(VietNamNet) - Thời tiết nắng nóng nhưng dịch cúm gia cầm vẫn bùng phát tại 5 tỉnh. Các chuyên gia thú y, chăn nuôi nhận định, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dịch cúm đột ngột bùng phát là do các địa phương lơ là chỉ đạo công tác tiêm phòng, người dân thì chủ quan.
>>Cúm gia cầm bùng phát tại hàng loạt địa phương
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm chiều nay (22/5), Phó Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm nói rằng, từ đầu tháng 5 đến nay, cúm gia cầm đã tấn công 13 xã thuộc 10 huyện của 5 tỉnh là Nghệ An, Quảng Ninh, Cần Thơ, Sơn La và Nam Định.
Lơ là tiêm phòng, dịch cúm bùng phát ngay.
Số gia cầm mắc dịch là trên 3.600 con (chủ yếu trên đàn vịt và ngan) trên tổng đàn 16.360 con. Toàn bộ số gia cầm này đã bị tiêu huỷ.
Ông Hoàng Văn Năm nhận xét, nguyên nhân khiến dịch bùng phát là do các địa phương miền Trung, miền Bắc chưa triển khai Quyết định 17 của Bộ NN-PTNT quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm. Do đó, việc quản lý, theo dõi đàn để tiêm phòng gặp nhiều khó khăn.
Ông Năm cho biết tại Nghệ An, địa phương này báo cáo 98% số gia cầm đã được tiêm phòng. Song, qua kiểm tra, 98% chỉ là trên số gia cầm đã thống kê được. Trên thực tế, mới có 30% số gia cầm được tiêm.
Ngoài ra, các cơ sở ấp trứng giống nhỏ lẻ, không chịu đăng ký hoạt động với địa phương. Đàn vịt bố mẹ chưa được quản lý, theo dõi, đảm bảo là an toàn với dịch cúm. Hiện 18/21 tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL (ngoại trừ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước) đã cấp khoảng 200.000 sổ theo dõi chăn nuôi, tiêm phòng đối với đàn thuỷ cầm. Tuy nhiên, các tỉnh miền Bắc làm rất lơ là, đến thời điểm này, chưa có tỉnh nào có báo cáo về việc ấp mới đàn thuỷ cầm.
Ngoài ra, các trạm, chốt kiểm dịch hoạt động không hiệu quả do thiếu lực lượng, không có kinh phí, không có khu vực cách ly, địa điểm tiêu hủy gia cầm nên chưa có biện pháp xử lý dứt điểm với số vịt vận chuyển trái phép. Lực lượng chốt trạm chỉ phạt hành chính rồi lại buộc người vận chuyển quay lại nơi xuất phát. Như vậy, vẫn tạo cơ hội cho số vịt này được đưa đi tiêu thụ.
Ông Trương Văn Dung, Viện trưởng Viện Thú y TƯ, nhận định, tính yếu kém về quản lý, điều hành của các địa phương trong vấn đề tiêm phòng là nguyên nhân khiến dịch bùng phát. Bên cạnh đó, không ngoại trừ khả năng dịch cúm bùng phát là do gia cầm nhập nội và sự biến đổi của virus, cần phải xem xét kỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng giải thích như vậy của Cục Thú y vẫn chỉ là chung chung. Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự bùng phát đột ngột của một loạt ổ dịch ở các địa phương.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thanh Sơn bức xúc, dịch cúm xảy ra nằm ngoài dự đoán nên các nhà chuyên môn cần xem xét một cách đầy đủ, cẩn trọng nguyên nhân. Đó là do sự lơ là chỉ đạo của các địa phương, người dân thì chủ quan, giết mổ tràn lan gia cầm không nguồn gốc. Người chăn nuôi thì mệt mỏi với việc liên tục cho phép, cấm rồi lại cho nuôi thuỷ cầm. Rồi gia cầm đã được tiêm phòng chưa, tiêm có đảm bảo không?
Trong công tác tiêm phòng, theo ông Sơn, nên xã hội hoá, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm.
"Nếu đúng là dịch cúm bùng phát do các địa phương lơ là, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo nên có văn bản phê bình cụ thể", ông Sơn nói. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cần tổ chức ngay hai hội nghị giao ban ở phía Nam và phía Bắc để lên dây cót cho các tỉnh trong việc tập trung chống dịch.
Ngày mai (23/5), các chuyên gia của Bộ NN-PTNT sẽ đi kiểm tra, đôn đốc địa phương khoanh vùng, không để dịch lây lan tại các địa phương có dịch. Cơ quan chuyên môn khác sẽ đi kiểm tra công tác tiêm phòng, vệ sinh khử trùng và quản lý ấp nở gia cầm ở những tỉnh lân cận, tỉnh khác có nguy cơ bùng phát dịch cúm cao.
-
Hà Yên