Một số đoạn sông Nhuệ nơi tiếp nhận lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp lớn của nội thành, nước sông đã bị ô nhiễm cực đại. Hàm lượng một số chất độc hại trong nước vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Nguồn nước trục chính thuộc lưu vực sông Đáy được đánh giá là ''ô nhiễm trầm trọng''.
Thực tế trên do Thứ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên nêu ra tại hội nghị bảo vệ môi trường tại 6 tỉnh, thành Hà Nội, Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình do Bộ Tài nguyên & môi trường tổ chức hôm qua (7/8).
Sông Nhuệ chảy qua nhiều tỉnh với chiều dài 74km, rộng trung bình 30-40m và có 6 nhánh lớn khác chảy ngang qua trục chính như Tô Lịch, Lương, Đồng Bồng, Cầu Ngà... Hai sông Nhuệ, Đáy cung cấp nước tưới cho nhiều khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Theo đại diện tỉnh Nam Định, cả mùa hè và mùa đông nuớc sông Đáy đều bị ô nhiễm chủ yếu là vi sinh và hữu cơ, đã xuất hiện dư lượng bảo vệ thực vật và dầu mỡ. Ông Khôi Nguyên cảnh báo, nếu không có biện pháp phòng ngừa, khắc phục kịp thời, tương lai nước lưu vực hai sông này không thể dùng sản xuất được.
Kết quả điều tra bệnh do nước sông Nhuệ của tỉnh Hà Nam cho thấy, 21% trẻ dưới 5 tuổi tại xã Hoàng Tây mắc tiêu chảy. Tỷ lệ mắc các bệnh khác cũng rất cao: 59% bệnh mắt, 53% nhiễm phụ khoa, 20% bệnh ngoài da... Chất lượng nước sông Nhuệ và hạ lưu sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng và có tính tích hợp, lan truyền.
Nước thải là nguyên nhân gây ô nhiễm chính
Lưu vực sông Đáy, Nhuệ bị ô nhiễm chủ yếu do không xử lý chất thải trước khi đổ ra sông; thiếu thống nhất và phân công trách nhiệm giữa cơ quan bảo vệ môi trường... Tại lưu vực hai sông, theo báo cáo, hiện có 700 nguồn thải công nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp làng nghề trong đó có chứa chất thải nguy hại và khó phân huỷ như kim loại nặng, dầu mỡ, dung môi hữu cơ. Ngoài ra, có chất thải của hàng trăm bệnh viện, thải sinh hoạt của 3 triệu dân.
Thông tin từ hội nghị, hàm lượng ô xy hóa, amoni đoạn sông Nhuệ qua Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép với loại B. Khi sông Tô Lịch và Kim Ngưu hợp lưu đổ vào sông Nhuệ lại phải nhận thêm một lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ nội thành Hà Nội làm đoạn sông này ô nhiễm quá tiêu chuẩn với nước loại B hàng chục lần. Sông Đáy cũng bị ô nhiễm nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Đóng cửa cơ sở gây ô nhiễm
Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, trước mắt, các tỉnh thành cần cưỡng chế, đóng cửa ngay các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Cơ quan hữu quan sẽ lên phương án xử lý ô nhiễm nước mùa nước cạn. Ngoài ra, cơ quan chức năng đang lập hội đồng bảo vệ môi trường hai sông, sẽ trình Thủ tướng đề án giải quyết ô nhiễm.
Bộ TN&MT đề nghị các tỉnh thành quản lý chặt nguồn thải từ cơ sở sản xuất, làng nghề... và không mở thêm các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm nặng dọc sông này. Ngay tại hội nghị, các đại biểu 6 tỉnh, thành đã ký cam kết với nội dung: cùng nhau tham gia thực hiện các phương án và đề án bảo vệ môi trường khả thi trên hai cong sông; huy động mọi nguồn lực của các địa phương để bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, xử lý nghiêm hơn...
(Theo Tiền Phong, Thanh Niên)