(VietNamNet) - Một tiểu thương Hà Nội tiết lộ, thịt lợn bệnh chưa nấu chín có lớp tụ máu dưới da, khó mà phát hiện loại hàng này nếu chế biến thành các món ăn sẵn như quay, xiên nướng…
>>Gần 30.000 con lợn mắc bệnh nguy hiểm
>> Đổ xô bán tháo lợn bệnh
>> Lợn mắc bệnh PRRS đã xuất hiện trên 4 tỉnh, thành
Thịt lợn về chợ Hà Nội
Hà Nội không sợ thịt lợn bệnh?
Dù giáp Hưng Yên, tỉnh đang bùng phát mạnh dịch tai xanh (hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản) ở lợn, cũng là địa phương được cho là có nhiều lợn bệnh "bán tháo", Hà Nội vẫn "yên bình".
Ông Đoàn Phong - Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú Y Hà Nội khẳng định, dù Thủ đô vẫn phải nhập lợn thịt từ Hà Tây, Hưng Yên và các tỉnh lân cận, nhưng đến thời điểm này, chưa có thông tin nào cho thấy ở Hà Nội có thịt lợn bệnh.
Tại nhiều chợ Hà Nội, cả các chợ bán nhiều thịt lợn quê như Thanh Xuân, Phùng Khoang, Cầu Giấy, các tiểu thương kinh doanh thịt lợn cho biết: lượng thịt và lượng người mua thịt lợn vẫn ổn định, giá thịt lợn cũng không giảm, một phần do kiểm dịch gắt gao tại các chợ, phần khác do đa phần người dân không biết đang có dịch bệnh ở lợn.
Chị Lan, bán thịt lợn ở chợ Thanh Xuân cho biết: "Trong chợ này dứt khoát không có lợn bệnh. Thịt lợn bệnh chỉ có thể bán ở các quầy nhỏ lẻ, hoặc chế biến thành các món ăn sẵn như lợn quay, thịt xiên… Thịt chín rồi nên khó mà thấy máu tụ dưới da. Chỉ khi ăn mới thấy rất hôi và bở".
Hải Dương: "Lưu hành nội bộ" lợn bệnh?
Chợ huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương giữa trưa, thịt lợn hết veo, cứ như người dân ở đây chưa từng biết đang có dịch tai xanh ở lợn.
Khi được hỏi về ảnh hưởng của dịch với mặt hàng này, chị Mai, chủ một quầy thịt trong chợ cho biết: "Lợn thịt vẫn tăng 2 giá, chỉ có thịt lợn nái và lợn con (thường để quay cả con) là giảm (chứng bệnh này chủ yếu xảy ra ở lợn nái và lợn con)".
Bác Hoa, một người dân Tứ Kỳ, cho biết: "Chúng tôi biết là có dịch, nhưng mình cứ ăn chín nấu sôi. Chứ không ăn thịt lợn thì biết ăn thức gì khác? Nên vẫn mua ăn hàng ngày".
Cả bác Hoa và chị Mai đều không tin trong chợ huyện Tứ Kỳ có thịt lợn bệnh, bởi: "Thịt lợn để được vào chợ bán phải qua kiểm dịch. Những lô không đủ tiêu chuẩn sau khi kiểm dịch đều được mang đi nơi khác bán. Thường thì lợn bệnh được bán ngay tại địa phương (nơi nuôi); đó cũng là quy định của "cấp trên".
Để tìm hiểu "quy định" kỳ lạ này, PV VietNamNet gặp ông Đồng Văn Chức - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương. Ông Chức cho biết: "Cho đến nay chưa có phát hiện nào về việc người bị ảnh hưởng sức khỏe do ăn phải thịt lợn bệnh tai xanh. Với loại lợn bệnh nặng, chúng tôi mới yêu cầu chôn, còn lại thì có thể luộc chín, cho phép lưu hành nội bộ (?)".
Được biết trong đợt dịch vừa rồi, tổng số lợn bệnh của 4 huyện Bình Giang, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang và Trung tâm truyền giống gia súc tỉnh Hải Dương là 11.269 con (trong đó có cả lợn nái và lợn thịt). Lượng chữa khỏi là 7.658 con, "bán chạy" và chết là 3.611 con. Vì hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn chưa có trong danh mục các bệnh dịch phải tuyên bố, nên tỉnh Hải Dương cũng không có các chốt kiểm dịch ở các huyện. Các trang trại nuôi lợn chịu thiệt hại nhiều nhất, ở Tứ Kỳ, Hải Dương có trang trại của ông Dương mất tới gần 500 con lợn (trang trại của ông có 57 con lợn nái và hơn 400 lợn nhỡ, bây giờ chỉ còn 12 con lợn nái). Ông Dương cho biết nhà ông cũng bán tháo lợn để mong “gỡ gạc” lại một ít vốn, dù không ăn thua.
"Đây chỉ là số liệu mà cán bộ địa phương thống kê được, số lợn bệnh nhân dân bán lén lút cho lái buôn thì chính quyền không kiểm soát được" - ông Chức thừa nhận.
Trên các tuyến đường liên xã, thỉnh thoảng vẫn thấy những xe máy vội vã chở lợn từ nơi này sang nơi khác; đôi chỗ, còn có cả ôtô tải dừng lại để "bốc" lợn.
Mấy ngày qua, tình hình dịch bệnh ở Hải Dương "êm" trở lại, một phần vì dịch đã tràn qua và quét hết số lợn, phần khác bởi người dân cũng bắt đầu ý thức về bệnh dịch và giữ lợn lại để chữa, chứ không bán tống bán tháo như trước nữa.
-
Ngọc Oanh - Mai Hương