(
Thu gom dầu tràn vào bờ biển Đà Nẵng, Quảng Nam hồi tháng 2/2007 Ảnh: HC
Ngày 9/5, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký Công văn 2244/UBND-QLĐTh giao Sở TN-MT chủ trì cùng Ban chỉ đạo ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu TP tiếp tục kiểm tra, theo dõi diễn biến ô nhiễm môi trường biển do dầu.
Thông báo cho tàu thuyền đánh cá đang hoạt động trên biển kịp thời báo cáo các thông tin liên quan đến vết dầu loang. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, Công ty Sông Thu (Quân khu 5) để có biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời ngay trên biển.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng giao cho Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thống kê các thiệt hại, kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý dầu ô nhiễm thu được; tổ chức điều tra, khảo sát mức độ ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường và thiệt hại về kinh tế, môi trường trên địa bàn để làm căn cứ xử lý khi tìm ra đối tượng gây ô nhiễm dầu. Đồng thời đề nghị Bộ TN-MT hỗ trợ kinh phí từ Quỹ bảo vệ môi trường để khắc phục ô nhiễm và phục hồi các khu vực môi trường bị ô nhiễm…
Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng vừa quyết định chi gần 130 tỷ đồng cho chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp (CN) của TP đến năm 2010 nhằm quản lý chất thải CN, phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường do phát triển CN tại các khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu du lịch trọng điểm, khu nuôi trồng thuỷ sản, các nguồn nước…
Mục tiêu cụ thể đến năm 2010, hơn 70% dự án, cơ sở sản xuất CN hoạt động trước tháng 1/2006 phải hoàn thành hệ thống xử lý chất thải, vận hành đảm bảo chất thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn VN tương ứng. 5/6 khu công nghiệp (KCN) chưa có hệ thống xử lý chất thải phải tập trung đầu tư hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc tại cơ sở đạt tiêu chuẩn VN. 100% cơ sở sản xuất CN trong khu dân cư gây ô nhiễm mà không khắc phục được phải dời vào các KCN hoặc ngừng sản xuất.
KCN Hoà Khánh đang gây ô nhiễm nặng cho khu vực dân cư xung quanh Ảnh: HC
Được biết, hiện Đà Nẵng có 6 KCN tập trung. Trong đó, KCN Hoà Khánh đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ do bụi và khí SO2, đặc biệt là tại các khu vực bố trí các lò nấu, luyện thép. Tại KCN dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang thì vấn đề ô nhiễm mùi diễn ra thường xuyên do đặc thù trong quá trình chế biến của ngành thuỷ sản. KCN Liên Chiểu là nơi tập trung các cơ sở sản xuất xi măng, cao su… nên vấn đề ô nhiễm bụi, khí thải xảy ra trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của cư dân trong vùng.
Về xử lý nước thải CN, tại KCN Hoà Khánh có trạm xử lý nước thải tập trung nhưng hiệu quả hoạt động quá thấp, rất ít nhà máy đưa nước thải về đó xử lý. Phần lớn các nhà máy tại KCN Hoà Khánh, KCN Liên Chiểu… chỉ xử lý nước thải sơ bộ rồi thải trực tiếp ra hồ Bàu Tràm, sông Cu Đê gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Vấn đề rác thải CN cũng trong tình trạng tượng tự. Hiện toàn TP. Đà Nẵng mỗi năm có khoảng 7.000 tấn rác thải CN nhưng lượng rác thu gom chỉ khoảng 5.000 tấn, số còn lại thải ra môi trường. Ngay cả với số rác thải CN được thu gom thì cũng chỉ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, không đảm bảo quy định về xử lý rác thải CN.
Với xu hướng phát triển mạnh các ngành CN, dự báo đến năm 2010, lượng nước thải CN ở Đà Nẵng là 84.255m3/ngày, lượng ô nhiễm bụi 7.278 tấn/năm, chất thải rắn 475.232 tấn/năm. Nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của TP.
-
Hải Châu