(VietNamnet) - Trao đổi với Phóng viên VietNamNet, lãnh đạo từ cấp xã, huỵên đều nói rằng đã nhận thấy khuyết điểm của mình trong vụ lật đò làm 19 học sinh thiệt mạng. Nhưng đồng thời lại “phủi” trách nhiệm sang cha con ông lái đò.
“Nếu đình chỉ, dân biết lấy gì mà đi”
Để kịp thời phục vụ dân bản Chôm Lôm, chính quyền địa phương đầu tư 5 triệu đồng mua máy mới. Ảnh: N.B |
Ông Doãn Anh Thơ - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng lãnh đạo huyện đã làm hết những gì có thể trong vấn đề kiểm tra, ban hành chỉ thị đối với việc hoạt động của các bến đò, nhưng việc chấp hành hay không còn tuỳ thuộc vào chủ đò!?.
Đặc biệt, ngay sau khi đoàn liên ngành của thanh tra tỉnh Nghệ An đi kiểm tra các bến đò hoạt động và ban hành văn bản ngày
Riêng tại Chôm Lôm, huyện cũng đã từng đề cập đến mức độ an toàn của bến đò này, nhưng nếu tiến hành đình chỉ thì dân biết lấy gì mà đi. Đặc điểm của người dân các bản vùng cao, họ chèo đò bản thân đâu có cần đến chứng chỉ tay lái, chẳng qua là chèo đò theo kinh nghiệm sông nước, có khi lại giỏi hơn cả những người có chứng chỉ. Nên cái này (bến đò- PV) chúng tôi đã giao lại hoàn toàn cho xã quản lý, huyện có trách nhiệm đi kiểm tra, nhắc nhở thôi.
- Nghĩa là huyện chỉ “nói”, còn “làm” thì do xã? Như vậy các ông có thấy mình thiếu trách nhiệm?
- Tôi đã nói rồi, mọi việc đều do xã tự giải quyết. Hơn nữa, cái chính là các chủ lái đò do nhận thức còn hạn chế nên mới xảy ra cơ sự như vậy. Chúng tôi rất lấy làm tiếc!.
- Tiếc! nhưng không có nghĩa là huyện không có trách nhiệm trong đó?
- Tất nhiên, cái chính là huyện đã không có biện pháp xử lý mạnh, kiên quyết.
- Rồi đây, chủ lái đò sẽ bị pháp luật có biện pháp xử lý. Nhưng nếu CQĐT kết luận huyện cũng “có phần” sai phạm trong đó. Vậy các ông sẽ nhận hình thức kỷ luật nào?
- Cái này tôi cũng chưa thể nói được vì còn chờ kết luận của CQĐT. Nếu CQĐT kết luận huyện có lỗi thì chúng tôi sẽ sẵn sàng nhận trách nhiệm.
- Thưa ông, thực tế qua vụ lật đò Chôm Lôm cho thấy công tác quản lý của huyện đối với các bến đò còn buông lỏng. Huỵên đã có giải pháp nào để thay đổi tình trạng này?
- Đây là một bài toán khó, vì thực ra chúng tôi không thể suốt ngày “ăn trực nằm chờ” tại tất cả các bến đò để kiểm tra. Điều này tuỳ thuộc vào ý thức của chủ đò và người dân tham gia. Chúng tôi sẽ nhìn nhận lại về công tác tổ chức trên địa bàn huyện. Đúng là nhiều cái còn thiếu lắm. Sắp tới, huỵên sẽ rà soát lại thật kỹ 9 bến đò đang hoạt động và trang cấp toàn bộ phao cứu sinh, cho đi học lấy chứng chỉ tay lái, tất cả các thuyền đều phải có hợp đồng đảm bảo khi đò qua sông.
Ông Lê Ngọc Châu- Phó phòng hạ tầng kinh tế kỹ thuật huyện cho biết: Toàn huyện Con Cuông có 9 bến đò ngang bao gồm: Cam Lâm 2 bến, Chi Khê 2 bến, Bồng Khê 1 bến, Lạng Khê 3 bến và 1 bến đò mới tự phát là Phà Lài (xã Môn Sơn).
Hầu hết các xã đều nằm tả ngạn bên kia sông. Hiện nay mới chỉ có 8/26 người có chứng chỉ tay lái.
Hàng năm trước các mùa mưa bão huyện đều thành lập các liên ngành đi kiểm tra, giám sát, xử phạt nhưng như “muối bỏ biển”. Vắng kiểm tra, kiểm soát, các chủ đò lại chở quá trọng tải quy định, chưa kể là các thuyền bè không có phao cứu sinh, nếu có cũng chỉ là hình thức đối phó, khi xảy ra sự cố thì số lượng phao không đủ cho hành khách.
Nói chung nguy cơ đắm đò luôn tiềm ẩn, bởi ngay như chính bản thân các chủ đò mỗi chuyến sang ngang cũng không dám khẳng định cho sự an toàn. Vụ lật đò Chôm Lôm là một ví dụ điển hình. Rõ ràng, phao cứu sinh đã được dự án cấp miễn phí 6 chiếc, nhưng trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, chỉ xuất hiện 1 chiếc phao và may mắn cứu sống 5 học sinh.
“Chúng tôi biết ra thì đã quá muộn!”
Năm 2004, dự án Luxembourg đã tài trợ cho các xã của huyện Con Cuông có bến đò hoạt động 5 thuyền, công suất 12 mã lực, tổng trị giá trên 120 triệu, có thể chở từ 25-30 người. Ngoài ra, mỗi thuyền đều được trang bị 6 chiếc phao cứu sinh.
Riêng 3 bến đò đang hoạt động tại xã Lạng Khê đều được hưởng lợi từ dự án này gồm: Yên Hoà, Đồng Tiến, Chôm Lôm. Tuy nhiên, đối với bản Chôm Lôm, sau khi thuyền dự án đi hoạt động chỉ được vài tháng, do bến bãi không đáp ứng được, chạy tốn nhiều nhiên liệu nên thuyền này lập tức được dân bản và chính quyền cho “nằm chỏng chơ phơi nắng”, thay vào đó là chiếc thuyền 3 lá, và chính quyền xã nhân tiện tháo luôn máy của dự án lắp sang. Đồng thời hợp đồng với chủ đò Lô Quốc Phong.
Được biết, trước đây xã cũng đã từng tập huấn cho ông Lô Văn Biển nhưng sau một số hợp đồng vận chuyển khách, do sự đãi ngộ không hợp lý nên ông Biển đã chấm dứt hợp đồng. Từ đó, ông Lô Quốc Phong đảm nhận nhiệm vụ này.
Việc chọn ông Lô Quốc Phong làm chủ đò, theo ông Vi Đình Phòng- Chủ tịch UBND xã Lạng Khê là do dân bản tự bầu, cái này chính quyền không thể quyết định. Thế nhưng, người dân ở bản Chôm Lôm lập tức “đá” lại: “Trong tất cả các cuộc họp, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền thay chủ đò vì không đảm bảo an toàn khi qua sông nhưng không hiểu vì sao địa phương vẫn không chịu tiếp thu”.
Khi xảy ra vụ lật đò, Chủ tịch Phòng mặc dù đã nhận một phần trách nhiệm của UBND xã là do công tác quản lý hành chính còn thiếu, không kịp thời, khi biết ra sự việc thì đã quá muộn. Đồng thời ông Phòng luôn tiện “đá” trách nhiệm sang cha con chủ đò Lô Quốc Phong vẫn là do ý thức kém.
Theo chúng tôi, dù sao vết thương lòng trong mỗi người dân Chôm Lôm vẫn còn đó và sẽ mãi là một ký ức buồn. Nhưng nếu lúc này chính quyền địa phương cứ tìm cách “quy chụp”, đổ lổi cho chủ đò là điều khó có thể chấp nhận. Mà cần thẩn trọng nhìn lại vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan về vấn đề này. Đồng ý là chủ đò đã chấp hành không đúng nội quy, quy định đưa khách sang ngang. Nhưng điều này huyện, tỉnh cũng đã từng biết và cũng đã từng có văn bản, chỉ thị nhắc nhở.
Nếu chính quyền địa phương sở tại có biện pháp mạnh như kiên quyết nhắc nhở, nếu các chủ đò vẫn không tuân thủ đúng luật, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh như tịch thu phương tiện, đình chỉ hoạt động, và đồng thời cũng cần có giải pháp trước mắt giúp bà con dân bản đi lại thì sự việc đâu có đến nỗi nào.
Từ thực tế này cho thấy, nếu nói về trách nhiệm chung thì chính quyền xã, huyện là những người đầu tiên chịu trách nhiệm do khâu quản lý còn buông lỏng, thiếu dứt khoát. Và, nếu cứ tiếp diễn những biện pháp quản lý như thế này, e rằng, không chỉ riêng gì Chôm Lôm mà những cái chết tang thương vẫn sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Chiều 14/10, UBND tỉnh Nghệ An tiến hành họp nhằm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.
· Ngọc Bình