(
>> Đà Nẵng: Vớt được thi thể thứ 8 vụ lật thuyền
Lực lượng cứu hộ đưa xác nạn nhân vào bờ trưa 29/4 Ảnh: HC
Chiều 30/4, Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng cho biết: Sau khi xảy ra vụ chìm thuyền làm làm 8 người chết trên vùng biển Làng Vân (quận Liên Chiểu), Công an Đà Nẵng đang tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn tới tai nạn nghiêm trọng này. Hiện vụ việc đã được Công an quận Liên Chiểu chuyển cho Phòng Cảnh sát điều tra hình sự (PC14 - Công an Đà Nẵng) thụ lý.
Theo xác định bước đầu của Công an quận Liên Chiểu, sáng 29/4, gia đình ông Trần Minh Hoàng cùng 9 gia đình khác (tổng cộng 22 người) thuê thuyền của ông Trương Ngự (với giá 200.000 đồng cho hai lượt đi/về) ra trang trại của cha ông Hoàng là ông Trần Công Chức ở Làng Vân tham quan, vui chơi trong dịp lễ. Sau đó, ông Chức mướn thêm ông Lê Văn Lý phụ lái thuyền. Trên đường ra Làng Vân thì thuyền bị chìm ở khu vực bãi Hẳm.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đang tiếp tục xem xét, củng cố hồ sơ và chưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng liên quan. Ông Trương Ngự và ông Lê Văn Lý (cùng trú tại khu vực Nam Ô 3, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đang được giao cho chính quyền địa phương quản thúc tại nhà, chờ quyết định của cơ quan chức năng.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, ông Dương Thành Thị cho biết: UBND quận đang xúc tiến thủ tục cần thiết để tiến hành khen thưởng các cá nhân, đơn vị tham gia công tác ứng cứu nạn nhân khi thuyền bị lật, giúp 16 người được cứu sống kịp thời. Đặc biệt, trong số các cá nhân tham gia ứng cứu có hai anh em Nguyễn Văn Trung (40 tuổi), Nguyễn Văn Hoạch (26 tuổi), trú phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu và ông Trần Mến, trú phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu đã cứu được 14 người bị nạn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Trong khi đó, tin từ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: 16 người thoát chết trong vụ chìm thuyền được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện này hôm 29/4 đã hồi phục sức khoẻ và đến sáng 30/4 đều đã xuất viện. Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho biết thêm: Đến thời điểm này, thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm thuyền sáng 29/4 là anh Đoàn Thanh Hùng (sinh năm 1969, Trưởng phòng kỹ thuật Điện lực Đà Nẵng) đã được đưa vào bờ và bàn giao cho người nhà mang về an táng.
Trước đó, xác anh Hùng được lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm thấy ngay trong chiều 29/4 bên dưới chiếc thuyền bị chìm. Tuy nhiên, do sóng to gió lớn, bắt buộc các nhân viên cứu nạn phải neo giữ thi thể của anh dưới nước, chờ biển lặng mới có thể đưa vào bờ.
Nếu người lớn đừng chủ quan thì cái chết thương tâm đã không xảy ra với em bé này! Ảnh: HC
Cùng thiệt mạng với anh Hùng trong vụ chìm thuyền còn có vợ là Mai Thị Thu Hương (sinh năm 1974) và đứa con trai Đoàn Thế Minh mới 3 tuổi. Theo lời anh Mai Văn Nhớ, anh ruột chị Mai Thị Thu Hương, sáng 29/4, vợ chồng chị Hương chở con trai đi họp lớp cùng với bạn bè rồi rủ nhau đi du lịch dã ngoại. Ai ngờ đấy lại là chuyến đi định mệnh…
Trong ngày hôm nay, các gia đình có người thân vừa bị thiệt mạng trong vụ lật thuyền đều đã phát tang. Ngoài cái tang quá lớn tại nhà anh Đoàn Thanh Hùng thì đám tang tại nhà ông Lê Xuân Thuỷ (1969, trú phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng gây nhiều xúc động cho người dân chung quanh, bởi ông và đứa con trai mới học lớp 2 đều thiệt mạng.
Thương xót những người không may gặp nạn nhưng cũng không khỏi có nhiều ý kiến trách móc. Bởi nếu không kể trẻ em thì hầu hết số người lớn tham gia chuyến dã ngoại tại Làng Vân vừa qua đều có trình độ văn hoá khá cao, có người còn có vị trí xã hội tương đối, và hầu như đều đang sinh sống ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, nơi dồi dào các nguồn thông tin báo chí vẫn thường xuyên cảnh báo về những tai nạn thuyền bè.
Vậy mà họ lại chủ quan đưa gia đình lên một chiếc thuyền không đảm bảo về an toàn giao thông đường thuỷ, không có số hiệu đăng ký, không trang bị phao cứu sinh... Không những thế, những người này còn chấp nhận giao tính mạng mình cho một chiếc thuyền chở quá tải (chở đến 24 người trong khi khả năng tải trọng chỉ 10 – 12 người), để dẫn tới tai nạn thảm khốc.
Nếu các hành khách này có ý thức sử dụng an toàn phương tiện giao thông đường thuỷ (cũng như các phương tiện giao thông khác), không lên thuyền khi thuyền đã chở quá đầy mà lại không đảm bảo các điều kiện an toàn tối thiểu thì hẳn là vụ tai nạn nếu có xảy ra cũng không đếm mức thảm khốc như vậy.
Trách móc người đã khuất là điều không nên, nhưng thiết nghĩ nhắc lại những điều này cũng là việc cần thiết nhằm góp phần cảnh tỉnh cho nhiều người khác tránh lặp lại sự chủ quan chết người như vừa rồi!
-
Hải Châu