sản kê biên có sửa đổi một cách linh hoạt.

Các tài sản là bất động sản hoặc động sản có giá trị lớn được giao cho các tổ chức có thẩm quyền bán đấu giá thực hiện. Các tài sản dễ hư hỏng, khó bảo quản, thì cơ quan thi hành án tổ chức bán ngay mà không phải thông qua thủ tục bán đấu giá để đảm bảo được giá trị của tài sản cũng như quyền lợi của các bên đương sự, tránh việc thi hành án bị kéo dài.

Về cưỡng chế giao nhà, đất, ngoài việc quy định cưỡng chế đối với người phải thi hành án, Dự thảo Pháp lệnh còn đề cập đến những người khác có mặt trong nhà và quy định về cưỡng chế giao nhà cho người mua được nhà theo thủ tục bán đấu giá để có cơ sở pháp lý cho cơ quan thi hành án cưỡng chế, buộc người phải thi hành án và những người khác ra khỏi nhà cùng đồ đạc của họ.

Pháp lệnh cũng sửa đổi quy định về quyền tạm dừng việc thi hành án để xem xét giải quyết khiếu nại. Để xử lý kịp thời các hành vi sai phạm trong thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định, chấm dứt hành vi trái pháp luật của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp dưới. 

Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 đến nay được coi là không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, không theo kịp quá trình đổi mới của đất nước, đặc biệt là các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp. Trong khi Luật thi hành án chưa được ban hành, thì việc sửa đổi Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 là hết sức cần thiết và cấp bách.
  • Mỹ Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,