221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
922600
Chủ trại lợn trước nguy cơ trắng tay
1
Article
null
Chủ trại lợn trước nguy cơ trắng tay
,

(VietNamNet) - "Năm Đinh Hợi là năm con lợn vàng nên tôi và mấy hộ xung quanh đều quyết định đầu tư vốn để tăng cơ cấu đàn. Tưởng rằng năm nay sẽ thắng lớn nhờ bán lợn, ai ngờ căn bệnh quái ác đã "cướp trắng" đàn lợn của chúng tôi”, một chủ trại lợn than vãn.

duongvaotrailonbiPRRS.jpgĐươ
Đường vào trại lợn.
Đến thôn Hiệp lực, Huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương- một trong những thôn đầu tiên bùng phát dịch tại Hải Dương, anh Huy, một chủ trại lợn không giấu nổi ánh mắt lo âu và xót xa khi tiếp đón chúng tôi. 

Anh Huy cho biết, gia đình anh đã nuôi lợn từ hơn 3 năm nay nhưng chưa bao giờ gặp phải đợt dịch nào "kinh hoàng" như thế. Bắt đầu từ hôm 10/03/2007, anh phát hiện đàn lợn tự nhiên kém ăn, mỗi ngày lại thừa ra vài bao cám. Sau đó, lợn bắt đầu bỏ ăn, xuất hiện triệu chứng ho, khó thở và thở thể bụng. 

canbothuymolaymaulonben.jpg
Cán bộ thú y lấy mẫu lợn bệnh.
Ngay sau khi lợn phát bệnh, anh Huy đã hội ý với chuyên viên tư vấn kỹ thuật và thử dùng những loại kháng sinh đắt tiền như Spiramicine, Lincomycine... nhưng đều không có tác dụng. Sau 7 ngày, anh đã phải chôn huỷ hơn 20 con lợn chết, những con nái trong đàn có dấu hiệu mệt mỏi, nôn mửa hàng loạt, 7/20 con nái đang có chửa đều bị sảy thai. 

Theo như anh Huy, bệnh dịch mới nhanh chóng lây lan với tốc độ chóng mặt và gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Những người chăn nuôi xung quanh trại của anh H. đều đã phải tiêu hủy hoặc bán tháo lợn bệnh nếu không muốn bị "trắng tay". Để phòng ngừa và tiêu độc, cán bộ thú y xã đã cho rải vôi trắng khắp những con đường dẫn vào nhà các hộ chăn nuôi. Chuồng và trại lợn cũng được phun tiêu độc và rắc vôi. 

lonbenhlanrachethangloat.jpg
Lợn bệnh lăn ra chết.
Quan sát chuồng lợn nhà anh Huy và những hộ liền kề, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những đàn lợn bệnh ngắc ngoải nằm co cụm bên nhau một góc chuồng, những con nái uể oải cạnh đàn con khát sữa.

"Năm Đinh Hợi là năm con lợn vàng nên tôi và mấy hộ xung quanh đều quyết định đầu tư vốn để tăng cơ cấu đàn. Tưởng rằng năm nay sẽ thắng lớn nhờ bán lợn, ai ngờ căn bệnh quái ác đã "cướp trắng" đàn lợn của chúng tôi. Phải chăng năm lợn vàng là ám chỉ lợn sẽ chết hàng loạt, những con còn lại chắc chắn sẽ...đắt như vàng" anh Huy tâm sự. 

lonbitimtaidomacPRRS.jpg
Những con còn sống cũng tím tái vì nhiễm bệnh.
Rời  nhà anh Huy, chúng tôi đến trại của anh Thảo, thôn Trạch Lộ - xã Hà Kỳ- Huyện Tứ kỳ. Năm 1997, anh Thảo đã mạnh dạn rời bỏ tiệm vàng ở phố Phùng Hưng- Hà Nội, bán 4 miếng đất ở Hà Nội để mua 5000m2 lập trang trai, đào ao, thả cá. 

Là một người chăn nuôi có kinh nghiệm, anh Thảo thường xuyên tham gia các buổi hội thảo khoa học về kỹ thuật nuôi lợn và các bệnh của lợn do các hãng thuốc và thức ăn gia súc tổ chức. Đến nay, anh đã gây được hơn 70 lợn nái, 3 đực giống, 700 lợn con, 300 lợn thịt. 

Triệu chứng xuất hiện ở đàn lợn nhà anh Thảo cũng tương tự như nhà anh H: lợn ho, khó thở, chảy nước mắt, nước mũi, sốt từ 390- 410, phân táo như phân dê. Mặc dù đã tích cực điều trị bằng Oxytetraxyline, Pen-Kana, Pen-Step (những loại kháng sinh tốt của hãng Rhole-Merial-Pháp), nhưng sau 20 ngày, đàn lợn của anh vẫn chết gần 500 lợn con, đa phần lợn dưới 10kg mắc bệnh này đều chết hàng loạt. 

xeotodenbatlon.jpg
Một số chủ trại lợn vẫn tranh thủ tiêu thụ lợn chưa chết do nhiễm dịch.
Anh Thảo phân trần: "Biết rằng bán chạy lợn thì bệnh dịch chắc chắn sẽ nhanh chóng lan sang các vùng khác, nhưng vì bệnh này chưa có trong danh mục bắt buộc phòng chống nên chúng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Nếu chôn huỷ, người chăn nuôi chúng tôi đâu được hỗ trợ đồng nào?". Trước đây, trại anh Thảo đã có lần bị dịch tả lợn (là một bệnh bắt buộc tiêm phòng cho lợn) nhưng theo anh so với bệnh này thì chưa... thấm vào đâu! 

Trại lợn ông Điều ở thôn Bùi Xá-Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có hơn 1000 con lợn, 95 con nái, 4 đực giống, chỉ trong vòng 1 tuần bị dịch đã chết gần 100 con, có ngày chết tới 20 con, trong đó 3 lợn nái và 1 đực giống đã chết.

Trước căn bệnh dịch nguy hiểm, vợ chồng ông Điều vừa phải lo chữa trị, vừa phải chôn huỷ lợn lại vừa phải lo gọi người đến bắt mà không biết chủ mua có đến hay không. Khi chúng tôi đến, ông Điều khá lúng túng vì không muốn chúng tôi biết ông đang bán chạy đàn lợn choai (30kg/con) cho 1 xe bắt lợn tận Hải Phòng.

Hiện nay dịch PRRS ở lợn chính thức xuất hiện trên 10 tỉnh, thành phố phía Bắc (Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Sơn La, Thanh Hoá, Thái Bình, Lào Cai, Hà Tây). 

Sở dĩ dịch bệnh lây lan nhanh chóng là do công tác kiểm dịch động vật, vận chuyển gia súc còn nhiều bất cập. Lợn bệnh được bán chạy tự do, thậm chí có cơ quan quản lý vẫn cấp giấy kinh doanh cho lợn bệnh bán từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Ngày 12/04/2007 Cục Thú y đã tổ chức hội thảo chuyên đề về bệnh PRRS để thống nhất biện pháp ngăn chặn và khống chế dịch bệnh nhằm bảo vệ ngành chăn  nuôi lợn. Được biết, sắp tới bệnh dịch chắc chắn sẽ được Cục Thú y đưa vào danh sách những bệnh tiêm phòng bắt buộc.

Hiện nay, trên thị trường đã có bán vắc xin tiêm phòng PRRS của Tây Ban Nha (35.000đ/1liều cho lợn).

 
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
  • Lan Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,