(VietNamNet) - Bắt nguồn từ đàn lợn ở Hải Dương, đến nay, bệnh đã lây lan ra tới Hưng Yên, Bắc Ninh và có thể khắp miền Bắc.
Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhiều hộ dân ở Hải Dương đang bán tháo lợn bệnh cho lái buôn, với giá chỉ 2.000 đồng/kg.
Chở lợn vào nội thành tiêu thụ
(Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của Công an Hải Dương, đầu tuần trước, toàn tỉnh có khoảng 11.290 con lợn bệnh. Trong đó, hơn 3.000 con đã được bán tháo đi khắp nơi.
Tại Sóc Sơn (Hà Nội), cơ quan chức năng vừa phát hiện 132 con lợn bệnh chở từ Hải Dương lên.
Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư đã xuống tận Hải Dương trực tiếp lấy mẫu, cùng với các chuyên gia nước ngoài, tiến hành xét nghiệm. Các mẫu đều cho kết quả dương tính với bệnh - nghi ngờ liên quan đến rối loạn sinh sản hô hấp ở lợn.
Cục Thú y nhận xét, rối loạn sinh sản hô hấp ở lợn không phải là bệnh lạ ở lợn mà là do bệnh chưa từng xuất hiện ở một số địa phương. Mạng lưới thú y cơ sở yếu lại không phát hiện ra bệnh. Rất có thể, căn bệnh này ở Việt Nam liên quan đến dịch bệnh đã từng xảy ra ở một số tỉnh phía nam Trung Quốc năm trước. Dịch đã xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, giá cả của mặt hàng này.
Tại Việt Nam, theo cảnh báo của ông Quang Anh cảnh báo, nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh có thể lây lan tận Phú Yên và lên Sơn La. Đàn lợn ở các tỉnh ĐBSCL cũng khó tránh được dịch bệnh nếu công tác kiểm dịch tiếp tục lỏng lẻo như hiện nay.
Các chuyên gia của Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư đang có mặt tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hoá... để triển khai lấy mẫu xét nghiệm.
Ăn thịt lợn bệnh, không lây?
"Dịch bệnh sẽ như cơn bão lướt qua các tỉnh có chăn nuôi lợn. Nó sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định bệnh sẽ lây truyền đến người nếu ăn phải thịt lợn bệnh. Tất nhiên, người dân cũng không nên ăn loại thịt đã nhiễm bệnh này", ông Quang Anh khuyến cáo.
Ngày 12/4 tới, Cục Thú y sẽ họp bàn với các nhà quản lý, chuyên gia chăn nuôi để tìm chính xác nguyên nhân dịch bệnh.
Cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi không nên hoang mang. Khi phát hiện có bệnh, cần báo cho cán bộ thú y cơ sở. Lợn bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng, nâng cao sức đề kháng bằng glucose, nước khoáng, nước điện giải... Một biện pháp hiệu quả khác là tiêm phòng vắc-xin cho đàn lợn.
Ở Việt Nam, hội chứng rối loạn sinh sản ở lợn (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome), được phát hiện năm 1997 trên đàn lợn nhập từ Mỹ (10/51 con có huyết thanh dương tính). Các nghiên cứu về bệnh trên những trại lợn giống tại các tỉnh phía Nam cho thấy, tỷ lệ lợn có huyết thanh dương tính với bệnh rất khác nhau, từ 1,3% tới 68,29%. Ở các nước khác, tỷ lệ đàn trong vùng bệnh có huyết thanh dương tính rất cao, như ở Anh là 60-75%, Mỹ là 36%.
Virus gây bệnh có thể phát tán thông qua vận chuyển lợn mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số loài chim hoang.
-
Hà Yên