(VietNamNet) - Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chiều nay xác nhận thêm thông tin dịch cúm gia cầm đã chính thức xuất hiện tại Hải Phòng, Bắc Giang. Điều này chứng tỏ công tác dập dịch và kiểm soát vận chuyển gia cầm bệnh chưa hiệu quả.
>>Cúm gia cầm tấn công Đồng Tháp
>>Lơ là tiêm phòng, cúm gia cầm bùng phát
>>Cúm gia cầm bùng phát tại hàng loạt địa phương
Các địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm. |
Theo Cục Thú y, tại TP. Hải Phòng, từ 22-24/5, dịch đã xảy ra ở hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quế, ngụ tại thôn Quyết Tiến, xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy. 320 con vịt trên 40 ngày tuổi ( tổng đàn 500 con) của gia đình ông đã bị chết. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1.
Cũng trong thời gian này, dịch cúm đã bùng phát ở Bắc Giang. Dịch xảy ra ở một hộ chăn nuôi ở thôn Lực, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng với 727 con ngan vịt và 246 con gà chết và mắc bệnh. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1.
Ở các địa phương đã có dịch, các ổ dịch mới tiếp tục bùng phát. Ở Quảng Ninh, ngày 14/5, dịch xảy ra tại hộ gia đình ông Lương Văn Vĩ ở thôn 1, xã Đức Chính, huyện Đông Triều. Số gà chết là 90 con trên tổng đàn 130 con, số gà này chưa tiêm phòng.
Ở Nam Định, ngày 23/5, dịch đã xảy ra ở một hộ chăn nuôi thuộc xã Giao Hải, huyện Giao Thuỷ, trên đàn 350 con vịt đẻ; 1.200 con vịt thịt và ngan mua ngày 23/3 (vịt 60 ngày tuổi ở Hà Tây); 1.000 con vịt; 70 gà mua ngày 8/5 (vịt 15 ngày tuổi ở Hà Tây); chết 400 con vịt. Toàn bộ số gia cầm trên đều chưa tiêm phòng vắc-xin cúm. Qua triệu chứng, mổ khám bệnh tích nghi mắc bệnh cúm gia cầm.
Như vậy, từ đầu tháng 5 đến nay, cúm gia cầm đã tấn công 8 tỉnh là Nghệ An, Quảng Ninh, Cần Thơ, Sơn La, Nam Định, Đồng Tháp, Hải Phòng và Bắc Giang. Các địa phương mới xuất hiện ổ dịch đều nằm trên tuyến quốc lộ 5 và 1A. Điều này chứng tỏ có sự vận chuyển gia cầm bệnh và công tác kiểm dịch dường như đang bị buông lỏng.
Phát hiện kịp thời, kiên quyết xử lý các ổ dịch Đồng Tháp: Tiêu huỷ 1.000 con vịt bệnh Trạm thú y huyện Tháp Mười vừa tiêu hủy 1.000 con vịt 40 ngày tuổi của hộ anh Nguyễn Thanh Tùng, ngụ ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Qúy, huyện Tháp Mười do nghi nhiễm dịch cúm gia cầm. ( Hậu Chinh)
Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số địa phương trong cả nước, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Công văn 645/TTg-NN yêu cầu các tỉnh, thành tập trung mọi nguồn lực giám sát chặt chẽ dịch bệnh từ cơ sở, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các ổ dịch xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm theo kế hoạch đã phê duyệt và đàn gia cầm mới phát sinh.
Thủ tướng nhắc các địa phương kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với việc nuôi mới, vận chuyển lưu thông, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Y tế có kế hoạch, biện pháp chủ động phát hiện, xử lý ngay tại cơ sở các trường hợp cúm A (H5N1) ở người và đối phó kịp thời khi dịch xảy ra.
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cũng ban hành Chỉ thị 1403 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tăng cường giám sát, phát hiện sớm đàn gia cầm mắc bệnh. Địa phương phải xử lý ngay đàn gia cầm mắc bệnh khi có triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm gia cầm. Trước khi tiêu huỷ phải lấy mẫu gửi chẩn đoán xét nghiệm. Thu gom tất cả xác gia cầm chết để xử lý tránh để dịch lây lan và làm ô nhiễm môi trường.
Đối với các địa phương chưa có dịch, cần tổ chức giám sát, phát hiện bệnh đến từng thôn ấp, hộ chăn nuôi gia cầm, kiểm tra 2 ngày một lần; rà soát lại toàn bộ số gia cầm mới tái đàn, chưa được tiêm phòng và tổ chức tiêm phòng bổ sung ngay.
Một biện pháp quan trọng nữa là địa phương phải tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới cũng như vận chuyển trong nước; kiên quyết xử lý tiêu huỷ gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, không rõ nguồn gốc.
Sau khi tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo lứa tuổi, vào ngày 10/5 đàn vịt 2.600 con của anh Tùng bắt đầu có triệu chứng thần kinh và chết, nhưng anh không báo cho địa phương. Đến ngày 20/5, đàn vịt chết 1.600 con; chủ nuôi tự tiêu hủy và sau đó mới báo với chính quyền địa phương.
Chi cục thú y tỉnh tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi cơ quan thú y vùng VII xét nghiệm, kết quả dương tính với virus cúm H5N1. ThS. Võ Bé Hiền- Chi cục trưởng chi cục thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh sẽ thực hiện nghiêm việc tiêm phòng cho gia cầm, giám sát kỹ việc ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại.
-
Hà Yên