(VietNamNet) - Sân bay quốc tế Nội Bài chiều 24/3 đã đón thêm 46 lao động trở về trong tình trạng cháy túi và đã phải trải qua những ngày rất khổ cực trên đất bạn. Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất, 17 lao động vừa về nước đã đến ăn chực nằm chờ tại cửa công ty đã đưa họ đi - Công ty TM - XNK - DL Bình Phước (Bitocimex), TP.HCM.
Trong số 46 lao động về đến Sân bay Nội Bài có 21 lao động do công ty 3-2 Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đưa đi tháng 7/2003. Số còn lại thuộc công ty Youthexco Đà Nẵng đưa sang tháng 9/2003. Sang Malaysia, họ được bố trí công việc tại công ty Bennes Engineering và công ty MK với hợp đồng thực hiện trong 3 năm. Thời gian lao động thực sự của họ chỉ kéo dài được 7 tháng và từ đầu năm 2004 đến nay hoàn toàn không có việc làm. 46 lao động này nằm trong tổng số 52 người làm việc tại hai công ty MK và Bennes Engineering qua sự môi giới của công ty VAM Consultant.
Sau khi mất việc quá lâu, người lao động đã kêu cứu lên cơ quan đại diện quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia và doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam, đơn vị đã đưa họ sang làm việc nhưng không được cứu vãn. Người lao động đã cầu cứu tới phía môi giới và ngày 19/3 phía công ty VAM đã có văn bản “báo cáo” rằng công ty Bennes Engineering đã thông báo sa thải 52 công nhân Việt Nam và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 3 năm. Nguyên nhân sự việc được phía chủ sử dụng lao động thông báo là họ có nhiều khó khăn về tài chính. Sau nhiều buổi thương thuyết của VAM, công ty MK còn mới đồng ý trả lương cho lao động từ ngày 1/1 đến 18/1/2004 nhưng với điều kiện người lao động phải trở về Việt Nam trước ngày 24/3. Phía công ty Bennes Engineering đồng ý trả cho mỗi lao động 870 Ringit tiền mua vé máy bay. Ngoài ra hai công ty này không đồng ý trả thêm bất kỳ một khoản phí nào nữa cho lao động, kể cả bồi thường thiệt hại.
Thứ trưởng thường trực Bộ LĐTB &XH Nguyễn Lương Trào cho biết đến nay, thị trường lao động Malaysia chúng ta hiện có trên 72.000 lao động đang làm việc. Ngành nghề tập trung ở lao động trong nhà máy công xưởng và xây dựng. |
Người lao động mất phương hướng
“Vừa mừng vừa lo, mừng vì cuối cùng cũng đã về nước, nhưng gánh lo âu thì đang chất nặng lên từng ngày… Không có tiền trả ngân hàng, nhà cửa, ruộng vườn đã gán nợ hết, chúng tôi thật sự mất phương hướng…”, một trong 17 lao động vừa từ Malaysia về đến TP.HCM tâm sự với phóng viên VietNamNet.
Nét mặt đầy căng thẳng, anh Trần Hậu Phương (ngụ xã Thạch Quý, thị xã Hà Tĩnh) cho biết họ vừa kết thúc cuộc nói chuyện với đại diện Bitocimex. Lại một lần hòa giải bất thành! Chúng tôi khơi chuyện, họ nói nhanh, gấp, tranh nhau từng lời… có vẻ như ai cũng sợ người khác không diễn đạt đúng bản chất sự việc bằng mình.
Bản hợp đồng giữa NLĐ Việt Nam với chủ sử dụng lao động Malaysia yêu cầu 4 bên có trách nhiệm ký nhận là: chủ sử dụng LĐ, NLĐ, người làm chứng, xác nhận và chứng thực của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia. Thế nhưng, trong hợp đồng của những người vừa trở về, chỉ có phần của NLĐ là đầy đủ chữ ký và dấu điểm tay. Theo họ, tất cả LĐ đi vào đợt tháng 8/2003 đều rơi vào tình trạng này. “Ban đầu, chúng tôi thắc mắc thì Công ty Bitocimex bảo cứ yên tâm, từ từ rồi sẽ có người ký nhận đầy đủ. Nhưng mãi mà chẳng thấy gì cả…”.
Theo anh Hồ Văn Trương (ngụ Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh) thì DN đứng tên trong hợp đồng lao động ký với họ là công ty “ảo”. Chỉ một số người đứng ra giao dịch với phía Bitocimex, sau đó thì chia nhỏ 61 LĐ ra, “bán” cho các chủ sử dụng nhỏ khác. Họ kêu cứu khắp nơi nhưng đều không có kết quả. Ngay cả khi anh Trương bị tai nạn lao động, chấn thương mặt và gãy 4 xương sườn, mọi người túa đi khắp nơi tìm đại diện Bitocimex tại Malaysia cũng chỉ nhận được tiếng “tít…tít...” của điện thoại “ngoài vùng phủ sóng”.
Lao xao trước cổng Công ty Bitocimex không chỉ có những người vừa trở về. Anh Nguyễn Hồng
Sơn (Giao Thủy, Nam Định) và Nguyễn Hữu Thời (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết mấy tháng trước họ ở đây để chờ sang Malaysia, bây giờ thì họ chờ lấy tiền để về quê. Hai anh đăng ký đi lao động xây dựng và đã đóng tiền cách đây hơn 6 tháng. Công ty bảo chờ hoàn thành thủ tục, nhưng cách đây hai tuần thì thông báo “không đi được”. Năm lần bảy lượt tìm hết người này đến người khác trong công ty để thắc mắc, yêu cầu trả lại tiền… họ chỉ được yêu cầu “chờ”, nếu không, phải chịu tốn thêm một khoản nữa để Bitocimex chuyển hồ sơ sang công ty khác.
Được biết, cách đây khoảng một tuần, Bộ LĐ-TB-XH đã khuyến cáo các DN không đưa LĐ xây dựng sang Malaysia. Không hiểu, nếu anh Sơn và Thời đồng ý nộp thêm tiền để chuyển hồ sơ sang DN khác, thì DN đó sẽ đưa người đi như thế nào?
Ngổn ngang chuyện cơm áo gạo tiền
Mỗi người đều vét những đồng tiền cuối cùng để mua tờ báo viết về lao động ở Malaysia để làm kỷ niệm. |
“30 triệu đồng đối với nhiều người chẳng đáng là bao chứ với chúng tôi thì như cái búa tạ treo lơ lửng trên đầu, nó rơi lúc nào thì tiêu lúc đó. Có cái nhà và sào ruộng đã đem cầm cố hết, bây giờ trắng tay trở về, không biết làm gì mà sống và trả nợ đây…”. Người lo bị siết nhà, người sợ gặp chủ nợ, lại có người băn khoăn chuyện tình cảm vợ chồng bỗng chốc bị sứt mẻ vì gánh nặng nợ nần. Anh H. (Nam Đàn, Nghệ An) chua chát nói đùa: “Lúc đi thì mang theo gần như cả gia sản, lúc về thì trắng tay, lại mang cả bệnh ghẻ về. Bảo sao vợ con nó không chán. Mình còn chán mình nữa là…”.
Theo Công ty Bitocimex thì trước đây, đã thu của mỗi người 1.150USD, trừ chi phí các khoản vé máy bay, môi giới, visa, quần áo, chăn màn... và nộp tiền phạt khi LĐ bị bắt vì không có giấy tờ tùy thân lúc còn ở Malaysia, hiện chỉ còn dư của mỗi người khoảng 5 triệu đồng, công ty sẽ trả lại và hỗ trợ thêm cho 1 triệu đồng/LĐ. Trong khi đó, yêu cầu của NLĐ là muốn nhận lại toàn bộ số tiền đã đóng ban đầu vì họ không vi phạm hợp đồng. Cả tuần nay, nội dung những lần gặp gỡ giữa hai phía chỉ xoay quanh chuyện này và đều không tìm được tiếng nói chung.
Công ty Bitocimex tuyên bố, nếu mọi thương lượng, hòa giải đều không có kết quả thì sẽ chuyển
"Những ngày tháng khó quên... đây là cuốn nhật ký để đời của chúng tôi". |
tòa án giải quyết. Vì “đây là rủi ro trong làm ăn, công ty chỉ kiểm soát được một phần sự việc. Sự cố liên tục xảy ra khiến hai bên không có sự hợp tác, tin cậy... và cả hai phía đều mệt mỏi, căng thẳng”. Phía NLĐ cũng “chắc như đinh đóng cột”: chúng tôi chẳng còn gì để mất cả, gia tài vỏn vẹn giao cho công ty cả rồi, ra tòa chúng tôi sẽ theo tới cùng…
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, một số người đã hỏi thăm ở TP có dễ tìm việc làm không, làm gì cũng được, miễn là hợp pháp. “Bây giờ mà về quê thì biết ăn nói làm sao với mọi người…”. Ra đi, chấp nhận cái án nợ nần để mong thoát khỏi cảnh nghèo khó, những người này đâu dám nghĩ đến lúc họ lại rơi vào hoàn cảnh khốn cùng như vậy!
Từ đầu năm 2004, Bộ LĐTB&XH vừa cử đoàn công tác sang Malaysia khảo sát thực tế và thấy rằng lao động của ta hiện nay làm việc trong các nhà máy công xưởng vẫn hoàn toàn bình thường. Khúc mắc lớn nhất là khối lao động xây dựng. Có hai nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những khó khăn này là: Giá sắt thép tăng quá cao dẫn tới các chủ thầu xây dựng tạm dừng, hoặc thi công dè dặt trên toàn bộ các công trình. Thứ hai, Chính phủ Malaysia đã thay đổi chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản. Các công trình quy mô lớn, không có ý nghĩa sử dụng ngay sẽ không được đầu tư nữa. Hướng xây dựng chuyển về nông thôn, nhất là công trình nhỏ mang tính cấp bách. Tuy nhiên, mức đầu tư cũng có sút giảm. Đây là hai nguyên nhân dẫn tới việc hiện nay chúng ta đã có trên 600 lao động xây dựng có nguy cơ phải về nước. Khó khăn này được Bộ LĐTB&XH đưa ra hướng giải quyết mà trước mắt yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại lao động xây dựng của mình ở Malaysia. Đánh giá khả năng rủi ro để có phương án dự phòng. Nếu có thể thu xếp cho lao động chuyển chủ sử dụng thì xúc tiến làm ngay. Trường hợp lao động mất việc thì DN phải đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp cho họ, tạo điều kiện ăn ở, không để lao động bơ vơ trên đất bạn. Điểm chú ý đặc biệt là trước mắt tạm dừng không đưa lao động xây dựng sang làm việc ở Malaysia. |
-
Linh Trúc - Tương Dương