221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
933588
Ngày tang thương trên cảng Lotus
1
Article
null
Ngày tang thương trên cảng Lotus
,

(VietNamNet) – “Cháu đã cố chộp tay, kéo cậu nhảy ra khỏi cabin, nhưng không được! Cậu không chịu nhảy ra mà lao ngược vào khoang tàu, nơi các anh em đang nằm…”

 

Nguyễn Văn Thành, SN 1986, thợ máy của tàu Hoàng Đạt 36, kể lại giây phút cuối cùng của thuyền trưởng Trương Quang Thiều.

 

Lẽ ra, thuyền trưởng Trương Quang Thiều đã có cơ hội thoát chết, nhưng ông đã không lựa chọn cách nhảy ra khỏi tàu khi còn thời gian, mà chạy ngược xuống khoang tàu, nơi những thủy thủ của ông đang ở đấy, để chịu cùng số phận – nằm lại với con tàu Hoàng Đạt 36.

 

13h40’ ngày 15/5, thời khắc kinh hoàng nhất của con tàu Hoàng Đạt 36, cũng là thời điểm bắt đầu những giờ phút tang thương trên cầu cảng Lotus, khi chiếc tàu Gas Shanghai đâm thẳng vào thân tàu Hoàng Đạt 36, nhấn chìm 8 mạng người cùng hơn 2.000 tấn thép xuống lòng sông Sài Gòn.

 

Phút giây cuối cùng của Thuyền trưởng

 

Ít thấy nước mắt đổ xuống trên cầu cảng Lotus, dường như đã được nuốt vào trong, những cặp mắt đau đáu, cứ trân trân như vô hồn nhìn ra phía luồng sông, nơi những cây sắt (ngọn anten của tàu Hoàng Đạt 36) chọc lên khỏi mặt nước, chờ đợi…

 

Câu chuyện lúc tàu Hoàng Đạt gặp nạn được kể đi kể lại nhiều lần trên cầu cảng Lotus, lúc là người chứng kiến, lúc thì người thoát nạn trở về, và được truyền từ tai người này qua người nọ… khiến cảnh tượng tai nạn càng trở nên hãi hùng. Ngoài kia, giữa luồng sông Sài Gòn, nơi con tàu đang nằm im ỉm dưới đáy sông, những canô, xuồng máy và người nhái vẫn miệt mài tìm kiếm…

 

Hòang Đạt 36 vượt sóng to gió lớn ngày nào, giờ chỉ còn cột anten nhô lên.
Hoàng Đạt 36 vượt sóng to gió lớn ngày nào, giờ chỉ còn cột anten nhô lên.

Chẳng ai ngờ, tai họa lại ập đến với Hoàng Đạt 36 khi chỉ còn cách bờ vài chục mét và đã bắt được dây neo. Chuyến đi dài gần 4 tháng trời lênh đênh trên biển của con tàu, những tưởng sẽ kết thúc an toàn, thủy thủ được xum vầy bên gia đình, người thân lại kết thúc bi đát đến vậy.

 

Nhưng trong câu chuyện đối mặt với cái chết của 16 con người trên tàu Hoàng Đạt 36, lại xuất hiện câu chuyện bi tráng của những con người dũng cảm, khiến cho người ở lại như được an ủi một phần trong nỗi đau khôn nguôi.

 

“Cháu đang dưới khoang máy, chuẩn bị cho tàu cập cảng, bất ngờ nghe một tiếng va chạm lớn, tụi cháu ở dưới bị hất ngã. Theo cảm tính, cháu vùng dậy, chạy tiên phong lên trên để xem chuyện gì xảy ra. Khi lên tới boong, phát hiện tàu bị đâm, nước bắn và tràn mạnh vào, tàu chìm dần. Trong lúc hoảng hốt, cháu chạy về phía cabin, chộp cánh tay cậu, vừa kéo ra vừa thét: Chạy đi cậu ơi, không kịp rồi!

 

Nhưng cậu vẫn không theo, cứ cố chạy ngược xuống khoang tàu, nơi các anh em đang nằm. Bất ngờ, nước đổ ập vào, mạnh đến nỗi cuốn phăng cháu, dứt khỏi tay cậu, cháu bị hất ra và cuốn theo dòng xoáy, sau đó nổi lên và được cứu...”

 

Chàng thợ máy 21 tuổi Nguyễn Văn Thành, kể lại phút cuối cùng của thuyền trưởng, rồi nghẹn lời.

 

Hai anh em Thắng, Khánh (áo carô và xám, ở giữa) hồi hộp nhìn từng thi thể được đưa lên bờ.

Hai anh em Thắng, Khánh (áo carô và xám, ở giữa) hồi hộp nhìn từng thi thể được đưa lên bờ.

 

Vậy là thuyền trưởng mất tích và gần như mất hết hy vọng về sự sống, để lại hai đứa con trai đang là sinh viên Đại học Hàng hải TP.HCM và người vợ ở tận Nam Định đang mỏi mòn chờ chồng về.

 

Bên cạnh, hai cậu con trai của thuyền trưởng đứng như “trời trồng”, mắt vẫn cứ đăm đăm về vùng sáng giữa lòng sông Sài Gòn. Vỗ vai Trương Quang Thắng, như một cách để chia sẻ với nỗi đau mất cha, nhưng như sợ cậu sẽ đổ gục, tôi ôm vai cậu. Giọng thều thào trong cổ họng, như người không còn sức, Thắng nói như thở:

 

“Em rất tự hào về cha mình! Một năm, cha con chỉ gặp nhau được 2 lần, thời gian còn lại, cha dành hết cho tàu, cho biển. Cha em yêu nghề lắm, nên hướng hai anh em cùng theo, vào học Đại học Hàng hải. Hôm nay, hai anh em đợi cha vào bờ để được gặp mặt, nhưng…” Thắng nghẹn lời.

 

Còn Trương Quốc Khánh, với ánh mắt cương nghị sau cặp kính cận, nhưng không giấu được vẻ đau đớn. Khánh vẫn tất bật với chiếc điện thoại, chuẩn bị thuê xe đông lạnh, để lo hậu sự cho cha mình. Đôi lúc, chàng trai dường như không đứng vững trên đôi chân mình, khi nhìn ra phía con tàu đang nằm dưới đáy sông, nơi đó, có thể cha Khánh, người thuyền trưởng dũng cảm đang nằm ở đó, đầu gối Khánh như khụy xuống.

 

“Một đời đi biển, qua bao sóng to gió lớn, không ngờ, cha em lại gặp nạn ngay khi cách bờ chỉ còn vài chục mét” - Khánh cố gắng thốt ra.

 

Hai thủy thủ thóat chết ngồi bên thi hài đồng đội của mình vừa được vớt lên từ Hoàng Đạt 36.

Hai thủy thủ thoát chết ngồi bên thi hài đồng đội của mình vừa được vớt lên từ Hoàng Đạt 36.

Đã qua 2h ngày hôm sau của vụ tai nạn (16/5), hai anh em Thắng, Khánh vẫn ngồi đó, trên cầu cảng, chăm chú nhìn ra phía các thợ lặn đang miệt mài tìm kiếm. Mỗi chuyến ca-nô tấp vào bờ, cả hai lại nhào ra. Thỉnh thoảng, vài thuyền viên, thợ máy thoát nạn và người quen đến chia sẻ với hai anh em. Vẫn tỏ ra bình tĩnh, hai cậu lại vỗ vai họ, như một cách để trấn an và tự chia sẻ với mình.

 

Dường như, dũng khí của người thuyền trưởng Trương Quang Thiều đã được truyền qua hai cậu con trai, cho họ nghị lực để bước tiếp con đường của cha mình.

 

Trắng đêm tìm kiếm

 

Ngay sau vụ tai nạn, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã được điều đến. Các phương án được đặt ra, nhưng gần như không thể triển khai như mong muốn, bởi thủy lưu của sông Sài Gòn ở khu vực cảng Lotus quá phức tạp. Sau khi vớt được thi thể đầu tiên của thủy thủ Phạm Xuân Thành vào khỏang 18h40’ ngày 15/5, mọi công tác tìm kiếm, cứu nạn hầu như phải tạm ngưng vì dòng nước quá xiết.

 

Những ánh mắt hy vọng lẫn bất lực cứ dồn tất ra con sông, chẳng ai bảo ai, nhưng dường như cùng một tâm trạng cầu khấn cho dòng nước lặng, để sớm đưa những người xấu số vào bờ, sớm thoát cái lạnh lẽo nơi đáy sông.

 

Nguyễn Mạnh Hùng, Phó GĐ Sở CS PCCC TP.HCM (bìa trái) họp cùng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn, bàn cách lặn vào tàu, dưới ánh đèn leo lét.
Nguyễn Mạnh Hùng, Phó GĐ Sở CS PCCC TP.HCM (bìa trái) họp cùng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn, bàn cách lặn vào tàu, dưới ánh đèn pin.

Trên cầu cảng, cầu trục cứ hú lên từng hồi và bánh răng cứ rít lên như nhéo thêm vào nỗi đau của người sống, mỗi khi chúng di chuyển. Thỉnh thoảng, lại có người liếc nhìn vào mặt đồng hồ, chờ con nước lặng.

 

Đại tá Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, nhìn con nước buồn rầu: “Nước xiết quá, anh em không thể xuống được, nên phải đợi!”.

 

Những cái bánh bao và nước suối lấp đỡ cái dạ dày trống rỗng. Vừa ăn, mọi người vẫn không dứt nhìn về phía tàu chìm. Đồng hồ nhích dần về khuya.

 

22h30, con nước đứng dần, toán thợ lặn bắt đầu di chuyển về phía “tọa độ chết”. Sau hơn một giờ ngụp lặn dưới dòng nước lạnh ngắt, thi thể thứ hai được đưa lên bờ, khi đồng hồ đã điểm qua ngày mới. Mọi người đổ ào về phía canô, nhìn thi thể trong tư thế co ro, chẳng ai cầm được lòng. Mọi động tác nhẹ nhàng đến mức tuyệt đối, như thể sợ họ đau thêm một lần nữa. Công tác nhận dạng bắt đầu và chẳng bao lâu, xác định đó là thủy thủ Nguyễn Văn Quang, quê Hải Phòng.

 

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đang cố đưa thi thể lên bờ.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đang cố đưa thi thể lên bờ.

Chiếc ca-nô quay lại vị trí tàu đắm, đồng hồ đã quá 1h ngày 16/5, con nước bắt đầu cuồn cuộn. Đến 2h30’, khi mọi nỗ lực không vượt qua được sự thách thức của con nước xiết, toán thợ lặn phải quay vào bờ và chờ đến 4h để tiếp tục công việc.

 

Ông Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM quyết tâm trong cuộc họp đặc biệt lúc 00h55’ ngày 16/5: “Có khó khăn mấy, lực lượng chúng tôi sẽ cố gắng đưa các nạn nhân vào bờ sớm nhất trong khả năng có thể! Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm chia sẻ với gia đình có nạn nhân gặp nạn!”

 

Đến 12h ngày 16/5, với nỗ lực trước dòng nước xiết, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 3 thi thể trong số 8 nạn nhân bị cho là đã mất tích.

 

  • Phan Công – Trần Duy – Minh Cường
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,