221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
938878
Sẽ có tín dụng ưu đãi cho xuất khẩu lao động
1
Article
null
Sẽ có tín dụng ưu đãi cho xuất khẩu lao động
,

(VietNamNet) - Chính phủ sẽ dành một nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện tín dụng ưu đãi cho học nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động, đặc biệt là cho thanh niên, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng phát triển. 

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi dự Hội nghị toàn quốc về dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 10 và 11/5.

Thị trường lao động xuất khẩu chưa ổn định

a
Lao động VN trước ngưỡng cửa WTO.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mặc dù đạt được nhiều kết quả, trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động vẫn còn không ít yếu kém, bất cập.

Trước hết, nhận thức về công tác dạy nghề, học nghề, giải quyết việc làm ở các ngành, các cấp, các địa phương và trong xã hội còn bất cập và chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư còn hạn chế, tuyên truyền về công tác dạy nghề, học nghề còn yếu. Hệ thống dạy nghề còn mất cân đối, nhiều nơi phát triển chậm, nhất là dạy nghề dài hạn; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa sát với nhu cầu của thị trường lao động, thiếu lao động kỹ thuật cao. Việc triển khai xây dựng các trường chất lượng cao, trường đạt trình độ tiên tiến của khu vực còn chậm.

Thủ tướng cho rằng, chất lượng dạy nghề nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc triển khai xã hội hóa công tác dạy nghề còn chậm trong cả khâu ban hành cơ chế, chính sách và khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện, chưa huy động tốt khả năng tham gia của doanh nghiệp và toàn xã hội trong hoạt động dạy nghề.

Công tác giải quyết việc làm chưa bền vững, tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao; việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, phát triển mở rộng đô thị chưa gắn với các giải pháp đầu tư để tạo việc làm ổn định cho người lao động trong vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển các ngành, vùng, địa phương, khu công nghiệp chưa đồng bộ với quy hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, thị trường lao động còn nhiều hạn chế, hệ thống thông tin về thị trường lao động chưa phát triển kịp với yêu cầu, chưa là cầu nối có hiệu quả giữa "cung" và "cầu" lao động.

Liên quan đến công tác xuất khẩu lao động, Thủ tướng cho rằng, thị trường lao động chưa ổn định, chất lượng lao động còn những mặt hạn chế, quản lý lao động vẫn còn những mặt bất cập.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận, quản lý Nhà nước trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động vẫn còn bất cập: việc xây dựng cơ chế, chính sách chưa được quan tâm đúng mức, do đó cơ chế, chính sách vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa tập trung chỉ đạo thường xuyên cho việc nâng cao chất lượng. Đầu tư vừa hạn chế, vừa dàn trải, còn để xảy ra những tiêu cực, sai phạm nhưng xử lý chưa nghiêm.

2010: tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 50%

Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống dạy nghề theo hướng là một bộ phận hữu cơ  của hệ thống giáo dục quốc dân, có cơ cấu  trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng, miền hợp lý. 

Về xuất khẩu lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nghiên cứu mở rộng thị trường, làm tốt hơn nữa công tác dạy nghề, giáo dục định hướng và bồi dưỡng ngoại ngữ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại những nước có lao động của ta làm việc, ký kết các văn bản thoả thuận để quản lý và bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động; tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề và giải quyết việc làm, một mặt tạo cơ chế tự chủ cao cho các cơ sở dạy nghề công lập, mặt khác huy động mọi nguồn lực của xã hội, của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp... tham gia đầu tư phát triển dạy nghề và giải quyết việc làm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính xây dựng phương án học phí hợp lý để thúc đẩy phát triển dạy nghề.

Thủ tướng giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến 2015, trình Chính phủ xem xét và phê duyệt trong quý III năm nay.

Về Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tìm việc làm bằng nguồn vay có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ dành một nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện tín dụng ưu đãi cho học nghề và tạo việc làm và xuất khẩu lao động, đặc biệt cho đối tượng thanh niên, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Phát triển.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan xây dựng đề án cụ thể trình Chính phủ xem xét trong quý III năm nay.

Năm 2006, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 20%, so với 13,4% năm 2001.

Năm 2006, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động.

2006: trên 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, gấp hơn 2,5 lần trong 5 năm trước đó.

Hiện lao động VN có mặt tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ.

  • Vân Anh 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,