(VietNamNet) - Các doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM khẳng định chưa cần thiết phải tăng giá cước vì còn nằm trong biên độ cho phép.
Ngày 7/5, theo thông tin từ ông Đinh Quang Hiền, Chủ tịch Hiệp hội taxi Thành phố, hiện chưa có thành viên nào trong hiệp hội kiến nghị tăng giá cước taxi kể từ khi có quyết định chính thức cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng giá xăng thêm 800 đồng/lít và có hiệu lực vào 0h ngày 7/5.
Mặc dù giá xăng tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các hãng taxi nhưng một số lãnh đạo hãng cho rằng không nhất thiết phải tăng giá cước vì biến động giá còn nằm trong “tầm kiểm soát”. Mặt khác hiệu ứng điều chỉnh giá cước taxi gây lo ngại cho việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng taxi với nhau làm “náo loạn” thị trường này.
Ngoài ra, điều chỉnh giá cước buộc các doanh nghiệp phải mở niêm yết đồng hồ để điều chỉnh đơn giá cho thích hợp. Trong khi đó các doanh nghiệp lớn có đến hàng ngàn phương tiện và hành vi tự tiện mở dấu niêm yết sẽ vi phạm đến quy định trong công tác quản lý, kiểm định đồng hồ tính cước - một việc làm mà các doanh nghiệp rất e ngại vì ảnh hưởng đến uy tín của hãng.
Xăng tăng giá nhưng giá cước taxi tạm thời vẫn sẽ không tăng.
Để khắc phục những khó khăn trước mắt do việc tăng giá xăng, hiện các doanh nghiệp taxi tại TP.HCM đã áp dụng những biện pháp tình thế như hạn chế quãng đường chạy rảo (chạy không khách) của xe, xem xét việc đưa hệ thống định vị vệ tinh để quản lý taxi hữu hiệu.
Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc bến xe miền Đông (BXMĐ) cũng cho biết việc tăng giá xăng không làm ảnh hưởng nhiều đến giá cước xe đò vì phần lớn các phương tiện đều sử dụng dầu làm nhiên liệu. Tương tự, chưa có doanh nghiệp nào tại BXMĐ kiến nghị tăng giá cước do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu. Tăng giá cước xe đò phải thông qua chương trình hiệp thương hằng năm của các doanh nghiệp.
- Trần Duy