221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
930248
Tạm đình chỉ vụ đòi bồi thường oan sai 2,88 tỷ đồng
1
Article
null
Tạm đình chỉ vụ đòi bồi thường oan sai 2,88 tỷ đồng
,

(VietNamNet) - Sau 5 ngày nghị án, TAND quận 11 đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ kiện đòi VKSND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) bồi thường thiệt hại 2,88 tỷ đồng cho người bị oan.

Bà Phan Ngọc Hân.

Bà Hân dù đã được TAND Đồng Tháp xin lỗi và bồi thường 42 triệu đồng nhưng khoản thiệt hại về tài sản rất lớn của bà vẫn còn bị "treo".

Ngày 27/4/2007, TAND quận 11 đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Phan Ngọc Hân (trú tại phường 2, quận 11, TP.HCM) đòi VKSND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) bồi thường thiệt hại 2,88 tỷ đồng do bị hàm oan, bị thiệt hại theo Nghị quyết 388 của Ủy ban TVQH. Tuy nhiên, sau 5 ngày nghị án (tính theo ngày làm việc), chiều nay (8/5), TAND quận 11 đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ kiện để nguyên đơn có thời gian bổ sung thêm một số chứng cứ.

Theo trình bày của nguyên đơn, ngày 13/10/1990, bà Phan Ngọc Hân (trú tại TP.HCM) bị cơ quan điều tra Công an huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khởi tố, bắt tạm giam, khám xét, kê biên nơi ở tại quận 11 và kho, xưởng sản xuất tại đường Tăng Bạt Hổ (quận Bình Thạnh). Lệnh khởi tố, bắt tạm giam và các quyết định khám xét, kê biên tài sản đối với bà Hân đều được VKSND huyện Cao Lãnh phê chuẩn. Trong quá trình khám xét, kê biên, đại diện VKS cũng có mặt tham gia.

11 ngày sau khi bắt bà Hân, một đoàn kê biên gồm đại diện CQĐT, VKS huyện Cao Lãnh đến kho Tăng Bạt Hổ - nơi bà Hân đặt 3 cơ sở sản xuất gạo xuất khẩu, chế biến gia công cà phê để niêm phong kho. Tại đây, đoàn đã lập biên bản niêm phong tài sản và giao cho ông Phan Văn Mách – người được ghi trong biên bản là “người nhà” bà Hân quản lý.

Tuy nhiên, tại phiên toà ngày 27/4/2007, các nhân chứng là cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố chứng kiến việc khám xét, kê biên tài sản nhà bà Hân năm 1990 đều xác định gia đình bà Hân chẳng có ai tên là Phan Văn Mách và VKS huyện Cao Lãnh cũng không chứng minh được người tên Mách là ai, địa chỉ ở đâu, CMND số mấy.

Không chỉ niêm phong kho, đoàn còn thu giữ hai quyển sổ tiết kiệm của bà Hân trị giá hơn 10 triệu đồng. Hai ngày sau khi niêm phong, cơ quan điều tra công an huyện Cao Lãnh yêu cầu bà Hân phải ký hợp đồng cho một đơn vị thuê kho với giá 22 triệu đồng/2 năm. Số tiền thuê kho này, bà Hân không được lấy mà giao cho cơ quan điều tra công an huyện xử lý.

Năm 1995, TAND tỉnh Đồng Tháp xử bà Hân 2 năm tù về tội “Cố ý làm trái...”. Vụ án này, sau đó được Toà phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm và tuyên bà Hân không phạm tội. Ngày 16/8/2005, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức công khai xin lỗi bà Hân về việc xét xử oan, đồng thời bồi thường số tiền thiệt hại về tinh thần do bị giam oan là 42 triệu đồng. Riêng phần thiệt hại do bị kê biên tài sản, TAND tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn bà Hân kiện VKS huyện Cao Lãnh để được bồi thường.

Bà Hân làm đơn gửi VKS huyện Cao Lãnh thì cơ quan này chỉ qua CQĐT; sang cơ quan điều tra công an huyện Cao Lãnh thì được hướng dẫn ngược sang VKS. Bị chỉ đi lòng vòng, bà Hân lại quay sang toà để cơ quan này giúp bà chuyển đơn cho VKS và cơ quan điều tra cấp tỉnh và lúc này mới có cuộc họp liên ngành giữa công an, VKS, tòa án. Cuộc họp thống nhất xin ý kiến các cơ quan cấp trung ương theo ngành dọc, nếu trung ương xác định cơ quan nào phải bồi thường thì cơ quan đó chịu.

Sau đó, cơ quan điều tra Bộ Công an xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc VKS huyện Cao Lãnh. Tiếp theo, VKSND Tối cao cũng có văn bản xác định trách nhiệm bồi thường cho bà Hân thuộc VKSND huyện Cao Lãnh. Thế nhưng, giữa năm 2006, bà Hân nhận được giấy của lãnh đạo VKSND huyện Cao Lãnh mời xuống làm việc và xác định không bồi thường. Riêng hai quyển sổ tiết kiệm thì cả công an và kiểm sát đều cho rằng bị mất và không ai chịu trách nhiệm về sự thất lạc này.

Không đồng ý với trả lời của VKS, bà Hân kiện cơ quan này ra TAND quận 11, TP. HCM (nơi bà Hân cư trú). Trong quá trình toà thụ lý, đã mời VKS lên thương lượng hoà giải, nhưng đại diện VKS huyện Cao Lãnh không hoà giải vì cho rằng không có trách nhiệm trong vụ việc này. Sau đó, VKSND Tối cao có tiếp nhận văn bản lần thứ hai xác định trách nhiệm của VKS huyện Cao Lãnh. Ngày 9/1/2007, VKS huyện mới có văn bản gửi toà đề nghị đem vụ án ra xử mà không cần qua hoà giải.

Tại phiên toà sơ thẩm đòi bồi thường thiệt hại cho người bị oan, bà Hân yêu cầu VKS huyện Cao Lãnh bồi thường tổng cộng số tiền là 2,88 tỷ đồng; đồng thời trả lại 2 quyển sổ tiết kiệm. Ông Trần Văn Sang - đại diện VKS huyện Cao Lãnh vẫn khẳng định cơ quan mình không có trách nhiệm gì trong vụ này.

Mặc dù chủ toạ phiên toà đã nhiều lần thuyết phục nhưng đại diện VKS huyện Cao Lãnh vẫn một mực nhất định không chịu hoà giải mà vẫn yêu cầu toà “cứ xử”. Theo đại diện VKSND huyện Cao Lãnh, việc phải ra toà không phải là trách nhiệm của họ mà vì chấp hành chỉ đạo của VKSND Tối cao; VKSND huyện vẫn thấy không có lỗi gì?!

Trước thái độ thờ ơ của đại diện phía bị đơn, bà Hân bức xúc "người dân chúng tôi không đòi hỏi gì quá đáng, thậm chí có thể du di thiệt 10 chỉ cần bồi 1. Thế nhưng, người bị hàm oan bị giam, xử oan đến thân bại danh liệt, tan cửa nát nhà nhưng các cơ quan gây oan sai cho người dân lại không có 1 lời động viên, an ủi ngược lại còn tỏ thái độ vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau của người dân!"

Trong phần tranh luận, sau khi HĐXX phân tích một số tình tiết bà Hân đồng ý tự nguyện giảm 30% số tiền đòi bồi thường thiệt hại, còn lại khoảng 2 tỷ đồng. Ngược lại sự thiện chí của bà Hân, đại diện VKS vẫn không chịu tranh luận vì cho rằng không có trách nhiệm. Việc VKSND huyện Cao Lãnh tham dự phiên tòa là do bị cấp trên "ép" nên cấp dưới phải tuân lệnh?!

  • Gia Khang

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,