221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
872118
Bão số 9 chuyển hướng, đe dọa các tỉnh ĐBSCL
1
Article
null
Bão số 9 chuyển hướng, đe dọa các tỉnh ĐBSCL
,

(VietNamNet) - 4 tàu nhỏ dưới 20CV, 4 lồng nuôi cá mú tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) bị lật nhào tuy nhiên không có thiệt hại về người. Bão số 9 (Durian) sẽ di chuyển xuống ĐBSCL và tâm bão ở Vĩnh Long vào hôm nay (5/12). Bấm vào đây để xem dự báo mới nhất về bão số 9

Trong buổi họp giao ban trực tiếp qua cầu truyền hình Hà Nội - TP.HCM vào khoảng 20h00 ngày 4/12- báo cáo với Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Thứ trưởng  Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng cho biết  như trên.

 

Soạn: HA 975115 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đường đi của bão số 9. Tâm bão đang hướng về ĐBSCL - (Ảnh :TTDBKTTV TƯ)

 

Từ cửa biển La Gi, một trong những tuyến đầu đón bão của tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng cho biết, mực nước sông ở Phú Quý dâng lên rất cao gần tràn bờ. Khoảng 5560 tàu đã vào trú bão tại các cửa sông La Gi, Phú Hài, Phan Thiết, Phú Quý và 1836 chiếc đậu ở các cửa lạch khác. Ông Thắng cho biết thêm, tính đến 19h ngày 4/12, sức gió tại đây ở vào khoảng cấp 7, giật trên cấp 7. Lực lượng tại địa phương đã được tung ra hết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra. Tuy nhiên, ông Thắng yêu cầu tăng cường thêm lực lượng từ trung ương.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão- BCĐPCLB- TƯ) từ Khánh Hòa nói: "Tại Khánh Hòa, gió cấp 7 và có lúc giật trên cấp 10. Tâm bão đang đi chệch về phía Nam. Ở Khánh Hòa và Phú Yên chưa có báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra". Ông Thắng nói rằng vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống bão, kiên quyết không cho người dân rời khỏi nơi trú ẩn an toàn khi cơn bão chưa qua đi .

 

Họp giao ban về công tác phòng chống lụt bão trực tiếp qua cầu truyền hình TP.HCM- Hà Nội chiều 4/12.

 

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các địa phương  Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận... không được lơ là chủ quan mà phải thực hiện các biện pháp đã được đưa ra nhất là trong đêm 4/12 và rạng sáng 5/12. Đặc biệt phải quan tâm hơn nữa đối với người dân trong vùng nuôi trồng thủy hải sản.

 

Trong đất liền, bão có thể mạnh cấp 5, 6, 7  gây mất điện, nước lớn, lốc xoáy nên phải thật chú ý sơ tán dân ra khỏi khu nguy hiểm. Đồng thời bố trí các lực lượng chủ lực: bộ đội, công an, biên phòng và các lực lượng thanh niên tự vệ tổ chức canh phòng, bảo vệ tài sản của nhân dân thật chu đáo. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quân khu 5 tăng cường lực lượng cho huyện đảo Phú Quý.

 

Bão số 9 di chuyển xuống các tỉnh ĐBSCL

 

Phó Thủ tướng cho biết, theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn, bão số 9 sẽ di chuyển từ Khánh Hòa đến Cà Mau. Sau khi bão đi qua Nình Thuận, BìnhThuận bão sẽ thọc sâu xuống Cà Mau đi qua các tỉnh Miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sức gió trong đất liền ở vùng tâm bão có thể lên đến cấp 8, giật cấp 10.

 

Do từ Bà Rịa- Vũng Tàu có rất nhiều các cửa biển và hầu hết nhà dân ở ĐBSCL đều nằm trên kênh rạch, thiếu an toàn nên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các địa phương không được chủ quan.

 

Ngày 5/12, tâm bão có khả năng nằm ở Vĩnh Long

 

Từ Phân ban chỉ đạo phòng chống lụt bão miền Nam, đầu cầu truyền hình trực tiếp tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết đã gọi điện đến lãnh đạo 18 tỉnh Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ để chỉ đạo, đôn đốc công tác triển khai mọi mặt phòng chống bão.

 

Sáng ngày 4/12, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng làm trưởng đoàn đã đi xuống tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để cùng lãnh đạo tỉnh và BCHPCLB & TKCN tỉnh này kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với cơn bão số 9.

 

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết bão số 9 sẽ di chuyển qua miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

 

Theo nhận xét của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, nhìn chung các địa phương làm tốt công tác phòng chống bão. Tuy nhiên, một số địa phương thấy "mây êm gió lặng" nên chưa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

 

"Tôi đi dọc qua Bình Thuận vẫn thấy một số hộ dân ven biển còn đánh cá chưa chịu di dời vào gần bờ. Đến Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), chính quyền địa phương tiếp đón rất nồng nhiệt, báo cáo rất hấp dẫn nhưng tôi biết vẫn còn một con đò nhỏ chở khách qua sông như không có chuyện gì. Tàu thuyền xếp lớp gần nhau nếu bão đánh vào thì thiệt hại sẽ rất lớn" - Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nói.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo "nóng" qua điện thoại.

 

Phó Thủ tướng nhận định: Nếu cơn bão vào các tỉnh Nam bộ, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với cấp 7, cấp 8, khả năng sẽ gây thiệt hại lớn, nhất là về nhà cửa. Theo kế hoạch, ngày hôm nay 5/12, Phó Thủ tướng và các thành viên trong Ban chỉ đạo PCLB miền Nam sẽ tiếp tục đi kiểm tra huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và một số tỉnh khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão phải làm quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

 

Theo đại diện của Phân ban CĐPCLB miền Nam, bão số 9 lệch về hướng Nam và bão sẽ di chuyển về hướng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thế nhưng tại Kiên Giang vẫn chưa thấy báo cáo số lượng tàu thuyền ở đảo Phú Quốc và Thổ Chu.

 

Bão số 9 di chuyển với tốc độ từ 15 - 20km lệch về hướng Nam. Bão đã đi chệch dưới đường dự báo lúc 16h nên bão sẽ di chuyển từ Bình Thuận xuống Trà Vinh và các tỉnh khác ở ĐBSCL. Nhiều khả năng, tối mai (5/12), tâm bão nằm ngay Vĩnh Long.  

TP HCM liên tục thông báo bão khẩn cấp

Chiều 4/12, TP.HCM liên tục phát đi thông báo cảnh báo bão trên các phương tiện truyền thông đến người dân các quận 8, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi - những vùng dự kiến có thể nằm trên diện quét của bão số 9, đồng thời tổ chức đi từng nhà dân vận động chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi cao hơn để tránh ngập lụt do mưa bão kết hợp với triều cường.

Theo Ban phòng chống lụt bão huyện Cần Giờ, nơi có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nhất do triều cường kết hợp với bão, từ chiều ngày 03/12, địa phương đã chuẩn bị một số phương án đối phó với bão. Hơn 1.200 chiếc tàu thuyền đánh cá xa bờ ven bờ hoặc gần bờ đã được kêu gọi vào nơi trú bão. Các lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng đã ra quân tuần tra không cho tàu thuyền ra khơi hoặc di chuyển trên các cửa sông Soài Rạp, Lòng Tàu trên địa bàn huyện Cần Giờ. Hơn 2.000 dân cư ở xã đảo Thạnh An, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh đã được địa phương vận động di dời, tìm nơi trú tránh bão an toàn.

Trà Vinh: Toàn bộ 265 tàu tuyền đánh bắt cá về nơi trú ẩn

Chiều 4/12, Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh đã họp khẩn cấp để kiểm tra việc ứng phó với những diễn biến bất thường của Cơn bão số 9, có khả năng ảnh hưởng đến Tỉnh Trà Vinh.

Đến chiều tối 4/12, toàn bộ 265 tàu tuyền đánh bắt cá, trong đó có 27 tàu đánh bắt cá xa bờ của tỉnh đã về trú ẩn an tòan tại Bến cá Định An - Huyện Trà Cú. 1 chiếc đậu tại huyện Phú Quốc - Kiên Giang. Các huyện có bờ biển như Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú đã chỉ đạo công tác phòng, chống bão theo phương châm tại chỗ.

Do ảnh hưởng của bão, Tỉnh Trà Vinh sẽ có khả năng mưa to, gây ngập úng trên diện tích lúa đông xuân mới gieo sạ. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp theo dõi và trực ban 24/24h để kịp thời vận hành hệ thống cống xả lũ, chống ngập úng cục bộ trên diện tích sản xuất của bà con nông dân.

An Giang: Hướng dẫn ngư dân neo đậu bè cá trên sông, rạch an toàn

Với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng của nhân dân, Tỉnh An Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiên quyết di dời dân ở nơi xung yếu đến nơi an toàn, nếu cần có thể thực hiện biện pháp cưỡng chế; cố gắng hoàn thành việc di dời dân trước 10 giờ ngày 5/12; cho tất cả học sinh, sinh viên nghỉ học ngày 5/12 và tiếp tục cho nghỉ thêm vào ngày 6/12 nếu bão còn diễn biến phức tạp.

Các phương tiên giao thông thủy, chủ phương tiện đánh bắt cá trên đường thuỷ nội địa phải dừng hẳn hoạt động chậm nhất vào 12 giờ ngày 5/12. Sở y tế chuẩn bị đủ cơ số thuốc và chuẩn bị chu đáo các phương tiện cấp cứu, cứu thương; các bệnh viên tỉnh, huyện và các trạm y tế xã sẳn sàng ứng cứu khi có tai nạn xảy ra; Ngành điện kiểm tra an toàn lưới điện và có kế hoạch cắt điện để đảm bảo tính mạng người dân khi bão vào. Ngành nông nghiệp điều chỉnh lịch xuống giống lúa đông xuân 2006-2007để tránh bão, tổ chức thu hoạch lúa thu đông an toàn, tập trung lực lượng máy bơm để bơm tiêu úng. Ngành thủy sản hướng dẫn ngư dân biện pháp neo đậu bè cá trên sông, rạch an toàn; gia cố bờ bao các ao hầm nuôi thủy sản. Ngành công an quân sự giúp dân sơ tán, đảm bảo an ninh trật tự, phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn...

Các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo các xã, phường thực hiện công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, khẩn trương rà soát và tổ chức di dời dân từ nơi nguy hiểm đến nơi an tòan; củng cố các đội xung kích, lực lượng dân quân tại chỗ để tham gia tìm kiếm cứu nạn; trực ban 24/24 giờ sẵn sàng đối phó với bão số 9...

Tiền Giang: Di dời 4.000 hộ dân ở những khu vực nguy hiểm

Đến chiều 14/12, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cho đội tàu thuyền đánh cá vào neo đậu an toàn tại hai khu: Đèn Đỏ (Tân Thành, vàm Cửa Tiểu) và Vàm Láng thuộc địa phận huyện biển Gò Công Đông; kiên quyết không cho tàu thuyền ven bờ ra khơi, ngưng hoạt động các giàn đáy song cầu dọc theo tuyến ven biển.

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, huyện cũng đang chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực phòng hộ bảo vệ tuyến đê biển và các tuyến đê sông xung yếu. Đối với 2 xã cù lao ven biển là Phú Đông, Phú Tân, huyện ưu tiên di dời khoảng 4.000 hộ dân ở những khu vực nguy hiểm vào nơi tránh bão an toàn, kiên quyết không để thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai.

Tại thành phố Mỹ Tho, theo ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, hiện thành phố đang sẵn sàng đối phó với cơn bão số 9 trong đó trọng điểm là phường Tân Long vốn là một cù lao lớn giữa sông Tiền. Tại đây, bà con đã neo đậu tàu thuyền đánh cá tại các khu vực an toàn tránh sóng to gió lớn, kiểm tra các bè cá và phương tiện ứng cứu kịp thời khi có sự cố.

Còn tại huyện Cai Lậy (phía Tây), có một hệ thống cù lao trù mật nổi danh về vùng chuyên canh cây ăn trái lớn như: Ngũ Hiệp, Tân Phong và các xã ven sông Tiền, theo ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện, địa phương đã tăng cường lực lượng quân sự, công an cùng hỗ trợ các đội dân phòng tại chỗ tổ chức tuần tra hộ đê, bảo vệ cống đập 24/24 giờ, xây dựng phương án phòng chống và cứu hộ, cứu nạn một cách chặt chẽ.

Bình Phước: Lo ngại nhà cửa của dân không kiên cố chiếm tỷ lệ cao

Đến 18 giờ chiều 4/12, Ban chỉ huy phòng chống lụt bãn và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Bình Phước đã hoàn thành công tác triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão số 9. Hiện nay, hầu hết các huyện, thị trong tỉnh đã thực hiện triển khai hướng dẫn phòng chống bão cho nhân dân các khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra lũ lụt, sạt lở; tiến hành gia cố, chằng chống nhà cửa, công trình có nguy cơ tốc mái, gẫy đổ.

Tỉnh cũng triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho các công trình thủy lợi, hồ chứa nước. Các công trình đều đã chuẩn bị bao cát và tấm bạt ni lông phòng tránh mưa lớn kéo dài gây xói lở công trình. Các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời khoảng 370 hộ dân ở các khu vực thường xuyên bị ngập và xảy ra lũ quét ven sông Bé, hạ lưu hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Sork Phu Miêng; khu vực ven sông Đồng Nai như xã Đăng Hà, Thống Nhất (huyện Bù Đăng), khu vực Suối Đâm (huyện Phước Long), Suối Cần Lê (huyện Lộc Ninh- Bình Long)... Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão, trong khi kinh nghiệm phòng chống bão của người dân trong tỉnh còn thiếu, còn có tư tưởng chủ quan; nhà cửa của dân không kiên cố chiếm tỷ lệ cao.

Bạc Liêu: Hơn 800 phương tiện tàu đánh cá vào bờ tránh bão

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Bạc Liêu cho biết: Đến 18h30 chiều 4/12, tòan bộ 24 tàu đánh cá của tỉnh Bạc Liêu còn ''chần chừ'' chưa chịu vào bờ tránh bão đã chấp hành lệnh gọi vào bờ và đang trú bão tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Như vậy, hơn 800 phương tiện tàu đánh cá của tỉnh Bạc Liêu đã vào hẳn trong bờ tránh bão và được bố trí ở những nơi an tòan để tránh bão. Tòan bộ các cửa sông ra vào biển đều được ''khóa chặt'' không để phương tiện nào ra khơi khi chưa có lệnh.

Cho đến 19h30 tối 4/12, trên toàn địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa có hiện tượng của bão, nắng vẫn gay gắt. Tuy nhiên không chủ quan trước diễn biến bất thường của bão số 9, tỉnh đã tiến hành di dời dân ở các xã ven biển vào sâu trong đất liền để tránh bão. Trong đó tại khu vực Cái Cùng thuộc huyện Hòa Bình đã di dời 120 hộ dân với 430 nhân khẩu; tại thị trấn Gành Hào đã di dời 60 hộ dân với 378 nhân khẩu đang sinh sống ở ven biển vào sâu trong đất liền để trú bão.

Tất cả những hộ dân di dời đều được bố trí chổ ở chu đáo, bảo đảm việc cung cấp lương thực, thuốc uống cho mọi người. Các công vịệc phòng, chống Cơn bão số 9 tại Bạc Liêu đã được tổ chức chu đáo. 

Tin cập nhật mới nhất về bão số 9

Hồi 4 giờ sáng nay (5/12), vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ vĩ bắc, 107,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre khoảng 50km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật trên cấp 11.

Lúc 4 giờ sáng 5/12, tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã đo được gió mạnh cấp 5, giật cấp 7, tại Hàm Tân (Bình Thuận) đo được gió mạnh cấp 5, giật cấp 9. Các tỉnh từ ven biển Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa đo được trong 3 giờ qua (từ 2 giờ đến 4 giờ) như sau: Quảng Ngãi 47mm; Phan Thiết (Bình Thuận) 20mm; Hàm Tân (Bình Thuận) 84mm; Phú Quý (Bình Thuận) 29mm...

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 30km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 150 km. Bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Khoảng sáng 5/12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau. Đến 4 giờ ngày 6/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,5 độ vĩ bắc; 103,8 độ kinh đông, trên vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào vùng vịnh Thái Lan. Đến 4 giờ ngày 7/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,3 độ vĩ bắc; 100,5 độ kinh đông (phía tây vịnh Thái Lan).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11, sóng biển cao từ 7 đến 9 mét. Biển động dữ dội. Các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Từ sáng 5/12, các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, cần đề phòng gió mạnh lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Từ sáng sớm ngày 6/12, vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 mét và sóng biển cao từ 5 - 7 mét.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

  • Bài, ảnh: Trần Duy - TTXVN
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,