(VietNamNet)- Sau nhiều lần trì hoãn, sáng 18/5, cơ quan chức năng quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã chính thức tiến hành cưỡng chế đối với 7 hộ dân trong khu vực xây dựng công trình cầu Thủ Thiêm, phường 22.
Đúng 8h, cơ quan chức năng đã triển khai lực lượng cưỡng chế tháo dỡ nhà của các hộ: Phạm Lễ Hằng, Nguyễn Tấn Lanh, Trần Thị Sáu, Mai Thế Dũng, Vũ Thị Hoàng Yến, Vũ Thị Phụng và Trần Văn Bé.
Cưỡng chế 7 hộ dân sáng ngày 18/5. |
>>>Cưỡng chế - cái giá của lấn chiếm?
>>>Dự án cầu Thủ Thiêm: Hỗ trợ thêm cho dân
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đã ký quyết định cưỡng chế và tống đạt quyết định đến 7 hộ dân nêu trên. Quyết định nêu rõ: Sau khi xem xét các hồ sơ về nhà, đất của các hộ, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án đã cùng với các cơ quan chức năng và các ban ngành đoàn thể mời các hộ dân để tiếp xúc vận động việc di dời bàn giao mặt bằng để thi công công trình và hiệp thương giải quyết bồi thường theo quy định vào các ngày 25/4, 4/5 nhưng các chủ hộ đã không đến dự.
Ngoài ra, UBND quận Bình Thạnh yêu cầu 7 hộ dân tự giác di dời người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, tháo dỡ cấu trúc công trình và bàn giao mặt bằng trống cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 18/5 để triển khai thi công trụ móng số 11 của dự án cầu Thủ Thiêm. Thế nhưng, 7 hộ dân đã không đồng ý tự di dời.
Ông Trương Xuân Được, Chủ tịch UBND phường 22 cho biết, việc tiến hành cưỡng chế là nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân. Thế nhưng, khi địa phương tống đạt quyết định cưỡng chế, 7 hộ dân nói trên đã không ký nhận.
Ông Được cho biết thêm, những đồ đạc, vật dụng sinh hoạt còn sót lại của các hộ dân sẽ được niêm yết và chuyển cho họ ngay sau khi hoàn tất công việc cưỡng chế.
- Trần Duy