(VietNamNet) - Một số địa phương khai tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm đạt cao, tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ bảo hộ ở mức rất thấp. Trong khi đó, virus H5N1 xuất hiện khắp nơi và chỉ cần sơ hở là dịch cúm gia cầm bùng phát.
>>Dịch cúm gia cầm đã tái phát tại Ninh Bình>>Thêm 2 tỉnh tái bùng phát dịch cúm gia cầm>>Cúm gia cầm tấn công Đồng Tháp>>Lơ là tiêm phòng, cúm gia cầm bùng phát>>Cúm gia cầm bùng phát tại hàng loạt địa phương
Mục tiêu của công tác tiêm phòng là đạt tỷ lệ bảo hộ cao chứ không phải là có con số đẹp về tỷ lệ tiêm phòng (Ảnh timeinc.net).
Dịch cúm gia cầm đã bùng phát và lan rộng ra các tỉnh phía Bắc, chiếm 7/9 tỉnh có dịch, với tổng số gia cầm bị chết và tiêu hủy là trên 45.000 con. Do vậy, Bộ NN-PTNT hôm nay (28/5) đã tổ chức Hội nghị khẩn cấp giao ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và thực hiện kiểm soát công tác ấp nở, chăn nuôi thủy cầm tại khu vực này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nêu thực trạng khi đi kiểm tra tại một số tỉnh tại ĐBSCL, nhiều địa phương đàn vịt hàng trăm con nhưng chỉ tiêm phòng vắc-xin vài chục con rồi báo cáo tiêm đủ. Do vậy, tỷ lệ kháng thể bảo hộ trong đàn là cực kỳ thấp, dẫn đến khả năng bị lây nhiễm virus H5N1 rồi phát dịch rất cao. Bên cạnh đó, việc giám sát đàn gia cầm sau tiêm phòng gần như chưa làm được.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu và chuyên gia thú y vẫn băn khoăn về nguyên nhân khiến dịch bùng phát ồ ạt như hiện nay, đặc biệt là tại phía Bắc. Dịch lại xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt 30-40 ngày tuổi, chưa được tiêm phòng và thường được mua từ nơi khác về.
Ông Trần Lâm Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình, cho biết, kiểm tra tại ổ dịch phát ra trong đàn vịt đẻ 1.750 con cho thấy có 1.200 con đã được tiêm phòng. Chủ hộ chăn nuôi lại mua thêm 550 con từ Nam Định (chưa tiêm phòng). Khi dịch xảy ra, ngành thú y vẫn chưa thể xác định virus cúm có trong đàn vịt mua hay đàn vịt tại chỗ.
Dịch cúm bùng phát tại Bắc Ninh |
Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) vừa thông báo, ngày 25/5, dịch cúm đã xảy ra trên đàn gia cầm của hộ ông Nguyễn Văn Bộ, thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. 60 con gà và 510 con ngan đã bị chết trên tổng đàn 950 con gia cầm. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1. Toàn bộ số gia cầm trên đã được tiêu huỷ theo đúng quy trình kỹ thuật, kết thúc vào 22h ngày 25/5. Như vậy, kể từ đầu tháng 5/2007, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 10 tỉnh là: Nghệ An, Nam Định, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ Ninh Bình, Bắc Ninh. |
Câu chuyện này cũng diễn ra tương tự tại Bắc Giang, Nam Định, Sơn La, Quảng Ninh, khi nhiều ổ dịch xuất hiện là do mua con giống từ những cơ sở ấp nở của địa phương khác, nhiều nhất từ Hà Tây. Đáng lưu ý là khi chuyển về địa phương, chủ chăn nuôi lại không khai báo với thú y để tiêm phòng vắc-xin. Do vậy, hầu hết các tỉnh đều lúng túng trong xác định nguyên nhân dịch phát từ cơ sở giống gia cầm nhập hay từ môi trường chăn nuôi.
Hiện nay, việc kiểm soát dịch tại các cơ sở ấp nở thủy cầm ngay trong những tỉnh có dịch cũng rất hạn chế. Đa số các cơ sở này hoạt động đều không khai báo với lực lượng thú y. Ở những cơ sở có khai báo, tuân thủ đầy đủ việc tiêm phòng vắc-xin thì không phát hiện ra dịch.
Điển hình là một ổ dịch ở Nam Định mà giống là của cơ sở ấp nở trong tỉnh, song, khi lực lượng thú y kiểm tra thì cơ sở này đảm bảo an toàn thú y. Chủ lò ấp cũng tuân thủ đầy đủ việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm giống.
Hà Tây hiện là địa phương ấp nở thuỷ cầm mới lớn nhất phía Bắc, với khoảng 2 triệu gia cầm giống/tuần. Đại diện Sở NN-PTNT Hà Tây cho biết, việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm bố mẹ của tỉnh được thực hiện nghiêm túc nên từ 2004 đến nay, Hà Tây không xảy ra dịch.
Trên thực tế, tại huyện Phú Xuyên, trung tâm ấp nở vịt lớn nhất, vẫn còn hơn 30 cơ sở (trên tổng số 200 lò ấp) chưa khai báo, 30% số trứng ấp nở lại từ nơi khác đưa tới. Chính vì vậy, dù khẳng định luôn làm tốt công tác tiêm phòng nhưng Hà Tây cũng không thể cam đoan nguồn gia cầm giống xuất phát từ tỉnh này không mang virus H5N1.
Bên cạnh đó, nguyên nhân virus H5N1 tại Việt Nam đã biến đổi cũng bị loại bỏ khi TS. Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, khẳng định, các xét nghiệm mới nhất không cho thấy sự biến đổi đáng kể nào của virus.
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, hiệu lực vắc-xin H5N1 đến nay không bị thay đổi. Vì vậy, vấn đề nằm ở chỗ các địa phương đã không thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng thời gian qua, đặc biệt là trên đàn thủy cầm nên hiện tượng các ổ dịch bùng phát là do lây nhiễm virus H5N1 ngay tại địa phương. Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh phải luôn duy trì tỷ lệ kháng thể bảo hộ trong đàn gia cầm, thủy cầm ở mức cao.
“Chúng ta cần tỷ lệ kháng thể bảo hộ cao chứ không phải con số tiêm phòng cao. Các địa phương phải thực hiện nghiêm việc tiêm đúng, tiêm đủ, tiêm trung thực”, ông Phát nhấn mạnh.
-
Hà Yên