(VietNamNet)- 14 hộ dân nằm trong dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm (P.22, Q.Bình Thạnh,TP.HCM) nằm sát bờ sông sẽ phải cưỡng chế di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Các ban ngành chức năng của TP.HCM vẫn chưa tìm ra được phương án khả thi trong việc giải quyết những vướng mắc về công tác đền bù giải tỏa của 42 hộ dân trong dự án cầu Thủ Thiêm.
Trong cuộc tiếp xúc diễn ra sáng ngày 26/2 giữa ông Nguyễn Văn Đua- Phó chủ tịch UBND TP.HCM và các ban ngành liên quan với các 42 hộ dân đã không tìm được tiếng nói chung. Phía người dân cho rằng họ không lấn chiếm đất chuyên dụng mà chỉ khai khẩn đất hoang. Trong khi đó quan điểm của UBND TP, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q. Bình Thạnh thì ngược lại.
Nhiều người dân lớn tuổi nguyên là cán bộ trong quân đội từng đến tiếp quản vùng đất (nay thuộc P.22 Q. Bình Thạnh) khẳng định: giữa cư xá Cửu Long và Sở Hàng Hà có một khu đất trống bỏ hoang vốn là nơi tiếp nhận nguồn nước thải từ cư xá Cửu Long đổ ra. Những công nhân của Nhà máy Ba Son đã dùng bãi đất hoang ấy để tăng gia sản xuất. Sau đó, một số hộ dân đã đến đây khai hoang, lập nhà ở cho đến ngày nay.
14 hộ dân nằm sát sông thuộc dự án cầu Thủ Thiêm (P.22, Q. Bình Thạnh) đang đối diện với nguy cơ sạt lở. |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh khẳng định nguyên gốc đất là thuộc Sở Hàng Hà cũ. Năm 1984, khu vực này được giao cho các đơn vị thuộc Bộ GTVT làm đất sản xuất kinh doanh. Như vậy, những hộ dân đến đây ở coi như đã lấn chiếm đất chuyên dụng. Khẳng định này làm đại diện của 42 hộ dân vô cùng bức xúc.
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HÐND cho rằng, chính quyền thành phố cần giải quyết thật nhanh và rốt ráo những vướng mắc trên cơ sở pháp luật. Đồng thời phải xem xét đến yếu tố lịch sử một cách thấu đáo. Ông phát biểu: “Mỗi hộ dân chỉ nhận được 20- 30 triệu đồng để ra đi, không biết họ sẽ đi về đâu? Vấn đề thuộc về pháp lý cần phải xem xét lại nhưng trong trường hợp xấu nhất cũng nên hỗ trợ cho người dân”.
Ông Nguyễn Văn Đua đã đồng ý có những cuộc tiếp xúc với từng hộ dân cụ thể. Tuy nhiên, trước mắt, ông yêu cầu 14 hộ dân đang sống ở khu vực sát bờ sông phải di dời ngay để đảm bảo an toàn tính mạng vì nơi đây đang phải đối diện với nguy cơ sạt lở. Nếu các hộ dân trên không tự nguyện di dời, thành phố sẽ có quyết định cưỡng chế trong tuần này.
Được biết, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm đã khởi động gần 2 năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của 42 hộ dân vì những vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Vì thế, hiện nay, dự án đã tạm ngưng thi công. Theo thông tin từ chủ đầu tư của dự án này (Khu quản lý giao thông đô thị 1), mỗi tháng, công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm thiệt hại trên 1 tỉ đồng vì chậm tiến độ.
-
Trần Duy