(VietNamNet) - Trong khi TP.HCM và một số địa phương đang "sôi sục’’ với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) thì tại Hà Nội, tờ giấy này chưa được liệt vào chuyện "thời sự"của người dân.
Trong câu chuyện ’’thời sự’’ của người dân Hà Nội vẫn chưa ’’nóng’’ bởi... sổ hồng! (Ảnh: Diễm Hà)
Hà Nội chưa cấp "sổ hồng" nào!
Sau 9 tháng kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực, đến nay Sở Tài nguyên - Môi trường & Nhà đất (TNMT&NĐ) Hà Nội mới chỉ cơ bản soạn thảo xong Dự thảo Quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) để xin ý kiến các ngành chức năng.
Thế nên, ở Hà Nội chưa cấp bất kỳ "sổ hồng" nào theo Luật Nhà ở hay Nghị định 95/CP cho người dân.
Thông tin từ Sở TNMT&NĐ Hà Nội: đến nay, toàn TP đã cấp "sổ hồng" cho gần 200.000 trường hợp có nhà ở tư nhân tại khu vực đô thị theo Nghị định 60/CP, đạt 73%.
Theo đó, số lượng hồ sơ cần phải cấp "sổ hồng" cho các đối tượng này ở Hà Nội chỉ còn khoảng 32.000 trường hợp (chiếm 27%).
Cũng theo Sở TNMT&NĐ, TP.Hà Nội chưa từng cấp "sổ hồng" tại khu vực nông thôn. Thực tế, phần lớn nhà ở nông thôn hiện nay đều không có giấy phép xây dựng, không có hồ sơ về nhà ở nên khi xét cấp ’’sổ hồng’’ sẽ mất nhiều thời gian và công sức đo vẽ, lập hồ sơ, làm thủ tục...
Theo tìm hiểu, thực tế, tại các vùng nông thôn, nhu cầu của người dân chủ yếu là để ở chứ không phải để chuyển nhượng, thế chấp... nên số lượng cần cấp "sổ hồng" cũng không nhiều.
Chờ... Luật Bất động sản?!
Ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, cấp "sổ hồng" (GCN quyền sử dụng đất ở) theo Luật Nhà ở, cùng với cấp "sổ đỏ" (GCN quyền sử dụng đất ở) vừa gây khó khăn cho người dân trong việc sử dụng nhà đất, vừa gây tốn kém cho cơ quan Nhà nước.
Theo đó, sẽ phải hình thành 2 loại giấy tờ do 2 cơ quan chuyên môn thụ lý hồ sơ cấp cho người sử dụng, hai loại GCN này đều yêu cầu chủ sử dụng phải kê khai, đăng ký. Sự lãng phí thể hiện ở các trường hợp đã được cấp GCN rồi nhưng sẽ phải làm lại theo mẫu mới sau khi đăng ký chuyển nhượng, chuyển dịch tài sản.
Tiếp đó, việc cấp 2 GCN: cho đất và tài sản trên đất cũng gây lúng túng, phiền hà cho người sử dụng khi tham gia thị trường bất động sản.
Ông Đôn cũng phân tích những rắc rối pháp lý phát sinh trong thế chấp, cầm cố tài sản với ngân hàng bởi cùng một thửa đất nhưng có thể Giấy chủ quyền nhà do một người nắm, GCN quyền sử dụng đất lại nằm trong tay một người khác.
Ông Lê Quý Đôn cũng thẳng thắn nêu nhận định, so với quy trình về cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở quy định tại Nghị định 60/CP thì quy định mới là một bước thụt lùi về cải cách thủ tục hành chính, lại giảm thuận lợi cho người sử dụng cũng như cơ quan quản lý.
Thực tế, không chỉ Hà Nội mà ở các địa phương, việc cấp GCN nhà hay đất đều phải có hồ sơ địa chính. Bởi hồ sơ địa chính là tư liệu gốc trong quản lý đất đai, Sở TN-MT sẽ nắm giữ các hồ sơ này trong khi trách nhiệm cấp Giấy chủ quyền nhà lại là Sở Xây dựng. Như vậy, khả năng xảy ra sai sót, nhầm lẫn là khó tránh khỏi.
Những ’’rắc rối’’ này được nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ đưa ra ’’lời giải’’. Sắp tới Luật Đăng ký bất động sản sẽ giải quyết được những vấn đề phát sinh trong việc cấp một hay hai loại GCN cho nhà, đất (trên cùng một thửa đất) bằng việc điều chỉnh toàn bộ việc đăng ký và cấp GCN đối với đất, tài sản trên đất.
-
Kiều Minh