(VietNamNet) - Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm và kiểm tra Quần đảo Trường Sa, Thiếu tướng, Phó Chính ủy, Chuẩn đô đốc Hải quân Trần Thanh Huyền đã trả lời phỏng vấn VietNamNet về chiến lược phát triển kinh tế gắn với quốc phòng vùng Quần đảo.
- Xin ông cho biết mục đích, kết quả chuyến thăm quần đảo Trường Sa năm nay.
- Thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng, đoàn công tác Tổng cục Chính trị cùng với các đại biểu thuộc trung ương, địa phương, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân đi thăm và kiểm tra Quần đảo Trường Sa. Đây là nội dung hằng năm Bộ Quốc phòng vẫn tổ chức, tuy nhiên năm nay, số lượng của đoàn đông hơn và đi thăm cả đảo nổi, đảo chìm của Quần đảo Trường Sa và các nhà dàn thềm lục địa phía Nam tổ quốc.
Thiếu tướng, Phó Chính ủy, Chuẩn đô đốc Hải quân Trần Thanh Huyền.
Đoàn đã kiểm tra toàn diện các mặt công tác trên quần đảo Trường Sa gồm công tác Đảng, quân sự, hậu cần kỹ thuật.
Các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương ra nghiên cứu về biển, sau khi có nghị quyết trung ương 4 khoá X về chiến lược biển Việt Nam đến 2020. Các cơ quan đi nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng để thực hiện chiến lược gắn kinh tế với Quốc phòng, trong đó hải quân là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân miền Trung và miền Nam đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Việc tuyên truyền chủ quyền, các hoạt động trên biển, đảo cũng rất quan trọng. Các phóng viên chứng kiến, tiếp xúc để tuyên truyền về chiến đấu, xây dựng đảo, giúp dân… Thực tế cho thấy ngư dân đánh cá vùng quần đảo nhận được nhiều sự giúp đỡ của hải quân: Thuốc men, nước ngọt, cấp cứu… Báo chí làm sao phản ánh được nội dung này để bà con yên tâm đi biển.
Chuyến công tác cũng đưa tình cảm hậu phương đến với Trường Sa và nhà dàn DK1. Các đoàn đại diện ra thăm hỏi bộ đội trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi biên cương hải đảo khó khăn để các chiến sĩ thấy luôn có hậu phương phía sau. Trong chuyến công tác này, các đoàn đại biểu đã đóng góp được nhiều phần quà thiết thực cho bộ đội: Nghe nhìn, cây xanh, tăng gia chăn nuôi… Những tình cảm này đã thực sự động viên bộ đội.
Cả nước đóng góp được gần 300 thùng quà và hơn 1 tỷ đồng cho bộ đội Trường Sa. Đất nước cũng còn khó khăn nhưng đã đóng góp được cho bộ đội Trường Sa nhiều như vậy, chúng tôi giáo dục bộ đội rằng cả nước vì bộ đội Trường Sa như vậy thì bộ đội Trường Sa cũng phải vì cả nước.
- Năm nào các đoàn cũng đi thăm và kiểm tra Trường Sa, năm nay có nội dung gì khác những năm trước hay không thưa ông?
Thiếu tướng Trần Thanh Huyền
- Các chuyến đi thăm được tổ chức hằng năm cho quân đội, Trung ương và địa phương, nhưng đợt này có nội dung khác. Trung ương 4 vừa có nghị quyết về chiến lược biển đến 2020. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta mà trước đây ta chưa có. Làm sao chúng ta phải đưa nghị quyết vào cuộc sống.
đã "phi thân" từ xuồng sang
nhà dàn DK1 để thăm các chiến
sĩ hải quân khi thời tiết xấu.
Đợt này đi, ngoài công tác kiểm tra quân sự, sẵn sàng chiến đấu, công tác Đảng, hậu cần, kỹ thuật… các cơ quan nghiên cứu để tham mưu cho Bộ Quốc phòng, cho Đảng và Nhà nước để đưa nghị quyết trung ương 4 khoá X về chiến lược biển đến 2020 vào cuộc sống.
- Theo ông làm sao để kết hợp thực sự hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng như chiến lược biển đến 2020 đã chỉ ra?
- Biển đảo của ta có vị trí hết sức quan trọng. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa phía Nam có vị trí tiền tiêu, tạo thành vòng cung án ngữ bảo vệ tổ quốc ở phía Đông. Trong lịch sử trong 14 cuộc chiến tranh với nước ngoài thì có đến 10 cuộc xâm lược bằng đường biển.
Đất nước ổn định phát triển kinh tế thì trước hết chúng ta phải có sức mạnh về quốc phòng, cho nên chúng ta phải tăng cường sức mạnh phòng thủ của đất nước từ hướng biến. Muốn vậy cần phối hợp một các toàn diện, ví dụ Bộ Giao thông , thủy sản, GD ĐT, Bưu chính viễn thông nghiên cứu… để làm sao phối kết hợp tạo thành sức mạnh tổng hợp, làm sao kết hợp quốc phòng với kinh tế.
Có quốc phòng an ninh tốt, ngư dân mới ra đánh bắt hải sản. Ngược lại, kinh tế phát triển tốt thì mới phát triển được kinh tế toàn đất nước. Trong quá trình này, kinh tế và quốc phòng kết hợp chặt chẽ. Quốc phòng trên biển mạnh sẽ là chỗ dựa cho bà con ngư dân, các lực lượng ra làm ăn trên biển.
Trong 2 cuộc kháng chiến thì chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân trên đất liền đã rõ nhưng trên biển thế nào cần phải nghiên cứu. Đảng và Nhà nước đang giao cho các cơ quan ban ngành nghiên cứu, chắc chắn trong tương lại các cơ quan sẽ tham mưu cho Đảng và Nhà nước làm sao chúng ta mạnh trên biển.
Ngoài ra, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để đông đảo người dân hiểu được biển, nhất là thế hệ trẻ để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ và phát triển vùng biển đảo. Thế hệ trẻ hiện nay chưa phải ai cũng hiểu được chủ quyền đất nước, giá trị cha ông chúng ta tạo ra. Hình thức giáo dục cũng cần đổi mới và trước mắt là ngư dân làm ăn trên biển và các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ này cần nghiên cứu kỹ để phát huy hiệu quả tuyên truyền biển đảo.
- Theo ông, công tác tuyên truyền trên báo chí trên thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?
- Trước khi có nghị quyết trung ương 4 khóa X về chiến lược biển đến 2020, được sự đồng ý của Ban tư tưởng, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với 29 tỉnh thành với các ban tuyên giáo để mở đợt tuyên truyền về biển đảo. Đợt Tết vừa qua Quân chủng cũng đưa các phóng viên đi khắp các vùng biển với số lượng gần 100 phóng viên…
Khu dịch vụ nghề cá ở Đảo Đá Tây, mô hình kinh tế biển đang được nhân rộng.
Các cơ quan thông tấn báo chí vừa qua rất tích cực trong tuyên truyền về biển đảo, lực lượng hải quân, ngư dân trên biển… Song song vậy, báo chí đã đưa ra các chứng cứ về chủ quyền biển đảo để đông đảo nhân dân hiểu được những công sức thế hệ cha ông đã đổ bao công sức, xương máu để giữ chủ quyền, thế hệ này và tương lại phải làm thế nào để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 |
Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. |
-
Phạm Tuấn (thực hiện)