(VietNamNet) - Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh nhận định, rất có thể 3 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Thanh Hoá sẽ là mục tiêu tiếp theo của dịch cúm khi mấy ngày qua, gia cầm tại các tỉnh này chết hàng loạt. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi đi xét nghiệm.
>>Dịch cúm gia cầm: Nhiều địa phương khai khống tỷ lệ tiêm phòng
>>Cúm gia cầm bùng phát tại hàng loạt địa phương
Nguy cơ dịch bùng phát do nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý đàn gia cầm. |
Thông tin từ Chi cục Thú y Thanh Hoá cho thấy, những ngày qua, hàng nghìn con gà, vịt của nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương đã bị chết với những biểu hiện nghi ngờ là do nhiễm virus H5N1. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có kết luận vịt, gà chết là do nhiễm dịch cúm.
Tình trạng này cũng tái diễn tương tự tại Quảng Ngãi. Sáng 29/5, ông Trương Đình Toàn - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, 150 con trong đàn thuỷ cầm khoảng 400 con của hộ ông Nguyễn Ngọc Hải, ở thôn Đông Hà, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh vừa chết chưa rõ nguyên nhân.
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Italy đã hé mở khả năng sử dụng vắc-xin H5N2 (hãng Intervet - Hà Lan) dùng để tiêm cho vịt 1 ngày tuổi, mũi 2 tiêm lúc 30 ngày tuổi. Song, giải pháp này đòi hỏi có sự tập huấn kỹ càng về kỹ thuật tiêm cũng như kiểm soát triệt để các lò ấp nở thủy cầm giống.
Còn ở Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng đưa vắc-xin H5N1 vào cơ thể gia cầm theo đường hô hấp, đường uống. |
Tỉnh Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm lần một, đợt một năm 2007. Tuy nhiên có một thực tế là đa phần các hộ chăn nuôi, các cơ quan chức năng và người dân trong tỉnh còn khá chủ quan và thờ ơ đối với công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Việc tiêm phòng vừa qua nhiều địa phương chỉ làm chiếu lệ, dẫn đến tình trạng bỏ sót, gây nguy cơ tiềm ẩn tái phát dịch trên địa bàn. Thời gian tới, theo dự đoán của ôngBùi Quang Anh, Quảng Ngãi, cùng với Thái Nguyên và Thanh Hoá có thể xuất hiện cúm gia cầm, nâng tổng số địa phương có dịch lên 13. Kể từ đầu tháng 5/2007, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 10 tỉnh là: Nghệ An, Nam Định, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Ninh Bình, Bắc Ninh.
Cục Thú y cũng xác nhận tại Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Đồng Tháp đã xuất hiện những ổ dịch mới, đặc biệt, dịch đã xuất hiện trên cả gà và chim cút. Đến nay, tổng số gia cầm đã chết và tiêu hủy trong đợt dịch này lên đến trên 50.000 con.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 29/5, báo cáo nhanh của đoàn kiểm tra công tác chống dịch tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định... cho thấy, công tác tiêm phòng vắc-xin rất lơ là. Việc người dân nuôi vịt bừa bãi khiến tỷ lệ kháng thể bảo hộ trong đàn gia cầm xuống rất thấp.
Tiêm vắc xin cho ngan
Ví dụ, ở Đông Triều (Quảng Ninh), tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt 50% tổng đàn. Tại Nam Định, qua khảo sát ở 7 huyện, có nơi tỷ lệ tiêm phòng cho đàn ngan chỉ đạt 7%, có nơi thì đạt 97%.
Ông Bùi Quang Anh tiếp tục cảnh báo, việc tái đàn thủy cầm ồ ạt sẽ phá vỡ kế hoạch nhập khẩu, cung ứng vắc-xin hiện nay. Trên thực tế, rất nhiều đàn vịt nuôi thương phẩm (trên dưới 60 ngày) đã né tiêm phòng. Trong khi đó, việc kiểm soát các lò ấp nở thủy cầm để đảm bảo tiêm phòng mũi một cho đàn vịt 14 ngày tuổi gần như không thể thực hiện được.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, các địa phương cần áp dụng khẩn cấp việc tiêm phòng triệt để cho đàn thủy cầm mới bổ sung. Khi phát hiện đàn thủy cầm nào chưa tiêm phòng, buộc phải tiêu hủy ngay. Ông Phát cũng giao Cục Thú y cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét việc triển khai những phương pháp tiêm vắc-xin mới.
Trước mắt, lãnh đạo Bộ NN-PTNT sẽ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác chống dịch tại các tỉnh miền Bắc. Đồng thời, Bộ cũng phát động triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên toàn quốc, bắt đầu từ 1/6.
-
Hà Yên - H.MinhTin liên quan: