(VietNamNet) - "Tôi gọi ông là một nhân cách lớn, một người thông minh hiếm có và trên hết, là một người suốt đời hết mình phụng sự vì nhân dân", nhà thơ Hoài Vũ.
Nhà thơ Hoài Vũ nguyên là Tổng biên tập tờ Văn Nghệ Giải phóng trước và sau khi thống nhất đất nước. Ông cũng là người trực tiếp làm việc dưới sự chỉ đạo của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Kỉ niệm về người anh lớn, người lãnh đạo Trần Bạch Đằng lúc nào cũng đầy ắp trong ông.
Nhà thơ Hoài Vũ: Cho nên vì thế khi nghe tin ông mất, tôi hụt hẫng lắm. Với tôi, ông luôn như một chàng thành niên tráng kiện, ngày nào cũng xuất hiện trên báo, tả xung hữu đột. Một con người mà khi đọc vào anh sẽ chẳng thể tin được rằng người ấy tuổi đã quá bát tuần.
Nhà thơ Hoài Vũ |
- Nhưng chẳng ai thoát được chân lý sinh, lão, bệnh, tử, thưa ông
Nhà thơ Hoài Vũ: Đồng ý là như thế nhưng ý tôi muốn nhấn mạnh, con người của Trần Bạch Đằng không có tuổi. Đến giờ phút cuối cùng, dòng máu cách mạng ấy vẫn chưa bao giờ vơi trong ông. Ông từng nói "Còn sống một ngày là còn nợ nhân dân" và tôi tin rằng cả cuộc đời mình ông đi theo tiếng gọi ấy.
- Là một người từng làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Trần Bạch Đằng, ông có đánh giá gì về người anh lớn và đồng thời là người lãnh đạo của mình?
Nhà thơ Hoài Vũ: Tôi làm lính cho anh Trần Bạch Đằng từ thời anh còn làm thường trực Ban tuyên huấn Trung ương Cục. Ngay từ lúc đó tôi đã hiểu rằng, đây là một nhà lãnh đạo rất có tài và có tâm.
Trần Bạch Đằng là một nhà quản lý có kinh nghiệm. Hơn thế, anh cũng là một người sáng tác, từ văn, thơ đến kịch bản sân khấu, viết lý luận phê bình...
Những tác phẩm trước và sau giải phóng của Trần Bạch Đằng đều toát lên tấm lòng thương dân, thương nước và chan chứa tình người. Anh luôn chọn những đề tài gần gũi, nhỏ bé chứ không to lớn, vĩ mô. Nhưng khi đọc vào sẽ thấy những vấn đề anh đưa ra hết sức thiết thực và quan trọng.
Anh Trần Bạch Đằng rất hiểu biết và có một quá trình gắn bó mật thiết với cuộc sống xung quanh. Anh ấy nhìn xa, trông rộng, dám nghĩ và dám dũng cảm đương đầu. Phải nhìn nhận một cách công bằng, trên rất nhiều mặt trận, Trần Bạch Đằng là người luôn xung kích và chưa bao giờ tháo lui.
Trong suốt cuộc kháng chiến ở miền Nam, Trần Bạch Đằng luôn kiên quyết ở lại cho dù lúc ấy tình hình có đang cực kỳ khó khăn và gian khổ. Những phán đoán và tầm nhìn của anh đến bây giờ đánh giá lại vẫn thấy hoàn toàn đúng.
Trần Bạch Đằng cầm bút và viết. Anh ấy viết nhiều lắm nhưng chưa bao giờ mất lửa. Bởi ngọn lửa ấy được hun đúc từ cuộc sống của nhân dân. |
- Ông có thể nói rõ hơn?
Nhà thơ Hoài Vũ: Thời kháng chiến chống Mỹ, những quan điểm về lãnh đạo đô thị hoàn toàn không đơn giản. Có rất nhiều ý kiến xoay về chủ đề đô thị Sài Gòn, đấu tranh theo kiểu nào, ra sao, căn cơ hay sôi nổi và lúc ấy anh Trần Bạch Đằng đứng về phía quan điểm sôi nổi có nghĩa là tập hợp mọi lực lượng quần chúng nhân dân từ anh thợ cho đến sinh viên học sinh, trí thức.
Vào thời điểm đó tôi đã từng thấy anh Tư Ánh (bí danh của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng) ngồi hàng tiếng đồng hồ hút thuốc và suy nghĩ. Anh rất băn khoăn và hiểu rằng phải luôn cân nhắc thật kỹ trong mỗi quan điểm của mình. Giờ nhìn nhận lại thì rõ ràng quan điểm ấy không hề sai.
Thời Sài Gòn mới giải phóng, anh Trần Bạch Đằng chủ trương cho tờ Văn nghệ Giải phóng trở thành nơi đoàn kết văn nghệ sỹ và dưới sự chỉ đạo của anh, mặt trận văn nghệ được tập hợp dưới nhiều thành phần. Thành lập hội mỹ thuật Giải phóng, Hội Điện ảnh Giải phóng... với thành phần là những văn nghệ sỹ cũ - mới và những người nghệ sỹ ở chế độ cũ đến giờ vẫn không quên được tấm lòng của anh Tư. Đoàn kết dân tộc không là chuyện bây giờ mới làm mà là từ xưa rồi. Đúng như lời anh Ba Duẩn nói "Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc".
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trong lần bàn tròn trực tuyến cùng báo VietNamNet về đề tài "Đảng viên làm kinh tế" |
- Và Trần Bạch Đằng luôn là một người xung kích cho tư tưởng ấy, bằng ngòi bút của mình?
Nhà thơ Hoài Vũ: Đúng. 60 năm cầm bút là 60 năm anh ấy xung kích cho sự thật. Trần Bạch Đằng luôn đứng về phía số đông cho dù sự quyết định vào ngay thời điểm ấy của anh có thể sẽ bị gây khó khăn. Nhưng anh ấy chưa bao giờ bỏ cuộc.
Trần Bạch Đằng cầm bút và viết. Anh ấy viết nhiều lắm nhưng chưa bao giờ mất lửa. Bởi ngọn lửa ấy được hun đúc từ cuộc sống của nhân dân.
Trần Bạch Đằng là người luôn ủng hộ cái mới, hết lòng phụng sự và tin tưởng ở nhân dân. Anh luôn lên án và phê phán cái xấu. Với tôi đến giờ dường như chưa có một ai viết mà bài viết có độ cao và độ sâu như anh.
Chỉ tiếc rằng trong thời kỳ mà chúng ta đang mạnh mẽ lên án những thói hư tật xấu, tham nhũng, cửa quyền thì Trần Bạch Đằng lại ra đi. Với tôi, đây sẽ là một tổn thất lớn.
Tôi gọi ông là một nhân cách lớn, một người thông minh hiếm có và trên hết, là một người suốt đời hết mình phụng sự vì nhân dân.
-
Cung Tuy (thực hiện)